'Ông trời' đã giảm tiền điện cho nhà tôi

Nhiều năm nay gia đình tôi vẫn giữ thói quen gom trữ và sử dụng nước mưa. Từ thời ông bà xa xưa, việc đào giếng khoan lấy nước ngầm khá khó khăn và tốn kém nên nguồn nước trời cho vẫn là ưu tiên hàng đầu để dùng cho những sinh hoạt không cần đến nước sạch. Và tôi hay thường nói vui với các con: 'Mỗi tháng, 'ông trời' đều giảm tiền điện cho nhà mình'.
Bây giờ dù việc lấy nước đã trở nên đơn giản hơn bao giờ hết khi có động cơ bơm điện hay kể cả khi nước máy về tận thôn ấp thì cha tôi vẫn giữ lại những cái lu, cái kiệu ngày cũ, thậm chí mua thêm bể inox để dành trữ nước mưa. Sau mấy đợt hạn mặn dài và khốc liệt ở đồng bằng sông Cửu Long trong những năm qua, cha tôi càng cho thấy việc chủ động phòng xa, tận dụng nguồn nước trời để tiết kiệm tối đa tài nguyên điện, nước là vô cùng đúng đắn và cấp thiết.
Ở nhà, cha luôn là người "đón đầu" cơn mưa vì chương trình yêu thích của ông là Dự báo thời tiết. Cha nói mình ở nông thôn nên chất lượng nước mưa vẫn còn khá tốt, không như đô thị đông đúc hoặc khu công nghiệp phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm và bụi bẩn; trong khi lượng mưa trung bình hằng năm lại rất dồi dào. Mỗi lần sắp đến mùa mưa là cha bắt đầu tổng vệ sinh các bể chứa nước để sẵn sàng đón mưa. Xả bỏ nước của một hai cơn mưa đầu mùa là "hệ thống nước trời" của cha bắt đầu đi vào hoạt động và có thể đưa ngay vào sử dụng đồng thời với nước máy, nước lọc.
Nhà tôi lợp ngói tráng men với diện tích mái khá rộng, rất thuận tiện cho việc gom trữ nước mưa. Sau khi xem xét vị trí, cha bắt đầu thiết kế hệ thống sử dụng nước trời quy mô hộ gia đình.
Tận dụng lại chiếc lu lớn nhà có sẵn nên cha không xây bể xi măng. Cha nói hiện thời tạm tận dụng lu, kiệu bỏ không nhưng về lâu dài cha sẽ tính toán xây bể rộng hơn với cấu trúc lập phương để tiết kiệm vật liệu đồng thời tích trữ thể tích nước lớn.
Sau khi đo tính khoảng cách, cha mua đồ dùng về tiến hành lắp đặt. Máng hứng nước làm bằng chất liệu inox; nước dẫn từ máng vào lu thông qua ống nhựa lớn trong khi nước dẫn từ lu vào khu vực vòi dùng trực tiếp sử dụng ống nhựa nhỏ hơn. Mỗi lần sử dụng, lượng nước trong lu giảm đi nhưng sau đó lại được bổ sung khi trời mưa xuống.
Dù không tinh khiết như nước lọc, nước máy, nhưng so với nước giếng, ao, hồ, sông, suối, nước mưa vẫn sạch hơn. Khi nguồn nước này được tận dụng giặt giũ quần áo, rửa chén, tưới cây sẽ giảm gánh nặng cho nước ngầm và nước mặt trong bối cảnh lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về đồng bằng ngày càng giảm. Trong khi khai thác nước ngầm sâu liên tục sẽ khiến cho mặt đất tự nhiên sụt lún dần.
Để đảm bảo chất lượng nước tốt nhất có thể, máng nước và đường ống được cha lắp ở độ cao nhất định, xung quanh quang đãng, đảm bảo không có rác rến hoặc lá cây rơi. Bên trong lu có đặt màng chắn và miệng lu được đậy kín. Lu nước cũng được cha cọ rửa định kỳ.
Vậy là ở sàn nước nhà tôi luôn có hai vòi xả song song. Nước mưa từ vòi phụ sẽ được dùng như bước làm sạch ban đầu trước khi dùng vòi chính là nước máy để tráng lại lần nữa.
Bên cạnh bể nước mưa được xả sử dụng trực tiếp, cha cũng lắp máng hứng nước đầy vào những lu kiệu bỏ không và đậy điệm lại để dành cho mùa khô. Tưởng chỉ tiết kiệm nước thôi nhưng đó cũng đồng thời là phương pháp tiết kiệm điện hiệu quả. Tần suất bật mô tơ được hạn chế đến mức thấp nhất có thể, nhất là vào mùa mưa thì chẳng mấy khi hao điện cho việc bơm nước đã khiến má tôi nhiều phen bất ngờ khi nhận hóa đơn điện với con số rất dễ chịu so với túi tiền.