Ông Donald Trump lo ngại điều gì nhất khi gay gắt với châu Âu?

Tổng thống Donald Trump bất ngờ chỉ trích Liên minh châu Âu (EU) 'tệ hơn Trung Quốc' sau khi đạt thỏa thuận giảm thuế với Bắc Kinh. Tuy nhiên, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc là thách thức lớn với cả Mỹ và EU.
Căng thẳng thương mại Mỹ - EU
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa có tuyên bố gây tranh cãi về Liên minh châu Âu (EU). Hôm 12/5, trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, ông Trump cho rằng Liên minh châu Âu “tệ hơn Trung Quốc”, chỉ trích khối này về các hành vi thương mại với Mỹ.
Theo ông Trump, EU “đối xử bất công” với Mỹ khi "kiện tất cả các công ty của chúng tôi, gồm cả Apple, Google, Meta".
Tuyên bố của ông Trump được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Washington và Bắc Kinh đạt được thỏa thuận tạm thời giảm thuế đối ứng trong 90 ngày (từ 145% xuống 30% đối với hàng Trung Quốc và từ 125% xuống 10% đối với hàng Mỹ).
Thỏa thuận Mỹ - Trung giúp hạ nhiệt cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc và tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán tiếp theo.
Thay vì củng cố quan hệ với EU, ông Trump lại chỉ trích Brussels, cáo buộc họ đối xử bất công với Mỹ trong thương mại ô tô, nông sản và kiện các công ty công nghệ Mỹ.
Ông Trump cũng nhấn mạnh rằng Mỹ “nắm toàn bộ lợi thế” và bày tỏ kỳ vọng EU sẽ đưa ra các nhượng bộ. Theo Politico, ông Trump đang tìm cách buộc EU nới lỏng các quy định, mở cửa thị trường hơn cho hàng hóa Mỹ, đặc biệt là ô tô và nông sản.
Về phía EU, Brussels đã đưa ra một số nhượng bộ, như nới lỏng quy định và hợp tác kiềm chế sản xuất dư thừa từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, EU dường như sẵn sàng áp thuế trả đũa nếu đàm phán thất bại. Giá trị hàng hóa dự kiến bị áp lên tới 95 tỷ euro. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen giữ lập trường cứng rắn, tuyên bố chỉ gặp ông Trump nếu có một gói thỏa thuận thương mại cụ thể.
Từ lâu, quan hệ thương mại giữa Mỹ và EU đã được xem là nền tảng của kinh tế toàn cầu, với giá trị giao dịch song phương hàng năm đạt khoảng 1.000 tỷ USD, tập trung vào các ngành công nghệ cao, ô tô, dược phẩm, tài chính và nông nghiệp chế biến. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, mối quan hệ này gặp nhiều sóng gió.
Trong nhiệm kỳ đầu (2017-2021), ông Trump đã áp dụng chính sách "Nước Mỹ trên hết", tập trung giảm thâm hụt thương mại và bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa. Một trong những động thái gây tranh cãi nhất là việc áp thuế 25% lên thép và 10% lên nhôm nhập khẩu từ EU vào năm 2018, sau đó các mức thuế này được gỡ bỏ dưới thời ông Joe Biden.
Mỹ và EU cũng có tranh chấp trong một thời gian dài về việc trợ cấp cho Airbus và Boeing, về kế hoạch của EU nhằm đánh thuế các gã khổng lồ công nghệ Mỹ như Google, Apple, Meta... Ông Trump coi việc đánh thuế này là hành động phân biệt đối xử với các công ty Mỹ.
Mặc dù căng thẳng thương mại gia tăng, Mỹ và EU vẫn là đồng minh chiến lược, chia sẻ lợi ích trong việc duy trì trật tự kinh tế toàn cầu và đối phó với các thách thức từ Trung Quốc. Cả hai phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm soát xuất khẩu công nghệ cao, hạn chế đầu tư chiến lược của Trung Quốc vào các ngành nhạy cảm như bán dẫn và công nghệ xanh.
Tuy nhiên, các chính sách bảo hộ của ông Trump được cho là đang gây áp lực lên quan hệ đồng minh này, làm dấy lên lo ngại về những bất đồng khó hàn gắn trong ngắn hạn.
Mỹ và EU lo ngại gì trong bối cảnh cạnh tranh với Trung Quốc?
Dù gay gắt chỉ trích EU, ông Trump và nước Mỹ đang đối mặt với nhiều thách thức khi mức độ cạnh tranh với Trung Quốc ngày càng khốc liệt.
Là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, cuộc chiến thương mại toàn diện với EU có thể gây tổn hại lớn cho nền kinh tế Mỹ. Các biện pháp thuế quan trả đũa từ EU có thể làm tăng giá hàng hóa Mỹ, từ nông sản đến công nghệ, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ.
Theo nhóm chuyên gia Bruegel, cuộc chiến thương mại Mỹ - EU có thể làm giảm GDP của Mỹ và EU lần lượt 0,7% và 0,3% vào năm 2025.
Hơn nữa, các ngành công nghiệp Mỹ phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó EU đóng vai trò quan trọng. Ví dụ, ngành ô tô Mỹ nhập khẩu linh kiện từ EU, mức thuế cao có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, tăng chi phí sản xuất. Điều này đặc biệt đáng lo ngại khi Mỹ đang cố gắng giảm phụ thuộc vào Trung Quốc trong các lĩnh vực như bán dẫn, pin và công nghệ xanh.
Nếu EU đáp trả bằng cách hạn chế xuất khẩu nguyên liệu chiến lược, Mỹ có thể đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng.
Ngoài ra, leo thang căng thẳng với EU có thể làm suy yếu vị thế địa chính trị của Mỹ trong cạnh tranh với Trung Quốc. Mỹ và EU chia sẻ mục tiêu chung là giảm phụ thuộc vào Trung Quốc trong các ngành công nghiệp chiến lược và hạn chế ảnh hưởng của Bắc Kinh. Cả hai đã phối hợp kiểm soát xuất khẩu bán dẫn và công nghệ AI, đồng thời áp đặt biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc như Huawei, ZTE...
Tuy nhiên, việc căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU có thể ảnh hưởng tới mức độ phối hợp giữa hai bên trong một số lĩnh vực chiến lược.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của EU. Nếu Mỹ tiếp tục gây sức ép, EU có thể tìm cách tăng cường quan hệ kinh tế với Bắc Kinh để bù đắp thiệt hại. Điều này sẽ làm suy yếu chiến lược của Mỹ nhằm cô lập Trung Quốc về kinh tế và công nghệ.
Các chính sách bảo hộ của ông Trump, dù được một số cử tri ủng hộ, đã bị chỉ trích vì làm tăng giá hàng hóa và gây bất ổn kinh tế. Việc mở thêm mặt trận thương mại với EU, trong khi vừa đạt thỏa thuận với Trung Quốc, có thể làm gia tăng áp lực từ các doanh nghiệp Mỹ.
Chưa kể, một cuộc chiến thương mại với đồng minh EU có thể làm xói mòn uy tín của Mỹ trên trường quốc tế, khiến các đối tác khác nghi ngờ về độ tin cậy của Washington.
Có thể thấy, chiến lược của ông Trump thường là gây sức ép tối đa để đạt được nhượng bộ từ các nước. Nhưng rõ ràng, một cuộc chiến thương mại kéo dài với EU sẽ gây tổn thất lớn cho cả hai bên, đặc biệt trong bối cảnh sự cạnh tranh với Trung Quốc gia tăng. Chiến thuật gây sức ép của ông Trump tiềm ẩn nhiều rủi ro, không chỉ về kinh tế mà còn về quan hệ đồng minh.
Vậy liệu Mỹ và EU có thể vượt qua căng thẳng để duy trì liên minh chiến lược, hay sẽ rơi vào một cuộc đối đầu không hồi kết? Câu trả lời phụ thuộc vào các cuộc đàm phán sắp tới.