'Ông lớn’ chăn nuôi Việt thắng lớn, tăng tốc chiếm lĩnh thị trường 33 tỷ USD

Hoà Phát, Dabaco, BaF,... cùng thông báo lãi khủng trong năm 2024 và quý I đầu năm nay. Đáng chú ý, các 'ông lớn' chăn nuôi Việt đang tăng tốc ở thị trường có quy mô 33 tỷ USD.
Doanh nghiệp báo lãi 'khủng'
Ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, cho biết, mảng nông nghiệp chiếm tỷ trọng khiêm tốn, chỉ khoảng 5% trong cơ cấu doanh thu của tập đoàn. Thế nhưng, trong lĩnh vực chăn nuôi ở Việt Nam, Hòa Phát đã vươn lên nhóm doanh nghiệp dẫn đầu.
Hòa Phát chính thức gia nhập lĩnh vực nông nghiệp từ năm 2015. Đến nay, tập đoàn đã sở hữu các trang trại chăn nuôi lợn, bò Úc và gà đẻ trứng tại nhiều tỉnh, thành phố. Ngoài ra, tập đoàn đang vận hành 2 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Hưng Yên và Đồng Nai.
Theo ông Nguyễn Việt Thắng, hoạt động đầu tư vào chăn nuôi chủ yếu được dẫn dắt bởi nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, tập đoàn luôn nhất quán quan điểm đầu tư dài hạn, làm theo chuỗi khép kín trên quy mô lớn.
Nhờ đó, quý I năm nay, lợi nhuận thuần trước thuế mảng nông nghiệp của Hòa Phát đạt gần 447 tỷ đồng. Con số này tăng mạnh 122,4% so với mức 201 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2024, nhóm ngành nông nghiệp của Hòa Phát đạt 7.081 tỷ đồng doanh thu, tăng 12% so với 2023. Lợi nhuận sau thuế vọt lên 1.038 tỷ đồng, tăng gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước đó.
Tuy nhiên, khoản doanh thu và lợi nhuận này của Hòa Phát đều đến từ thị trường nội địa. Tập đoàn xác định các sản phẩm chăn nuôi sẽ phục vụ nhu cầu trong nước, chưa xuất khẩu, với mục tiêu tăng trưởng 10% trong năm nay, ông Thắng cho hay.
GreenFeed Việt Nam cũng bất ngờ ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế trong năm 2024 lên tới hơn 2.106 tỷ đồng. Con số này tăng mạnh 382% so với năm 2023, tức tăng gấp 4,8 lần.
CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam báo lãi sau thuế gần 508,3 tỷ đồng trong quý I vừa qua, gấp 7 lần so với mức lãi hơn 72,6 tỷ đồng của quý I/2024.
Trong năm 2024, Dabaco đạt doanh thu thuần 13.574 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 769 tỷ, tăng khoảng 30 lần so với năm trước đó.
Tại ĐHĐCĐ thường niên, Chủ tịch HĐQT Dabaco Nguyễn Như So cho hay: "Nếu giá thịt lợn duy trì ở mức 60.000 đồng/kg, chúng tôi chắc chắn đạt 1.500 tỷ đồng lãi ròng năm 2025".
Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam năm ngoái báo lãi sau thuế hơn 395 tỷ đồng, tăng gần 8 lần so với năm 2023. Quý I năm nay, lợi nhuận sau thuế của BaF đạt 133 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ.
BaF đặt mục tiêu kinh doanh năm nay với doanh thu 5.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 638 tỷ đồng.
Trong khi ở mảng chế biến và phân phối, báo cáo tài chính quý I/2025 của Masan MEATLife (thành viên Tập đoàn Masan) ghi nhận doanh thu 2.070 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trước lợi ích cổ đông thiểu số đạt 116 tỷ đồng, ghi nhận quý thứ ba liên tiếp có lãi.
Tăng tốc ở thị trường nội địa quy mô 33 tỷ USD
Những năm gần đây, ngành chăn nuôi có tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định. Tại hội nghị về phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững diễn ra tháng 8 năm ngoái, lãnh đạo Cục Chăn nuôi (nay là Cục Chăn nuôi và Thú y, Bộ Nông nghiệp và Môi trường) ước tính năm 2023 tổng giá trị toàn ngành chăn nuôi đạt 33 tỷ USD và dự kiến đạt 35 tỷ USD vào năm 2024.
Tuy nhiên, soanh nghiệp FDI đang nắm tỷ trọng lớn trong thị phần chăn nuôi Việt Nam.
Theo báo cáo của Chứng khoán Vietcombank, về cơ cấu nguồn cung thịt lợn năm 2022-2023 doanh nghiệp nội chỉ chiếm khoảng 19%, hộ chăn nuôi chiếm 38%, doanh nghiệp FDI chiếm 43% chứng tỏ các tập đoàn nước ngoài đang chiếm thị phần áp đảo.
Ở mảng sản xuất thức ăn hỗn hợp công nghiệp, doanh nghiệp FDI cũng chiếm khoảng 60%, trong nước chỉ 40% về sản lượng sản xuất.
Dù có phần “lép vế” so với doanh nghiệp FDI, các “ông lớn” chăn nuôi trong nước như Dabaco, Hòa Phát, Masan, BaF, Mavin, GreenFeed, Trường Hải... đang tăng tốc để nâng tỷ trọng tại thị trường quy mô 33 tỷ USD.
Điển hình, BaF liên tục mở rộng quy mô sản xuất bằng cách thâu tóm hàng chục công ty chăn nuôi. Và mới đây, BaF tiếp tục thông báo nhận chuyển nhượng 50% vốn góp tại Công ty TNHH Chăn nuôi Khôi Dương, doanh nghiệp sở hữu trang trại chăn nuôi lợn quy mô 33ha tại tỉnh Đắk Nông.
Đây là công ty thứ 7 được BaF tiến hành M&A kể từ đầu năm 2025 và là công ty thứ 15 được mua lại tính từ tháng 11/2024 - thời điểm doanh nghiệp bắt đầu thực hiện loạt thương vụ M&A nhằm mở rộng mảng chăn nuôi khép kín theo mô hình 3F (Feed, Farm, Food).
Theo kế hoạch, BAF đặt mục tiêu nâng tổng sản lượng lợn thịt lên 1,65 triệu con trong năm 2025 và đạt 2,74 triệu con vào năm 2026. Năm 2030, BaF hướng đến mục tiêu 10 triệu con lợn, trở thành doanh nghiệp chăn nuôi lợn khép kín theo mô hình 3F hàng đầu Việt Nam.
Sau một thập kỷ đặt chân vào lĩnh vực nông nghiệp, ở mảng thức ăn chăn nuôi, Hòa Phát nằm trong top 15 doanh nghiệp cung cấp thức ăn chăn nuôi lớn nhất Việt Nam.
Với chăn nuôi gia cầm, Hòa Phát đã bán ra 330 triệu quả trứng vào năm ngoái, giữ thị phần số 1 về trứng gà sạch tại miền Bắc với hơn 900.000 quả/ngày. Ngoài ra, chăn nuôi lợn cũng đạt được kết quả khả quan với sản lượng thương phẩm vượt kế hoạch đề ra.
“Ông lớn” Dabaco có kế hoạch tăng đàn lên 60.000 con lợn nái và 1,5 triệu con lợn thịt trong thời gian tới, giảm sự phụ thuộc vào hợp đồng với các trang trại quy mô nhỏ.
Không chỉ vậy, HĐQT Dabaco mới đây đã thông qua chủ trương đầu tư xây dựng các dự án trong lĩnh vực chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi... tại một số địa bàn trọng điểm; phát triển các dòng sản phẩm thực phẩm giá trị gia tăng cao như trứng gà vỏ xanh, trứng gà ăn liền Devi... nhằm mở rộng quy mô, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Trong năm 2025, Masan MEATLife tiếp tục tập trung vào mảng thịt chế biến với mục tiêu doanh thu từ 8.250-8.749 tỷ đồng. Về dài hạn, doanh nghiệp sẽ chuyển dịch toàn diện sang công ty chế biến thịt có thương hiệu, hướng đến mục tiêu doanh thu 2 tỷ USD.
Theo các chuyên gia, không chỉ có thị trường nội địa 100 triệu dân mà còn hàng chục triệu khách quốc tế đến Việt Nam mỗi năm, thị trường xuất khẩu cũng đang dần mở rộng nên doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi còn rất nhiều dư địa để phát triển.