Nước ảnh hưởng tới sự ra đời của các nhà nước thế nào?

Nước không chỉ là nguồn sống, mà còn là nền tảng định hình lịch sử nhân loại. Trong cuốn sách này, Giulio Boccaletti - cộng tác nghiên cứu danh dự tại Trường Doanh nghiệp và Môi trường Smith thuộc Đại học Oxford - đưa người đọc vào hành trình khám phá vai trò của nước trong sự phát triển của các nền văn minh.
Nhà nước thủy lợi nổi lên
Từ thiên niên kỷ 5 TCN trở đi, các nhà nước đầu tiên bắt đầu để lại những dấu vết đồng nhất của chính họ. Các xã hội được điều hành bởi các nhà nước đã sản sinh ra các hệ thống nghệ thuật, khoa học và chữ viết. Những dấu vết đó là những gì có thể dựa vào để khám phá cách sự phát triển của các nhà nước đầu tiên được định hình bởi điều kiện nước dung dưỡng chúng.
Ngày nay, từ “nhà nước” gợi đến những ý tưởng hiện đại về đại diện chính trị hoặc các thể chế khổng lồ, nhưng các nhà nước sơ khai, nơi các cộng đồng định cư phát triển, không thể so sánh với các nhà nước hiện đại về quy mô hay phạm vi. Tuy nhiên, các nhà nước cổ đại hay hiện đại đều có chung những đặc điểm cơ bản, bao gồm một đội quân và khả năng thu thập cống phẩm và phân phối lại tài nguyên.
Các nhà nước chiến đấu với nhau, thi hành ngoại giao, dựa trên ý thức hệ để củng cố lòng trung thành, và dựa vào quản lý để vượt qua các mối quan hệ bộ lạc. Nói cho đúng thì sự trỗi dậy của các nhà nước hoàn toàn không phải điều tất yếu.
Trên thực tế, nhiều xã hội vẫn không có nhà nước vào thế kỷ 18, họ tồn tại dưới dạng các cộng đồng nhỏ tự cung tự cấp hoặc các bộ lạc du mục. Một số tới ngày nay vẫn không có nhà nước. Nhưng các xã hội được tổ chức thành nhà nước cuối cùng đã đông đảo hơn tất cả những xã hội khác.
![]() |
Các nền văn minh lớn thường gắn liền với các dòng sông. Ảnh: Adobe Stock. |
Các nhà nước đầu tiên - các thành bang của người Sumer, nối tiếp bởi Đế chế Akkad, liên kết lỏng lẻo thành một nền văn minh Lưỡng Hà - thường được mô tả là “nền văn minh thung lũng sông”, bởi vì họ phát triển trên bờ sông Tigris và Euphrates, giống như nhà nước của người Ai Cập sau này phát triển dọc theo sông Nile, hoặc nhà nước Hạ và Thương trên bờ Hoàng Hà. Tuy nhiên, quan điểm hạn hẹp cho rằng nhà nước sinh ra chỉ để quản lý sông phần lớn là không có cơ sở thực nghiệm.
Thực tế hoàn toàn ngược lại: các con sông lớn không phải là yếu tố then chốt để giải thích cho sự trỗi dậy của các nhà nước phức tạp. Ví dụ, quản lý sông không phải là gốc rễ của nền văn minh rừng Maya, và các nhà nước phía bắc Lưỡng Hà cũng không phải đối phó với con sông nào. Và ngược lại, các cộng đồng không nhà nước tiếp tục tồn tại dọc theo các con sông trong nhiều thế kỷ. “Nền văn minh thung lũng sông” hóa ra là một mô tả địa lý, không phải là lời giải thích tại sao các nhà nước lại ra đời.
Nhưng lý giải nguyên nhân của một chuyện gì đó không đồng nghĩa với giải thích cách thức nó xảy ra. Các điều kiện nước dung dưỡng một nhà nước có sự tương tác rộng rãi với các thể chế của nhà nước đó. Nước vận động. Hoạt động của những người sống ở thượng nguồn ảnh hưởng đến những người ở hạ nguồn. Mọi người đã phải kết hợp với nhau để ứng phó với sức mạnh của nước. Trong một thế giới sũng nước, lối sống định cư khuyến khích sự hợp tác và các nhà nước dù đã nổi lên bằng cách nào thì cũng phải thích nghi với nó. Theo nghĩa này, Lưỡng Hà thực sự là nơi phát triển các nhà nước thủy lợi đầu tiên.
Trong câu chuyện của Tigris và Euphrates, có một mối quan hệ chặt chẽ giữa bản chất của nhà nước và cách cảnh quan nước phát triển. Nước tuân theo các điều kiện ranh giới mà hệ thống khí hậu áp đặt. Mặt khác, con người được tổ chức thành các nhà nước để thực hiện quyền lực tập thể và thay đổi môi trường theo hướng có lợi cho họ. Các điều kiện môi trường không khiến nhà nước trỗi dậy, nhưng đã giúp định hình nó. Từ thành bang đầu tiên đến vô số các nhà nước cạnh tranh, cho đến đế chế đầu tiên, câu chuyện của Lưỡng Hà là câu chuyện về cách nước và người tương tác với nhau.