Nhảy đến nội dung
 

Nữ thượng tá thuyết minh diễu binh 30/4: 'Hôm nay tôi yên tâm để ốm'

Tại lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước 30/4, nhiều người xúc động trước giọng thuyết minh hào hùng, đầy khí thế giới thiệu các khối diễu binh. Ít ai biết phía sau đó là những tháng ngày rèn luyện nghiêm ngặt, giữ gìn giọng nói và thể lực bền bỉ.

XEM VIDEO: Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước

Lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước ngày 30/4 để lại nhiều cảm xúc tự hào khi xem các khối diễu binh, diễu hành Quân đội, Công an và quần chúng nhân dân. Góp phần tạo nên không khí hào hùng là giọng đọc thuyết minh mạnh mẽ, truyền cảm, dẫn dắt từng đội hình tiến qua lễ đài.

Không xuất hiện công khai "những người kể chuyện" thầm lặng dẫn dắt, giới thiệu 48 khối tiến vào lễ đài, họ góp phần không nhỏ để tạo nên một lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành đầy thành công và ấn tượng. 

Ngồi trong cabin ở một bên khán đài, tổ thuyết minh lặng lẽ theo dõi từng bước chân diễu binh của đồng đội, canh chuẩn thời điểm các khối, tiếng thuyết minh vang lên: “Nhiệt liệt chào mừng khối sĩ quan đại diện năm cánh quân đang tiến vào lễ đài. Cách đây 50 năm, trong những ngày tháng Tư lịch sử, năm cánh quân cùng với các lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị quần chúng đồng loạt tiến vào Sài Gòn...” thì mỗi người lính trong đội hình siết chặt đội ngũ, ngẩng cao đầu hơn, đồng loạt thực hiện động tác chào và diễu binh. 

Thượng tá Hồ Thị Hoàng Hà, Phó Chủ nhiệm Khoa Thanh nhạc, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội là một trong 8 người đọc thuyết minh diễu binh, diễu hành trong buổi lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất diễn ra tại TPHCM.

Cách Thượng tá Hà nhấn nhá, đọc tên từng khối "đang tiến vào lễ đài" khiến không ít người cảm thấy rung động, khơi gợi thêm lòng yêu nước. Giọng thuyết minh của chị và đồng đội còn khiến người nghe cảm tưởng như đang được sống trong những thời khắc oanh liệt, vàng son của 50 năm trước.

Thượng tá Hồ Thị Hoàng Hà là trưởng nhóm thuyết minh bởi chị là người có kinh nghiệm nhất khi từng thuyết minh nhiều lễ kỷ niệm cấp quốc gia như: Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 2014), kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (năm 2015), kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 2024)...

Thượng tá Hồ Thị Hoàng Hà không giấu nổi sự tự hào khi đã hoàn thành nhiệm vụ trong ngày lễ trọng đại của đất nước.

"Áp lực rất lớn, trách nhiệm lớn, tôi không cho phép bản thân 'thả' mình xuống bởi đây là một chương trình cấp quốc gia, mang tầm quốc tế. Đến hôm nay tạm thời cũng 'nhẹ' đi nhiều vì hoàn thành nhiệm vụ. Tôi cũng yên tâm để ốm", Thượng tá Hà tâm sự với VietNamNet.

Xen lẫn tiếng ho và giọng nói khàn đi sau ngày lễ kỷ niệm, Thượng tá Hà cho biết đội ngũ thuyết minh viên được tuyển chọn kỹ lưỡng từ các đơn vị trong Quân đội tại ba miền, phải trải qua kỳ tuyển chọn và thi đọc.

Các đơn vị trong toàn quân sẽ lựa chọn những ứng viên có đủ khả năng, sau quá trình xét duyệt sẽ tập trung tại Hà Nội để thi bài đọc thuyết minh diễu binh. Hội đồng giám khảo gồm 5-6 thành viên lựa chọn những ứng viên đáp ứng yêu cầu của lễ kỷ niệm. 

8 quân nhân nam và nữ hội tụ đủ các yếu tố với chất giọng nam, bắc được lựa chọn. Họ dành nhiều tháng để rèn luyện cách đọc câu chữ, cách nhấn nhá, hơi thở; cùng các khối diễu binh sơ luyện, hợp luyện từ Hà Nội và TPHCM.

Là người có kinh nghiệm nhất, Thượng tá Hà hướng dẫn chi tiết cho những thành viên mới, lần đầu đảm nhiệm nhiệm vụ này từ cách phát âm, hơi thở đến cách diễn đạt. Để đảm bảo sức khỏe tổ thuyết minh cũng có những yêu cầu nghiêm ngặt như không sử dụng nước đá, tránh ăn đồ lạnh, thường xuyên súc miệng nước muối và ngậm kẹo giữ ấm cổ, hạn chế những yếu tố có thể ảnh hưởng đến giọng nói.

Thượng tá Hà chia sẻ, thuyết minh trong lễ diễu binh không giống như dẫn MC một sự kiện bình thường. MC một chương trình sẽ biết được đối tượng khán giả là ai, nội dung dẫn là gì từ đó có thể dẫn theo ý của MC có thể thể hiện thêm cảm xúc cá nhân, tùy cơ, ứng biến. Còn thuyết minh diễu binh "vừa là chính sự vừa là câu chuyện lịch sử có sự liên kết", đòi hỏi sự hiệu triệu, niềm kiêu hãnh, tình yêu đất nước và chất lính trong từng âm sắc, "truyền lửa" cho những bước chân của các chiến sĩ tiến vào lễ đài.

"Nội dung mỗi khối thuyết minh gần 200 từ, nội dung câu chữ được duyệt qua nhiều vòng. Các đơn vị, quân binh chủng có lực lượng tham gia sẽ chuẩn bị nội dung này dựa trên truyền thống lịch sử, nhiệm vụ của đơn vị. Chúng tôi phải thuyết minh là sao thể hiện được truyền thống hào hùng của khối diễu binh nhưng vẫn truyền được cảm xúc cho người nghe, nâng bước chân của đoàn diễu binh. Bởi nếu đọc chậm quá, nhanh quá sẽ không ăn khớp với khối diễu binh bên dưới", Thượng tá Hà kể thêm.

Sau hơn 2 tháng cùng các khối diễu binh luyện tập ở Thủ đô, nắng nóng ở TPHCM, Thượng tá Hà chia sẻ, "khối đọc có áp lực riêng tuy nhiên không bị ảnh hưởng bởi mưa nắng. Các khối đứng, khối đi phải dầm mưa, dãi nắng nhưng vẫn nghiêm trang trong nhiều giờ. Các đồng chí "mình đồng, da sắt" rất kiên trì, ý chí. Chính sự vất vả của đồng đội khiến chúng tôi phải cố gắng nhiều hơn".

Trên hành trình bằng tàu từ Hà Nội vào TPHCM, Thượng tá Hà cùng hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ nhận được tình cảm to lớn, ấp áp từ người dân của nhiều địa phương mà đoàn đi qua. Đây là một dấu ấn đáng nhớ trong cuộc đời quân ngũ của chị.

Thượng tá Hồ Thị Hoàng Hà cho biết đợt kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9 sắp tới nếu được thủ trưởng, cấp trên tin tưởng thì chị sẵn sàng nhận nhiệm vụ.