Nữ giới mắc quai bị có vô sinh không? - Báo VnExpress

Trả lời:
Quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc họ Paramyxoviridae gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em 5-15 tuổi, có thể tự khỏi sau khoảng 10 ngày. Nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách, bệnh có thể gây biến chứng ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản.
Ở nam giới, quai bị có thể gây viêm tinh hoàn, nguy cơ dẫn đến teo tinh hoàn hoặc giảm chất lượng tinh trùng. Nếu cả hai tinh hoàn bị tổn thương, bệnh có thể gây vô sinh.
Biến chứng do quai bị ở nữ giới ít gặp hơn so với nam giới. Tuy nhiên, sau tuổi dậy thì, các bé gái vẫn có thể bị viêm buồng trứng với tỷ lệ 5%. Các biểu hiện bao gồm đau bụng âm ỉ, sốt, đau từng cơn ở một bên hố chậu. Trẻ gái ra nhiều khí hư, có mùi hôi, màu sắc bất thường.
Tình trạng viêm buồng trứng do quai bị có thể gây rối loạn rụng trứng, tổn thương mô buồng trứng dẫn đến giảm dự trữ trứng, sẹo hoặc dính gây tắc ống dẫn trứng. Bệnh có thể dẫn đến mãn kinh sớm hoặc hình thành áp xe buồng trứng. Nếu không được điều trị kịp thời, quai bị có thể làm giảm khả năng thụ thai, tăng nguy cơ vô sinh, đặc biệt nếu tình trạng viêm xảy ra ở hai bên buồng trứng.
Quai bị dễ nhầm lẫn với sỏi tuyến nước bọt, viêm tuyến nước bọt đơn thuần, u tuyến nước bọt... Do đó, khi có triệu chứng như sốt, sưng hạch, bệnh nhân cần được chẩn đoán hoặc có kết quả xét nghiệm khẳng định.
Hiện bệnh đã có thể phòng ngừa nhờ vaccine, với các mũi phối hợp ngừa quai bị với sởi và rubella cho trẻ em và người lớn như Priorix (Bỉ) và MMR II (Mỹ).
Trong đó, MMR II tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi còn Priorix có thể tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi. Với phụ nữ đang có ý định mang thai nên hoàn tất lịch tiêm trước khi có thai tốt nhất 3 tháng.
Người đang mắc quai bị lưu ý không phải tất cả trường hợp đều dẫn đến vô sinh. Bạn cần nghỉ ngơi, không lo lắng quá mức và điều trị đúng phác đồ từ bác sĩ, không tự dùng thuốc để tránh bệnh trở nặng. Để kiểm tra chức năng sinh sản, bạn nên đến cơ sở y tế để thăm khám, thăm dò chức năng, từ đó có hướng điều trị phù hợp.
Bác sĩ Bùi Công Sự
Quản lý Y khoa Vùng 3 - Miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine để bác sĩ trả lời tại đây.