Ở Đức lương tôi 70 nghìn euro nuôi được 4 người

Tôi đang sinh sống và làm việc tại Berlin. Sau khi đọc bài viết "Du học nghề vỡ mộng: Không có chuyện gửi 100 triệu về nhà mỗi tháng" , tôi xin có một vài chia sẻ dưới góc nhìn cá nhân.
Tôi chia sẻ điều này từ chính trải nghiệm cá nhân. Tôi đến Đức theo diện EU Blue Card, ban đầu làm việc cho một công ty vừa (500-1000 nhân viên) với mức lương 70.000 euro một năm.
Gia đình tôi 4 người sống khá thoải mái với mức thu nhập này tại Berlin.
Sau đó, tôi chuyển sang làm việc tại một trong những ngân hàng lớn nhất Đức (Deutsche Bank), thu nhập đã vượt xa mức khởi điểm mới qua. Vì vậy, tôi không cho rằng những người có trình độ cao, tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng ở Đức, đã đi làm 10–15 năm hay làm cho các công ty thuộc nhóm FANG (Facebook, Amazon, Netflix và Google), lại phải chật vật xoay xở cuộc sống như bạn mô tả.
Cũng nên nói rõ thêm, nếu hai vợ chồng có thu nhập cao và ổn định như trên, thì việc mua nhà ở Đức là hoàn toàn khả thi. Tóm lại, cuộc sống ở Đức không phải là một màu hồng nhưng cũng không u ám như nhiều người nghĩ.
Với những ai có chuyên môn, chăm chỉ làm việc và biết nỗ lực vươn lên, Đức vẫn là một điểm đến xứng đáng để lựa chọn và gắn bó lâu dài.
Về bài viết , tác giả nói đúng: Việc du học nghề rồi đi làm có thể dư ra 100 triệu đồng mỗi tháng để gửi về nhà là điều không thực tế. Nhiều trung tâm môi giới đã vẽ ra một viễn cảnh quá mức nhằm thu hút học sinh và thu phí hoa hồng.
Tuy nhiên, hiện tại, thông tin đã trở nên phổ biến hơn rất nhiều, từ chia sẻ của người đi trước, người thân ở Đức, đến cả trong hợp đồng đều ghi rõ mức lương cụ thể. Vì vậy, không còn nhiều người tin mù quáng vào những lời quảng cáo đó nữa.
Thế nhưng, tại sao vẫn có rất nhiều người lựa chọn con đường du học nghề? Như tác giả đã nói, phần lớn các bạn trẻ tìm đến hướng đi này thường đến từ những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, và năng lực học tập ở mức vừa phải.
Với họ, du học nghề là một cơ hội đổi đời, một cánh cửa mở ra một tương lai ổn định hơn. Bạn đưa ra ví dụ: Lương của một người đã hoàn tất chương trình du học nghề khoảng 3.000 euro một tháng trước thuế. Nếu hai vợ chồng cùng đi làm thì tổng thu nhập hộ gia đình là 6.000 euro một tháng, tương đương 72.000 euro một năm.
Ở Berlin, mức thu nhập này đủ để sống khá thoải mái, kể cả đã tính chi phí thuê nhà, sinh hoạt và thuế. Chưa kể các chế độ phúc lợi xã hội tốt như tiền hỗ trợ trẻ em (Kindergeld), môi trường trong lành, giao thông tiện lợi, miễn học phí đến bậc đại học, chế độ bảo vệ người lao động tốt, và lối sống cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Duy Nguyen