“Ông bụt” của người nghèo ven biển

Cưu mang, tạo công ăn việc làm ổn định cho 552 thành viên thuộc hộ nghèo ven biển, ông Huỳnh Mừng Em (52 tuổi, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Đồng Tiến - xã Vĩnh Thịnh, H.Hòa Bình, Bạc Liêu) được người dân quý mến gọi là "ông bụt" của người nghèo.
Trao cần câu
Ông Mừng Em kể trước khi HTX Đồng Tiến được thành lập, vùng ven biển Bạc Liêu có hàng ngàn hộ nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống ven đê, khu vực rừng phòng hộ. Bà con không đất sản xuất, không nghề nghiệp, không học hành, không nhà cửa ổn định, hằng ngày đi cào nghêu, bắt ốc, đánh bắt tôm cá ở bãi bồi… sống đắp đổi qua ngày.
Thấu hiểu cuộc sống vất vả của bà con trong khi bãi bồi bỏ hoang lãng phí nên năm 2006, H.Hòa Bình quyết định cho thành lập HTX Đồng Tiến và được tỉnh giao 900 ha đất bãi bồi ven biển để nuôi nghêu, nuôi sò. Ban đầu, HTX vận động được 300 thành viên tham gia, đa số là hộ nghèo, không đất sản xuất. Tuy nhiên, sau 1 năm hoạt động, nhiều thành viên lần lượt xin rời HTX do không có nguồn thu nhập.
Từ 300 thành viên, HTX chỉ còn 26 người trụ lại và góp vốn được 26 triệu đồng. Ban quản lý HTX phải chạy xe máy gần 300 km đến HTX Rạng Đông chuyên nuôi nghêu của tỉnh Bến Tre để học cách quản lý, kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi. Đồng thời, vận động được một doanh nghiệp hỗ trợ 6 tỉ đồng mua nghêu giống thả xuống bãi bồi. Sau hơn 1 năm thả nuôi, HTX thu lãi hơn 4 tỉ đồng. Từ đó, HTX có vốn sản xuất, nhiều thành viên thấy hiệu quả nên xin quay lại. Hiện HTX Đồng Tiến có 552 thành viên.
Theo ông Mừng Em, mỗi năm, HTX nuôi 1 vụ nghêu thương phẩm và 2 vụ nuôi nghêu giống. Với 900 ha đất bãi bồi, bình quân mỗi năm thu hoạch khoảng 600 tấn nghêu giống và 700 tấn nghêu thương phẩm. Nghêu giống có giá 50.000 đồng/kg, nghêu thương phẩm được thương lái đến tận nơi mua từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Doanh thu hằng năm của HTX hơn 22 tỉ đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt hơn 50%.
Nhờ hoạt động hiệu quả, hằng năm, HTX Đồng Tiến tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 10.000 lượt ngày công lao động, như: bảo vệ bãi nghêu, thu hoạch nghêu, vận chuyển, san nghêu thả thưa. Thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng/người/buổi (khoảng 3 giờ). Khi nghêu còn nhỏ thì san thả thưa, khi nghêu lớn thì cào thu hoạch, những việc này ai cũng làm được, kể cả phụ nữ và trẻ em.
Chia cổ tức đến 180%
Ông Mừng Em chia sẻ tất cả các thành viên HTX đều có góp vốn, thấp nhất 5 triệu đồng, cao nhất 200 triệu đồng. Mỗi năm, HTX đều chi trả cổ tức, năm thấp nhất 60%, có năm đạt kỷ lục, chia cổ tức lên đến 180%. Nhiều năm qua, HTX Đồng Tiến trở thành "nồi cơm" của cả ngàn người dân ven biển Bạc Liêu. Từ tỷ lệ 90%, giờ HTX chỉ còn 0,5% thành viên là hộ nghèo.
Ông Châu Minh Hiếu (60 tuổi, dân tộc Khmer, thành viên HTX Đồng Tiến) cho biết gia đình ông có 4 lao động. Trước đây, không đất sản xuất, không nghề nghiệp, hằng ngày, cả nhà phải vào rừng, ra bãi bồi ven biển bắt cua, giăng lưới kiếm sống qua ngày. Từ khi tham gia HTX, gia đình có việc làm, thu nhập ổn định, không phải vất vả mưu sinh kiếm sống. Hiện, gia đình ông Hiếu đã thoát khỏi cảnh nghèo khó, có nhà ở ổn định, ông còn góp hàng chục triệu đồng vào HTX.
"Ngoài nuôi nghêu, sò, HTX Đồng Tiến còn đầu tư khu du lịch sinh thái ven biển để du khách tham quan, trải nghiệm trên bãi nghêu. Đồng thời, mở cơ sở chế biến muối để góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho bà con", ông Mừng Em chia sẻ.
Để bà con an tâm, gắn bó với HTX, nhiều năm qua, ông Mừng Em vận động, hỗ trợ cá giống, tôm giống với số tiền hơn 2,8 tỉ đồng. Đặc biệt, đợt dịch Covid-19, ông hỗ trợ hơn 130 tấn gạo cho bà con. Với những nghĩa cử, việc làm thiết thực nêu trên, năm 2024, ông Huỳnh Mừng Em vinh dự được tôn vinh là Nông dân Việt Nam xuất sắc.
Ông Hồ Văn Linh, Chủ tịch UBND H.Hòa Bình, nhận định HTX Đồng Tiến không chỉ nuôi nghêu, nuôi sò hiệu quả, mà còn tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng ngàn hộ ven biển. Ngoài ra, HTX còn góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ đất rừng và ổn định an ninh vùng ven biển Bạc Liêu.