Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Đột phá về giáo dục đào tạo để có đội ngũ chất lượng phục vụ đất nước

TPO - Theo Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đặc biệt là Tổng Bí thư Tô Lâm rất quan tâm vấn đề phát triển văn hóa, con người. Trong đó, về vấn đề con người, cần quan tâm đến giáo dục đào tạo để có đội ngũ chất lượng cao phục vụ đất nước trong kỷ nguyên mới, thực hiện thắng lợi 2 mục tiêu 100 năm.
Sáng 12/5, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Bộ GD&ĐT, Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ”.
![]() |
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TP. |
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh, hội thảo diễn ra trong những ngày kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, hướng tới kỷ niệm 80 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước CHXHCN Việt Nam).
Theo ông Nghĩa, hội thảo càng có ý nghĩa hơn khi tổ chức tại Trường Đại học KHXH&NV - tiền thân là Ban Đại học Văn khoa, 1 trong 5 Ban thuộc Đại học Quốc gia Việt Nam, được thành lập theo Sắc lệnh số 45 của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 10/10/1945.
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương khẳng định, hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục đào tạo; phương pháp, phong cách giáo dục đào tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nền tảng, kim chỉ nam định hướng, dẫn dắt tiến trình xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam.
"Đó là phương châm nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được, không tiến bộ là thoái bộ; muốn biết thì phải thi đua học, học không bao giờ đủ, học mãi để tiến bộ mãi, càng tiến bộ càng thấy càng phải học thêm. Đó là phương pháp học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học ở Nhân dân. Đó là mục đích học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại", ông Nghĩa nêu.
Ông Nghĩa khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn nhận thức sâu sắc, kiên định, quán triệt và thực hiện tư tưởng, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo, với chủ trương xuyên suốt là coi giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực căn cốt để phát triển đất nước.
![]() |
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: TP. |
Trong phần phát biểu, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương thông tin, hiện nay, đất nước đang thực hiện những quyết sách chiến lược mang tính cách mạng: tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế- xã hội để tạo động lực tăng trưởng 8% trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026 - 2030.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nêu, đất nước đang bước vào ngưỡng cửa vươn mình để xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như mong muốn của Bác Hồ.
Theo đó, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đặc biệt là Tổng Bí thư Tô Lâm rất quan tâm vấn đề phát triển văn hóa, con người, trong đó, về vấn đề con người, cần quan tâm đến giáo dục đào tạo để có đội ngũ chất lượng cao phục vụ đất nước trong kỷ nguyên mới, thực hiện thắng lợi 2 mục tiêu 100 năm.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa dẫn lại các quan điểm chỉ đạo trong bài viết "Học tập suốt đời"; kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm về tình hình thực hiện các nghị quyết của Trung ương về giáo dục và đào tạo. Ông Nghĩa nhấn mạnh, theo chỉ đạo, sẽ ban hành Nghị quyết về đột phá phát triển giáo dục và đào tạo. Nghị quyết này không thay thế các nghị quyết đã có, mà lựa chọn những vấn đề then chốt nhất, điểm nghẽn lớn hiện nay để tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ ràng, cụ thể trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh, qua hội thảo, sẽ thảo luận, phân tích, luận giải, làm sâu sắc hơn ý nghĩa, giá trị trường tồn của tư tưởng, phương pháp, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục đào tạo, phát triển toàn diện con người, giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ đảng viên.
"Đúc rút những bài học quý từ tư tưởng, phương pháp, phong cách của Bác về giáo dục đào tạo để lan tỏa, vận dụng vào công tác quản lý, dạy và học, nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam về đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thẩm mỹ, thể lực, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp; phát huy tinh thần tự học, học tập suốt đời để mỗi cán bộ, đảng viên, người dân, nhất là thế hệ trẻ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung... ", ông Nghĩa nhấn mạnh.