Nhảy đến nội dung

'Ông lớn' LVMH ngán ngẩm xu hướng xa xỉ thầm lặng'

Một số tên tuổi lớn của LVMH như Dior, Fendi và Louis Vuitton chịu ảnh hưởng nặng nề từ trào lưu "xa xỉ thầm lặng. Ảnh minh họa: Sebastian Ng/SOPA Images.

Xu hướng "xa xỉ thầm lặng" (quiet luxury), thời trang xa xỉ theo lối tối giản và không phô trương, dường như đang dần mất đi sức hút. Điều này khiến Anish Melwani, CEO của LVMH tại Mỹ, cảm thấy hài lòng, theo Business Insider.

Anish Melwani đã giữ vai trò Chủ tịch kiêm CEO của LVMH khu vực Bắc Mỹ từ năm 2016. Trước đó, ông từng là đối tác cấp cao tại McKinsey, một trong những công ty tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới.

“Tôi hy vọng chúng ta đã vượt qua ‘quiet luxury’, xu hướng này bắt đầu trở nên phiền toái rồi", Melwani phát biểu tại hội nghị Milken tổ chức ở California (Mỹ) ngày 5/5.

Ông đề cập đến cách Loro Piana và Fendi, 2 thương hiệu lớn thuộc tập đoàn LVMH, thể hiện xu hướng này.

“Nếu hỏi Loro Piana, họ sẽ nói rằng họ đã theo đuổi phong cách xa xỉ thầm lặng suốt 50 năm qua. Còn với Fendi, có thời điểm thương hiệu này sử dụng logo và họa tiết monogram rất nổi bật, nhưng cũng có giai đoạn chưa đến 2% sản phẩm của họ mang bất kỳ logo nào", CEO nói.

xa xi tham lang,  quiet luxury,  CEO LVMH,  Anish Melwani,  trao luu quiet luxury anh 1

Anish Melwani là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của LVMH tại Bắc Mỹ. Ảnh: CNBC.

Trong giai đoạn hậu đại dịch, "quiet luxury" trở thành xu hướng chủ đạo của ngành thời trang, đại diện cho gu thẩm mỹ tinh tế với những thiết kế tối giản, không logo, chú trọng chất liệu và đường cắt may.

Sức hút của trào lưu này còn được thúc đẩy bởi loạt phim như Succession, khi các nhân vật chính diện những bộ trang phục xa xỉ nhưng kín đáo, tương phản hoàn toàn với những chiếc túi “cồng kềnh, lố bịch” gắn đầy logo.

Quan trọng hơn, xu hướng này đã giúp các sản phẩm không có logo hay họa tiết nổi bật được ưa chuộng, mang lại lợi thế cho các thương hiệu như Loro Piana, Brunello Cucinelli và Hermès, trong khi một số tên tuổi lớn của LVMH như Dior, Fendi và Louis Vuitton chịu ảnh hưởng.

Theo các nhà phân tích của Bank of America vào tháng 1, xu hướng này có thể đang gây bất lợi cho các thương hiệu xa xỉ lớn. Việc loại bỏ logo khỏi thiết kế khiến người tiêu dùng dễ dàng sao chép phong cách cao cấp bằng các sản phẩm giá rẻ hơn, các nhà phân tích nhận định.

Điển hình như những set đồ như áo len cashmere màu be kết hợp quần xám ống rộng, biểu tượng của phong cách “old money”, giờ có thể dễ dàng mua được tại các thương hiệu tầm trung như COS hay Uniqlo.

xa xi tham lang,  quiet luxury,  CEO LVMH,  Anish Melwani,  trao luu quiet luxury anh 2

“Quiet luxury” từng là lực đẩy giúp các thương hiệu như Loro Piana, Brunello Cucinelli hay Hermès vươn lên mạnh mẽ. Ảnh minh họa: @alexandralapp/IG.

Các chuyên gia cảnh báo nếu ngành hàng xa xỉ tiếp tục bám víu vào sự tối giản, khoảng cách giữa các thương hiệu hàng đầu và phần còn lại sẽ ngày càng bị thu hẹp. Bank of America đề xuất ngành xa xỉ cần “quay lại với sự sáng tạo, nội dung thời trang và tính mới mẻ. Logo và ngôn ngữ thiết kế mang bản sắc riêng vẫn là điểm khác biệt quan trọng".

Nhận định này được đưa ra sau 1 năm đầy biến động của ngành hàng xa xỉ. Năm 2024, lợi nhuận của LVMH và các công ty cùng ngành sụt giảm đáng kể do do ảnh hưởng của lạm phát và những biến động kinh tế vĩ mô toàn cầu.

Bước sang năm 2025, tình hình vẫn chưa khả quan hơn. Ngày 14/4, công ty công bố doanh thu quý đầu tiên đạt 20,3 tỷ euro, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính, LVMH khẳng định họ vẫn “thể hiện khả năng chống chịu tốt và duy trì động lực đổi mới mạnh mẽ bất chấp bối cảnh địa chính trị và kinh tế bị gián đoạn". Dù vậy, cổ phiếu của LVMH tại Paris (Pháp) đã giảm 23% từ đầu năm đến nay.

Sự trỗi dậy của 'mọt sách' Hàn Quốc

Phong cách thời trang "geek chic" lấy cảm hứng từ hình ảnh "mọt sách" đang trở nên phổ biến tại Hàn Quốc, đặc biệt trong giới trẻ. Trước đây, "mọt sách" thường bị coi là nhàm chán và lập dị. Nhưng hiện nay, hình ảnh này được tôn vinh như biểu tượng của trí tuệ và sự quyến rũ độc đáo.