Nhảy đến nội dung
 

Ô tô điện Trung Quốc có ưu, nhược điểm gì?

Ô tô điện Trung Quốc sở hữu nhiều tính năng, công nghệ nhưng gặp khó khi cạnh tranh với xe VinFast tại Việt Nam do nhiều hạn chế trong sử dụng.

Năm 2024 chứng kiến làn sóng ô tô Trung Quốc đổ bộ thị trường Việt Nam, đặc biệt là mảng ô tô điện, một thế mạnh rõ ràng nhất của các hãng xe đến từ đất nước tỉ dân. Với tốc độ phát triển nhanh, những mẫu xe điện của BYD, Aion, Cherry, Xpeng, Xiaomi, Huawei... trở thành đối thủ cạnh tranh lớn của bất kỳ hãng xe điện nào trên thế giới.

Dù vậy, khi tham gia thị trường Việt Nam, những mẫu xe Trung Quốc sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với thương hiệu nội địa VinFast, một hãng xe đã đầu tư mạnh vào hệ sinh thái xe điện (ô tô, xe máy) từ nhiều năm trước, đây là bài toán mà các hãng xe điện nói chung sẽ phải đi tìm lời giải nếu muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam.

Hạn chế lớn về hạ tầng cho xe điện "ngoài VinFast"

Hệ thống trạm sạc, trụ sạc được xem là "xương sống" cho ô tô điện tại bất kỳ thị trường nào. Tại Mỹ, Tesla chiếm ưu thế với hệ thống trạm sạc riêng phủ khắp cả nước, còn ở châu Âu, Trung Quốc có chủ trương phát triển trạm sạc cho tất cả các hãng xe điện. Riêng tại Việt Nam, VinFast đang là hãng xe làm chủ cuộc chơi hệ thống trạm sạc dành cho xe điện.

Hiện tại, người dùng ô tô điện tại Việt Nam nếu muốn tìm kiếm sự thuận tiện nhất gần như chỉ có duy nhất lựa chọn xe VinFast. Với hệ thống trạm sạc "phủ sóng" gần như cả nước, không khó để tìm chỗ "nạp" năng lượng cho ô tô điện VinFast. Vấn đề hiện tại chỉ nằm ở chỗ các trạm sạc này không dành cho các hãng xe điện khác dùng chung, do đây là tài sản riêng của hãng xe Việt Nam.

Do không thể dùng chung trạm sạc với VinFast, hiện tại người dùng ô tô điện của hãng khác buộc phải sử dụng các bộ sạc tại nhà hoặc sạc tại trụ của các bên cung cấp thứ 3 (hiện tại đã có một số trạm của EVOne, Ever EV, Porsche) nhưng số lượng trụ sạc còn rất hạn chế, đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, dùng xe ô tô điện của hãng khác ngoài VinFast, bắt buộc chủ xe chỉ di chuyển loanh quanh trong bán kính 200 - 300 km quay đầu, nếu không muốn nằm đường vì hết pin.

Với hạn chế về hệ thống trạm sạc, khi muốn mua ô tô điện khách hàng hầu như khó có lý do để lựa chọn các hãng xe khác ngoài VinFast. Bởi, bên cạnh thiếu vắng trầm trọng hệ thống trạm sạc, dịch vụ sau bán hàng của hãng xe Việt Nam vẫn đang chiếm nhiều ưu thế, do đã sớm quyết tâm chuyển đổi sang kinh doanh và phát triển xe thuần điện 100%.

Một lý do khác nằm ở yếu tố thương hiệu, người Việt hiện vẫn có thành kiến với sản phẩm mang thương hiệu Trung Quốc, dù họ biết rằng những mẫu xe này được nhiều người đánh giá cao nhưng vẫn không lựa chọn, nhất là khi đã có VinFast cung cấp những mẫu xe có độ thực dụng cao.

Nói cách khác, nếu đã quyết định không "hòa mạng" VinFast mà mua ô tô điện của các hãng xe khác, người dùng ở thời điểm hiện tại buộc phải chấp nhận hạn chế hiện hữu và sạc điện cho xe chủ yếu tại nhà, khó lái xe di chuyển xa hay đi du lịch với tâm lý thoải mái.

Ưu điểm của ô tô điện Trung Quốc so với xe VinFast

So với VinFast, các hãng xe Trung Quốc đã sớm phát triển công nghệ ô tô điện tử rất lâu. Đến thời điểm hiện tại, dường như những hãng xe này đã đạt được độ "chín" để có thể cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường quốc tế. Doanh số xe ô tô điện của BYD đã qua mặt Tesla cho thấy dấu hiệu này.

Nhờ sở hữu bề dày kinh nghiệm, những mẫu ô tô điện của Trung Quốc, thuộc các thương hiệu nổi tiếng như Xpeng, BYD, Nio hay Avatr đều có độ ổn định cao trong quá trình vận hành, đặc biệt ở hệ thống phần mềm. Giá trị cốt lõi này sẽ giúp người dùng yên tâm hơn trong quá trình sử dụng, dù hệ thống dịch vụ sau bán hàng của các hãng xe Trung Quốc tại Việt Nam vào lúc này chưa lớn mạnh.

Thế mạnh tiếp theo đến từ hàm lượng trang bị công nghệ và tiện nghi được người Trung Quốc tích hợp lên xe, khiến người dùng cảm thấy "choáng ngợp" khi ngồi bên trong. Có thể kể đến các tính năng như tay nắm cửa điện, màn hình giải trí siêu to khổng lồ, ghế ngồi có chức năng massage, khả năng tự lái vào bãi đỗ xe, tích hợp máy chiếu, radar và hệ thống camera chi tiết, xoay 360 độ tại chỗ... Mỗi chiếc xe điện cao cấp tại Trung Quốc đều tích hợp danh sách trang bị dài, đủ cho bất kỳ người dùng nào cũng nhanh chóng "chốt đơn" nếu so sánh với các mẫu xe điện mang thương hiệu quen thuộc.

Kinh nghiệm của các hãng xe Trung Quốc còn thể hiện qua công nghệ vận hành, giúp xe của họ có thể di chuyển được với quãng đường xa hơn dù sức mạnh động cơ không thay đổi, do đã tối ưu được công suất và quản lý năng lượng tốt, giúp xe tiết kiệm pin tối đa. Hiện tại, đã có nhiều mẫu ô tô điện của Trung Quốc đạt con số 800 km phạm vi di chuyển.

Thiết kế và phân khúc xe đa dạng cũng là một thế mạnh khác của các hãng xe Trung Quốc. Nếu VinFast chỉ cung cấp tùy chọn phân khúc xe SUV, các hãng xe đến từ đất nước tỉ dân có đa dạng lựa chọn từ xe đô thị cỡ nhỏ, hatchback, sedan, SUV cho đến phân khúc xe siêu sang, xe thể thao... giúp "phủ sóng" gần như toàn bộ phân khúc khách hàng. Việc đa dạng lựa chọn cũng là nguyên nhân giúp xe Trung Quốc chiếm ưu thế trước Tesla ngay trên sân nhà.

Cần giải bài toán "sạc ở đâu?"

Nếu các hãng xe điện Trung Quốc có thể giải quyết bài toán về hệ thống trạm sạc có thể đạt quy mô tương đương với những gì VinFast đã đầu tư mới có thể hấp dẫn người Việt Nam sử dụng. Bởi, sự bất tiện khi phải sạc pin và phạm vi di chuyển chính là rào cản lớn trong quá trình chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện của người dùng tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Việc các hãng xe điện đang muốn phổ biến sản phẩm tại Việt Nam cũng sẽ là tiền đề để có thêm nhiều doanh nghiệp kinh doanh mảng cung cấp năng lượng, xây dựng trạm sạc trên khắp cả nước, giúp ô tô điện ngày càng phát triển mạnh tại thị trường trong nước.