Ô tô, xe máy xăng chiếm lĩnh không gian phố xá trong Vành đai 1 Hà Nội

Các tuyến đường, phố bên trong khu vực Vành đai 1 Hà Nội xuất hiện phổ biến phương tiện chạy xăng. Một số loại hình vận tải công cộng như buýt, buýt nhanh, tàu đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông chưa được người dân sử dụng hiệu quả.
16h chiều tại khu vực các tuyến đường trung tâm nằm trong Vành đai 1, lượng lớn phương tiện di chuyển trên đường. Trong số này chủ yếu là xe sử dụng xăng.
Điểm gửi xe máy quanh khu chợ Hàng Da có tới hàng trăm xe máy. Một tấm biển thông báo hết chỗ được dựng lên thường xuyên.
Ô tô, xe máy cá nhân lưu thông chật cứng các tuyến phố cổ mỗi ngày nhưng phương tiện công cộng ở đây chỉ có xe buýt và xe đạp cho thuê.
Phố Giảng Võ bên trong đường Vành đai 1 có tuyến buýt nhanh (BRT) lưu thông xuyên ra ngoài các vành đai 2 và 3 nhưng khá ít khách sử dụng. Đã vậy, BRT thường xuyên bị người đi xe máy lấn làn, chịu ùn tắc đường vào giờ cao điểm và không chạy nhanh như cái tên của dự án.
Khảo sát của phóng viên, vào giờ cao điểm, hướng di chuyển từ ngoài vào bên trong Vành đai 1 có lưu lượng lớn phương tiện. Xe buýt nối đuôi nhau, khó nhọc di chuyển giữa "rừng" ô tô, xe máy. Hình ảnh trên đường Cầu Giấy.
Nguyễn Thị Thu Phương (22 tuổi) ở trọ tại Phạm Văn Đồng, cô sử dụng xe buýt xuyên tâm vào trong Vành đai 1 để đi làm mỗi ngày tại Ngã Tư Sở. Thông thường nếu không tắc đường Phương mất 40 phút để đến cơ quan, những ngày mưa thì mất khoảng 1 tiếng. "Tôi thấy phương tiện công cộng an toàn, giá rẻ. Mỗi tháng tôi chi 140.000 đồng làm vé xe buýt nhưng vì đi làm vào giờ cao điểm nên thường xuyên gặp cảnh ùn tắc, luôn phải chủ động giờ giấc hơn để tránh đến muộn", cô nói.
Phương đã sử dụng phương tiện công cộng trong suốt 4 năm đại học và đến nay, khi đã đi làm, cô vẫn lựa chọn xe buýt để đi lại dù theo cô loại hình này chưa thực sự tiện lợi.
Nhân viên bán vé trên một tuyến buýt số 32 xuyên tâm Vành đai 1 cho biết đang ở thời điểm nghỉ hè các lượt xe vào giờ cao điểm cũng "dễ thở" hơn. Nhiều lượt xe còn ghế trống, hành khách không phải chen lấn. "Dù có thêm tuyến metro Nhổn chạy trùng đường nhưng lượng người sử dụng xe buýt vẫn rất nhiều", nhân viên này khẳng định.
17h30 trên một chuyến tàu từ ga Cầu Giấy về Nhổn, lượng khách trên tàu đông đúc nhưng không quá đột biến. Các hàng ghế đều kín người ngồi. Tại ga Đại học Quốc gia, không quá đông hành khách đứng đợi tàu vào khung giờ cao điểm.
Tàu đường sắt trên cao được đánh giá chung là loại hình duy nhất giúp người tham gia giao thông không bị lâm vào cảnh ùn tắc giờ tan tầm và cả Hà Nội chỉ có hai tuyến nhưng lại không liên kết với nhau.
Khác với xe buýt hoặc tàu đường sắt trên cao, xe đạp công cộng ít được sử dụng hơn, đặc biệt là bên trong khu vực Vành đai 1.
Chị Vân Anh (nhà ở gần hồ Tây) sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng mỗi ngày để tập thể dục. "Bình thường đi làm tôi tự lái ô tô cá nhân. Dù rất thích đạp xe nhưng do tính chất công việc gặp gỡ khách hàng tôi không thể đạp xe quá xa tới buổi gặp họ được", chị Vân Anh nói.
Anh Hồng Nhật sinh sống tại phường Ngọc Hà (bên trong Vành đai 1) cùng cô chú và em gái. Gia đình anh có tổng cộng 4 chiếc xe máy, tất cả đều chạy bằng xăng. "Tôi ủng hộ việc đi xe điện trong thành phố nhưng vẫn lo lắng các tác động khác, chờ một thời gian nữa xem thế nào", anh Nhật nói.