Ông Phạm Nhật Vượng: Xe VinFast nào sửa quá 8 tiếng phải báo lại tôi

Chủ tịch Vingroup cho biết VinFast đặt mục tiêu giao 200.000 ôtô điện năm nay, chiếm 40% thị phần trong nước và đạt điểm hòa vốn tại thị trường Việt Nam.
![]() |
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup. Ảnh: VIC. |
Trước lo ngại của cổ đông về việc VinFast phải cạnh tranh với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng tự tin đưa ra 3 yếu tố cơ bản để nhà sản xuất xe điện Việt Nam có thể cạnh tranh với mọi đối thủ, không riêng xe điện Trung Quốc gồm: xe tốt, giá hợp lý và dịch vụ hậu mãi cực tốt.
Sẵn sàng cạnh tranh với xe điện Trung Quốc
Về giá xe, ông Vượng cho biết VinFast vẫn liên tục nghiên cứu, cải tiến, cải tổ các khâu để giảm chi phí từ linh kiện, nghiên cứu, sản xuất đến chi phí kinh doanh. "VinFast hoàn toàn có thể tự tin cạnh tranh ngang ngửa với các hãng xe điện Trung Quốc về giá", ông nhấn mạnh.
Chủ tịch Vingroup cho biết thế mạnh vượt trội của nhà sản xuất xe điện Việt Nam là tận tâm phục vụ khách hàng, chính là chính sách hậu mãi cực tốt. Đây là điều mà hầu hết hãng xe thế giới bỏ qua. Ông lấy ví dụ tại Mỹ, hiện tại để sửa chữa một chiếc xe điện có thể mất vài tháng, thay linh kiện có thể mất 6 tháng còn chưa sửa được. "Chúng ta thì hướng đến câu chuyện 8 tiếng phải sửa được xe", ông nói thêm.
Vị tỷ phú tiết lộ hiện tại chiếc xe nào phải sửa chữa quá 8 tiếng, khối hậu mãi của VinFast đều phải báo cáo lại trực tiếp với ông. "Mỗi ngày tôi nhận danh sách 5-7 xe phải sửa quá 8 tiếng, tất nhiền là trong điều kiện tiêu chuẩn, không phải xe đâm đụng, tai nạn".
Điều này để thấy vấn đề hậu mãi đang được VinFast quan tâm hàng đầu, nên có thể tự tin VinFast sẽ cạnh tranh được với các hãng xe điện toàn cầu, thậm chí sẽ phát triển tốt trên thị trường.
Dù vậy, ông Vượng cũng thừa nhận các hãng xe điện Trung Quốc với nhiều ưu thế, đặc biệt là thị trường nội địa lớn, sẽ có được miếng bánh to hơn rất nhiều VinFast. "Tuy nhiên, họ làm phần họ, chúng ta làm phần chúng ta, với thị phần đứng thứ 3-5 thế giới thì đã là rất tốt với VinFast", ông Vượng nói.
VinFast hòa vốn tại Việt Nam năm nay
Trả lời câu hỏi của cổ đông về mục tiêu kinh doanh của VinFast năm nay, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup, cho biết năm nay VinFast đặt mục tiêu bán ra hơn 200.000 xe điện, chiếm khoảng 40% thị phần tiêu thụ xe ôtô trong nước.
"Đây là thị phần lớn nhất của một hãng xe tại thị trường Việt Nam, chứ không riêng hãng xe nội địa. Nếu đạt mục tiêu kinh doanh này thì VinFast sẽ đạt điểm hòa vốn tại thị trường Việt Nam", ông Vượng khẳng định.
Trong chiến lược phát triển quốc tế, ông Vượng cho biết VinFast hiện đầu tư ra thị trường quốc với 2 mục tiêu, một là "cắm cờ", hai là phát triển doanh số. Theo đó, các thị trường VinFast định hướng để "cắm cờ" gồm Mỹ, châu Âu, Canada...
"VinFast không đặt mục tiêu phát triển doanh số ở các thị trường này, vì chi phí logistics rất lớn, mục tiêu đặt ra là để cắm cờ cho thế giới thấy xe của VinFast đạt chuẩn quốc tế, có thể thâm nhập vào các thị trường khó tính nhất", ông Vượng nói.
Với điểm thị trường thứ 2 là Ấn Độ, Indonesia, Philippines, VinFast sẽ đẩy mạnh doanh số ở các thị trường này. Chủ tịch Vingroup cho biết đến 30/6 tới, VinFast sẽ khai trương và đưa vào vận hành nhà máy ở Ấn Độ và đến tháng 10 sẽ vận hành nhà máy ở Indonesia.
"Khi đó sẽ thúc đẩy sale ở các thị trường này, năm 2026 số liệu về sale ở nước ngoài của VinFast chắc chắn sẽ khác biệt", ông nói.
Theo ông Vượng, trong tương lai, doanh thu chính của VinFast sẽ đến từ thị trường quốc tế bởi dung lượng thị trường xe ôtô ở thị trường Việt Nam chỉ khoảng 450.000-500.000 xe/năm, trong khi dung lượng thị trường thế giới lên tới 70-80 triệu xe/năm.
Để bán được xe ở các thị trường này, ông Vượng cho biết phải đầu tư, quan trọng nhất là trạm sạc. Theo đó, các thị trường VinFast dự kiến thúc đẩy doanh số cũng sẽ đầu tư trạm sạc như ở Việt Nam.
"Đây là điều không đối thủ nào dám làm, nhưng VinFast sẽ làm để phát triển các thị trường này", ông nói.
Mục tiêu doanh thu 300.000 tỷ đồngSáng 24/4, Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) đã tổ chức phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025. Một trong những nội dung đáng chú ý tại phiên họp lần này là kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng của tập đoàn với mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất đạt 300.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 10.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 60% và 90% so với kết quả đạt được năm ngoái. Đoàn chủ tịch tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2025 của Vingroup. Ảnh: VIC. Đây cũng là kế hoạch kinh doanh tham vọng nhất mà tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng từng đặt ra. Nếu hoàn thành kế hoạch kinh doanh này, Vingroup sẽ trở thành doanh nghiệp tư nhân có doanh thu cao nhất Việt Nam. Theo tài liệu trình cổ đông, để đạt kế hoạch kinh doanh này, Vingroup dự kiến tiếp tục tập trung vào 3 trụ cột gồm sản xuất ôtô điện, bất động sản nhà ở và du lịch nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí. Trong đó, với mảng ôtô, VinFast đặt mục tiêu duy trì đà tăng trưởng mạnh với sản lượng bàn giao xe tối thiểu gấp đôi năm 2024. VinFast cũng dự kiến bàn giao các dòng xe dịch vụ (dòng Green), khai thác tiềm năng vận tải và taxi trong năm nay. Trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp sẽ tập trung khai thác các thị trường trọng điểm như Indonesia, Philippines và Ấn Độ, đồng thời đưa vào vận hành hai nhà máy mới tại Indonesia và Ấn Độ. Trong mảng bất động sản, Vinhomes đặt mục tiêu giữ vững vị thế dẫn đầu thị trường thông qua việc mở bán và phát triển các khu đô thị quy mô lớn, tọa lạc tại vị trí chiến lược, có khả năng kết nối giao thông thuận lợi. Ở lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí, Vinpearl tiếp tục mở rộng quy mô và tối ưu hiệu quả hoạt động. Trong đó sẽ đẩy mạnh khai thác các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông và Đông Nam Á; đồng thời củng cố thị phần du lịch nội địa... Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, tính đến cuối năm 2024, Vingroup có 44.468 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. HĐQT tập đoàn đề xuất cổ đông cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận để tiếp tục phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, năm 2025, Vingroup sẽ không chia cổ tức. Cũng tại phiên họp tới, Vingroup đã trình cổ đông việc bổ sung 13 ngành nghề kinh doanh mới, đáng chú ý có hoạt động dịch vụ hỗ trợ vận tải đường thủy, bốc xếp hàng hóa, xây dựng công trình thủy, bán lẻ theo yêu cầu đặt hàng qua bưu điện hoặc Internet, truyền tải và phân phối điện… Thời gian gần đây, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng liên tục đề xuất các dự án đầu mới trong các lĩnh vực hạ tầng, logistics, năng lượng... với quy mô hàng tỷ USD. Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.