Nhảy đến nội dung
 

Ở Trường Sa, sách như cây xanh

TP - Trên các đảo xa giữa mênh mông trùng khơi, thấy những tấm băng rôn cổ súy việc đọc sách treo ngay trục đường chính, đột nhiên có chút lạ lẫm, lại cảm động. Những kệ sách trong lớp học, trong doanh trại được chăm chút như cây xanh trên đảo. Ở nơi cách đất liền cả mấy trăm hải lý, người ta đọc sách như một cách để nhắc nhớ về những điều quen thuộc nơi quê nhà.

TP - Trên các đảo xa giữa mênh mông trùng khơi, thấy những tấm băng rôn cổ súy việc đọc sách treo ngay trục đường chính, đột nhiên có chút lạ lẫm, lại cảm động. Những kệ sách trong lớp học, trong doanh trại được chăm chút như cây xanh trên đảo. Ở nơi cách đất liền cả mấy trăm hải lý, người ta đọc sách như một cách để nhắc nhớ về những điều quen thuộc nơi quê nhà.

Cầu nối giữa đảo xa và đất liền

Đá Thị là một đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa, diện tích khá nhỏ, thế nhưng nó có hẳn hai điểm sáng thu hút những người khách đến thăm: một là điểm check – in trăm phần trăm tự túc tự cấp từ cái biển hiệu tự kẻ cho đến vườn hoa giấy nở rực được chiến sĩ chăm sóc bằng nước vo gạo, rửa rau, và cái thứ hai là tủ sách ở trong phòng truyền thống. Việc đầu tiên khi đặt chân vào căn phòng này của Trung tướng Nguyễn Văn Bổng là kiểm tra tủ sách. Ông dặn chính trị viên của đảo: “Những cuốn rặt thuyết giáo thì để vào ngăn trong, giở ra thấy còn mới nguyên là biết anh em cũng không sờ đến. Còn sách lịch sử, văn học, tiểu thuyết, bút ký, truyện ngắn, kỹ năng… thì để ra bên ngoài, cho người ta dễ tìm”.

Ở Trường Sa, sách như cây xanh ảnh 1

Góc trưng bày sách của đảo Đá Tây A

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Tuấn, chính trị viên đảo Đá Thị cho biết: “Ở đây bốn bề là biển, cây cối thưa thớt, ngoài tập thể thao thì phần lớn việc giải trí của anh em đều dựa vào sách. Sách trở thành một phần quan trọng trong sinh hoạt hàng ngày. Ngoài sách lịch sử, tiểu thuyết, thơ ca, những cuốn sách dạy nấu ăn lại được mượn nhiều nhất. Có lẽ anh em ở đảo có hứng thú với việc nấu ăn. Nhiều công thức trong sách được các chiến sĩ áp dụng ngay khi có đủ nguyên liệu. Có hôm cả đơn vị được ăn thử mỳ gà trộn, món mà trước giờ chỉ nghe tên”.

Ngày hôm sau, trên đảo nổi Đá Tây A, tôi lại gặp một sự trọng thị khác với sách của cán bộ, chiến sĩ. Ngoài những băng rôn chào mừng Ngày sách Việt Nam, thì ngay giữa trụ sở Nhà đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam ở trung tâm đảo, một phòng trưng bày sách được bày biện khá công phu. Tại đây có cả trăm đầu sách thuộc nhiều loại: lịch sử, chính trị, nghệ thuật quân sự, văn hóa, phong tục, tiểu thuyết, bút ký...

Ở Trường Sa, sách như cây xanh ảnh 2

Thầy Thịnh đang hướng dẫn các học sinh nhiều trình độ của mình cách tóm tắt một câu chuyện trong sách

Trung tá Vũ Đình Diện, chính trị viên phó đảo Đá Tây A, chia sẻ: “Mô hình Ngày sách Việt Nam và phong trào đọc sách trên đảo đã bước sang năm thứ tư, đi vào thực chất, không còn mang tính hình thức. Nguồn sách được bổ sung đều đặn từ cấp trên và các đoàn ra thăm đảo. Trong thực tế, các đầu sách về lịch sử, nghệ thuật quân sự, thơ ca, tiểu thuyết, bút ký, sách dạy làm nông… là những thể loại được chiến sĩ tìm đọc nhiều nhất. Hoạt động đọc sách được tổ chức bài bản, với hai buổi mượn và đọc tập trung mỗi tuần, chủ yếu trong giờ nghỉ và ngày nghỉ. Hằng tháng, các đơn vị ở đảo lại có một buổi sinh hoạt để định hướng, giới thiệu cho bộ đội tìm đọc những cuốn sách hay, bổ ích. Mỗi chiến sĩ được mượn tối đa năm cuốn trong một tuần để đảm bảo sách luân chuyển đều. Cùng với thể thao, phong trào đọc sách trở thành một trong những hoạt động được chỉ huy đảo đặc biệt quan tâm, đầu tư sắp xếp”.

“Tôi thích nhất sách về lịch sử chiến tranh Việt Nam. Những câu chuyện về Điện Biên Phủ, về chiến dịch Hồ Chí Minh như tiếp thêm sức mạnh cho mình. Thế hệ chúng tôi cũng đang viết tiếp một phần câu chuyện ấy”, thiếu tá Trần Đức Bình chia sẻ.

Chiến sĩ Hoàng Hồng Quân, đang công tác tại đảo Đá Tây A, nói thay suy nghĩ của nhiều người: “Rất mong các nhà hảo tâm, các đoàn dân - chính - Đảng tặng thật nhiều sách cho đảo. Sách ở đảo không phải để trưng bày. Sách là bạn đồng hành trong cuộc sống hàng ngày, là nguồn động viên sau mỗi giờ huấn luyện, là thứ cứu người khỏi cảm giác cô lập”.

Một bất ngờ khác, là câu chuyện trồng chanh leo nhờ sách của anh Nguyễn Thành Ninh, một người dân sống trên đảo Đá Tây A. “Tôi biết đến cây chanh leo nhờ một cuốn sách hướng dẫn trồng cây chịu mặn gửi ra đảo. Ban đầu đọc cũng bán tín bán nghi vì đất ở đây pha nhiều cát, gió lại lớn. Nhưng sách dặn kỹ từ cách ươm giống, che chắn gió cho cây non nên tôi quyết tâm thử. Mất gần một tháng đầu chăm sóc, cây mới chịu leo lên giàn. Cứ rảnh tay là tôi lấy những kinh nghiệm chép từ sách ra dò lại từng bước, từ tưới nước đến tỉa cành. Đến mùa hoa nở, nhìn những chùm chanh leo đậu quả, tôi mới thực sự tin sách có thể thay đổi cả cuộc sống trên đảo. Nếu có thêm sách nông nghiệp, chắc chắn anh em ở đây sẽ làm được nhiều chuyện hay hơn nữa”.

Giá sách trong tầm tay

Giờ ra chơi, lớp học ở Trường Tiểu học Đá Tây A rộn ràng tiếng bước chân. Trên bốn giá sách nhỏ kê sát tường, mấy em học sinh lố nhố chen nhau lật tìm những cuốn sách yêu thích. Có đứa ôm trọn hai ba cuốn trong lòng, có đứa cẩn thận lật từng trang để chọn.

Nguyễn Hồi Diệu Linh, học sinh lớp 3, cười rạng rỡ khi cầm trong tay một tập truyện tranh mới, thật thà khoe: “Con đọc gần hết sách rồi, mong các cô tặng thêm cho con đọc tiếp.”

Ở phía hai giá sách đối diện, Lê Xuân Viễn, học sinh lớp 4 đang hướng dẫn cho em trai mình chọn đúng cuốn sách tranh về khủng long đuôi chùy. “Cô có biết con này nặng bao nhiêu không, 8 tấn đó. Nhưng nó đi chậm lắm vì chân ngắn. Cô có biết đuôi chùy của nó dùng để làm gì không, để tự vệ. Đuôi nó mạnh cực kỳ, quật một cái là gãy xương, mặt đất thành hố bom”. Viễn vừa kể vừa giở cho tôi xem cuốn sách đã bị lật đi lật lại đến bong gáy. Theo lời cậu, tất cả con trai trong lớp đều thích những câu chuyện về khủng long và siêu anh hùng. Lại nói thêm, “lớp” của Viễn gồm nhiều trình độ, từ lớp 2 đến lớp 5. Trường còn có một lớp riêng dành cho các bé mẫu giáo lớn (4 tuổi) và lớp 1.

Tại trường Tiểu học Đá Tây A, không gian đọc sách được bố trí theo một cách rất đặc biệt: giá sách được đặt ngay trong lớp học, sát mặt đất để học sinh dễ dàng tiếp cận. Thầy giáo Lưu Quốc Thịnh, người đã gắn bó với đảo suốt hai năm qua, chia sẻ: “Tôi để kệ sách ở đây là có ý tạo thói quen đọc cho học sinh. Chứ bình thường, người ta sẽ để giá sách ở thư viện. Có cái giá sách, không cần phải nói nhiều, trẻ sẽ tự làm quen với sách, với việc đọc”.

Học ở đảo khác nhiều so với đất liền. Các em học sinh không có thư viện lớn, không có công viên, rạp phim, không có những buổi dã ngoại, tham quan. Chính vì vậy, mỗi cuốn sách được đưa ra đảo đều trở thành một người thầy, dạy các em những điều chưa từng thấy, thắp lên những ước mơ vượt khỏi giới hạn của hòn đảo nhỏ bé.

Ở Trường Sa, sách như cây xanh ảnh 3

Trung tướng Nguyễn Văn Bổng kiểm tra tủ sách ở đảo Đá Thị

Để vun đắp cho thói quen đọc, thầy Thịnh thường lồng ghép việc làm quen với sách vào từng tiết học. Khi học bài về một danh nhân, thầy sẽ gợi ý cho học sinh tìm đọc thêm sách về người đó. Khi học về môi trường sống, các em được khuyến khích đọc sách khoa học dành cho thiếu nhi về cây cối, động vật biển.

Bản thân thầy Thịnh cũng giữ thói quen đọc để làm gương cho trò. Giữa những giờ nghỉ trưa yên tĩnh, không khó để bắt gặp cảnh thầy ngồi đọc sách giáo dục hoặc những cuốn sách văn học. Theo thầy, đọc sách là cách tốt nhất để mở mang kiến thức và kích thích đầu óc sáng tạo trong dạy học, nhất là trong điều kiện hạn chế về cơ sở vật chất như ở đảo.

Ở Trường Sa, sách như cây xanh ảnh 4

Giàn chanh leo trồng theo sách của gia đình anh Ninh

Nguồn sách hiện tại chủ yếu đến từ các chương trình tặng sách của các tổ chức như quỹ học bổng Vừ A Dính, hoặc từ các đoàn ra thăm đảo. Mỗi cuốn sách đều được thầy cô, học trò “sử dụng hết công suất”. Khi có sách mới, cả lớp thường tụ tập lại, chuyền tay nhau từng cuốn, rồi háo hức đọc và kể cho nhau nghe những điều vừa học được.

“Đối với học sinh Đá Tây A, sách giống như sợi dây vô hình nối các em với đất liền. Tôi muốn các em đọc sách, không chỉ để học giỏi hơn, mà còn để biết mơ, biết ước ao những điều vượt ra ngoài phạm vi của mặt biển”, thầy Thịnh nhắn nhủ.

Cụm đảo Đá Tây thuộc thị trấn Trường Sa gồm 3 điểm đảo: Đá Tây A, Đá Tây B và Đá Tây C trải dài trên rặng san hô theo hướng Đông Bắc-Tây Nam khoảng 7 hải lý. Thành lập ngày 28/10/1987, hiện đảo Đá Tây A được gọi là “Làng chài trên biển” hay “Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển” nhờ có âu tàu rộng hơn 13ha, sức chứa trên 200 tàu cá xa bờ. Khu dịch vụ hậu cần nghề cá rộng 8ha bao gồm hệ thống kho hàng, kho đông lạnh, nhà máy sản xuất nước đá, xưởng cơ khí sửa chữa, bồn nhiên liệu, bồn trữ nước ngọt... đáp ứng cơ bản những nhu cầu thiết yếu cho ngư dân bám biển dài ngày, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Hạnh Đỗ