Ông Putin muốn lập 'vùng đệm an ninh' dọc biên giới với Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 22.5 cho biết quân đội nước này có nhiệm vụ tạo ra một 'vùng đệm an ninh' dọc biên giới với Ukraine.
"Chúng tôi đã quyết định tạo ra vùng đệm an ninh cần thiết dọc theo biên giới. Các lực lượng vũ trang của chúng tôi hiện đang tích cực giải quyết nhiệm vụ này. Các vị trí bắn của kẻ thù đã bị tiêu diệt, công việc đang được tiến hành", Tổng thống Putin đưa ra thông báo này trong cuộc họp chính phủ dành riêng cho tình hình ở các vùng biên giới của Nga.
Nhà lãnh đạo Nga cho biết khu vực này sẽ nằm dọc biên giới của các tỉnh Kursk, Bryansk và Belgorod, theo Đài RT.
Ý tưởng tạo ra "một vành đai an ninh nhất định" dọc biên giới với Ukraine lần đầu tiên được Tổng thống Putin đưa ra vào tháng 3.2024. Ông Putin cho biết Nga phải tạo ra một khu vực như vậy để bảo vệ dân thường ở các khu vực biên giới khỏi các cuộc tấn công tầm xa của Ukraine.
Bình luận về thông tin trên, Bộ Ngoại giao Ukraine cho rằng phát biểu của Tổng thống Putin cho thấy Nga không thực sự quan tâm đến hòa bình. "Tuyên bố của ông Putin về 'vùng đệm' được đưa ra trong bối cảnh đang có những nỗ lực tích cực nhằm đạt được lệnh ngừng bắn hoàn toàn và lâu dài, chấm dứt giết chóc và thúc đẩy hòa bình", Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha viết trên mạng xã hội X.
Trong một diễn biến khác, Đại sứ Ukraine tại London (Anh) Valery Zaluzhnyi ngày 22.5 cho rằng Ukraine nên từ bỏ mọi ý định khôi phục lại biên giới được thiết lập sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, và thậm chí cả các vùng lãnh thổ bị kiểm soát sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga năm 2022, theo Reuters.
"Tôi hy vọng rằng không còn ai hy vọng vào một phép màu hay dấu hiệu may mắn nào đó sẽ mang lại hòa bình cho Ukraine, ranh giới năm 1991 hoặc 2022, và rằng sẽ có hạnh phúc lớn lao sau đó", theo ông Zaluzhnyi, cựu Tổng tư lệnh quân đội Ukraine.
Trang tin tức RBK dẫn lời ông Zaluzhnyi nói thêm: "Ý kiến cá nhân của tôi là đối thủ vẫn còn nguồn lực, lực lượng và phương tiện để tấn công vào lãnh thổ của chúng ta và tiến hành các hoạt động tấn công cụ thể. Do vậy, hiện nay, chúng ta chỉ có thể nói về một cuộc đấu tranh sinh tồn bằng công nghệ cao, sử dụng tối thiểu các biện pháp kinh tế để đạt được lợi ích tối đa".