Nhảy đến nội dung
 

Nữ chuyên gia công nghệ người Việt đầu tiên của Google

Từ một cô bé say mê các cuộc thi Tin học không chuyên, đến một trưởng nhóm AI tại công ty công nghệ quốc tế, chị Nguyễn Khánh Linh (SN 1991) đã trở thành cô gái Việt đầu tiên được lựa chọn làm chuyên gia công nghệ - mạng lưới chuyên gia Google Developer Expert (GDE) của Google.

Chị Nguyễn Khánh Linh đã có cuộc trò chuyện với PV Tiền Phong về hành trình theo đuổi niềm đam mê về công nghệ và khát vọng xây dựng cộng đồng phụ nữ công nghệ tại Việt Nam.

Luôn “nhảy số” nhanh hơn khi bị dồn vào thế khó

Chào chị Nguyễn Khánh Linh! Ngay lúc này, chị có cảm xúc gì khi trở thành nữ chuyên gia công nghệ của Google?

Tôi thấy rất vui và được tiếp thêm sức mạnh khi trở thành nữ chuyên gia công nghệ được Google công nhận. Thật ra, tôi không quá bất ngờ, bởi tôi luôn tin vào tương lai của công nghệ và tin vào chính bản thân mình, rằng mỗi ngày chỉ cần sẵn sàng học hỏi và không ngừng nỗ lực.

Chị nhận ra mình muốn trở thành kỹ sư công nghệ từ khi nào?

Từ nhỏ, tôi đã luôn hứng thú với những bộ phim hay tin tức về khoa học viễn tưởng và công nghệ. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ máy tính là một cỗ máy thú vị để mình khám phá, nghịch ngợm và chơi điện tử, cho đến khi đọc được những câu chuyện về cách công nghệ có thể làm được nhiều điều vượt xa tưởng tượng của con người, hay những chương trình AI bắt đầu có thể tương tác một cách thông minh hơn.

Lần đầu tiên tôi lập trình là vào năm lớp 8, tầm năm 2004 - 2005. Qua từng dòng mã, từng thử nghiệm nhỏ, tôi dần thấy được sức mạnh của công nghệ trong việc giải quyết những bài toán thú vị, và quan trọng hơn, nó kích thích trí tò mò không ngừng của tôi.

Mỗi lần gặp một thuật toán hay vấn đề khó, tôi thích thú như đang chơi giải đố vậy. Cho đến bây giờ, nếu không tính những lần tự mày mò từ nhỏ mà chỉ tính đến lần đầu tiên tôi thực tập, tôi đã có hơn 14 năm kinh nghiệm tổng thể với những năm đầu làm việc trong ngành lập trình, và sau đó rẽ sang hướng về học máy và trí tuệ nhân tạo .

Theo chị, điều gì làm nên một kỹ sư AI giỏi? Là kỹ thuật vững, là khả năng sáng tạo, hay còn là một thứ gì khác mà chúng ta ít nhắc tới?

Tôi nghĩ là ngoài tất cả những gì bài bản như kỹ thuật vững, kiến thức tốt và sự nhanh nhạy, đôi khi còn phải có chút nổi loạn và mải chơi, bởi tôi là người ít để mắt tới những thứ tôi không hứng thú.

Những năm cấp 3 tôi học không giỏi, cả 3 năm đều là học sinh tiên tiến vì tất cả thời gian tôi có đều tập trung vào việc đi thi các cuộc thi Tin học không chuyên ở trong nước và khu vực, tới mức bố mẹ còn phải bảo, “con ơi, con không học các môn trên trường thì sao mà đỗ tốt nghiệp đây”.

Tôi cũng từng tự làm website và đem bán. Đặc biệt, mỗi lần chạy chương trình mà nó không báo lỗi là tôi có cảm giác cực kỳ vui, vui hơn được điểm 9, 10 ở trường nhiều. Nhưng cũng vì vậy, tôi luôn cảm thấy đầu mình “nhảy số” nhanh hơn khi bị dồn vào thế khó, ví dụ còn ít thời gian, hay làm một điều gì đó mà đối với các bạn cùng lứa là không thể.

Trong quá trình làm việc với AI, có lúc nào chị bị công nghệ “thách thức lại” chính những giả định ban đầu của mình? Chị có thể kể một lần như vậy?

Trước đây, tôi từng cho rằng máy móc chỉ có thể hiểu và học đúng những gì con người cung cấp, rằng kiến thức của chúng phụ thuộc hoàn toàn vào dữ liệu input mà chúng ta chủ động đưa vào. Nhưng khi bước vào “kỷ nguyên AI Agent”, cùng với những tiến bộ trong mô hình tự học, tự thiết kế cách tiếp cận và thậm chí là tự lựa chọn các công cụ hỗ trợ, tôi đã phải suy nghĩ lại.

AI Agent đã thể hiện một dạng hành vi “tự thích nghi” nhất định, dù vẫn đang nằm trong giới hạn quy tắc của con người. Câu chuyện này cũng phản ánh sự tiến gần đến khái niệm AGI (Artificial General Intelligence) - một viễn cảnh không còn chỉ nằm trên lý thuyết mà đang dần thành hiện thực.

Qua những trải nghiệm đó, tôi hiểu rằng ranh giới giữa khả năng học của máy và khả năng hướng dẫn của con người đã trở nên mờ hơn nhiều. Điều này buộc tôi và cả cộng đồng nghiên cứu AI phải liên tục xem xét lại giả định cũ, cập nhật kiến thức, đồng thời tinh chỉnh cả cách tiếp cận kỹ thuật và đạo đức để không bị tụt lại trước những tiến bộ của thời đại.

Làm gì khi AI đang phát triển chóng mặt?

Với lịch trình dày đặc, chị làm thế nào để nuôi dưỡng những phần khác trong con người mình - như nghệ thuật, mối quan hệ, tâm hồn…?

Câu hỏi rất thú vị, vì tôi cũng hay bị bố mẹ và chồng kêu “sao cứ ngồi máy code suốt thế” hoặc hễ đi cà phê là nhăm nhăm đọc sách, hoặc các bài báo khoa học. Có những khoảng thời gian làm việc 16 - 17 tiếng một ngày và sức khỏe giảm sút đột ngột, tôi cũng khá lo ngại.

Tôi may mắn xuất thân từ một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật nên việc “nuôi dưỡng tâm hồn” là điều rất quen thuộc. Bản thân tôi cũng luôn sắp xếp thời gian để duy trì những hoạt động không liên quan trực tiếp đến công nghệ nhưng lại giúp đầu óc thả lỏng và khơi gợi cảm hứng.

Ngoài ra, việc đọc sách - bao gồm cả sách nghệ thuật, các bài báo khoa học, tài liệu mới về AI - cũng cho phép tôi tiếp cận nhiều góc nhìn khác nhau. Học hỏi cách tư duy, ngôn từ, lối biểu đạt của những nhà văn, họa sĩ hay nhà nghiên cứu giúp khơi mở trí tưởng tượng, làm phong phú thêm thế giới quan của mình.

AI tạo sinh đang phát triển rất nhanh, có điều gì khiến chị lo lắng về tốc độ này không? Và đâu là ranh giới giữa sáng tạo và trách nhiệm khi xây dựng công nghệ?

Thú thực, tôi cũng không thể phủ nhận rằng tốc độ phát triển “chóng mặt” của AI tạo sinh, đôi lúc khiến mình tự hỏi liệu chúng ta đã chuẩn bị đủ nền tảng về kỹ thuật lẫn đạo đức, pháp lý hay chưa.

AI, về bản chất, vẫn chỉ là cỗ máy, chúng học dựa trên tập dữ liệu quá khứ và có người thậm chí còn nói, AI tạo sinh chỉ là một “cỗ máy dự đoán từ tiếp theo” nên khó tránh được tình trạng “hoang tưởng” (hallucination), trả lời sai, hoặc sử dụng những dữ liệu mà chưa chắc đã được xin phép hợp lệ. Đó chính là những vấn đề lớn tôi nghĩ cần được quan tâm sớm và bài bản, vì nếu công nghệ chạy nhanh hơn khuôn khổ trách nhiệm và quy chuẩn, hệ quả sẽ khôn lường.

Với tôi, ranh giới giữa sáng tạo và trách nhiệm nằm ở chỗ chúng ta tận dụng AI để phát huy khả năng tự động hóa và khai mở ý tưởng, nhưng vẫn cần nghiêm túc xem xét đạo đức và tính minh bạch trong quá trình phát triển.

Việc đào tạo AI một cách cẩn trọng, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác, và luôn có “con người trong vòng lặp” (human in the loop) để kiểm soát những tình huống nhạy cảm chính là cách để chúng ta giữ vững ranh giới đó.

Nếu được quyền đầu tư vào một hướng nghiên cứu AI phục vụ cộng đồng, chị sẽ chọn điều gì? Vì sao điều đó quan trọng với chị?

Tôi chắc chắn sẽ đầu tư vào hướng nghiên cứu AI Alignment (Căn chỉnh AI) và phát triển AI có trách nhiệm, bởi việc cải thiện cả Outer Alignment - Căn chỉnh ngoài (đảm bảo mục tiêu AI thực sự phù hợp với giá trị con người) lẫn Inner Alignment - Căn chỉnh bên trong (đảm bảo AI không lách luật hay tối ưu hóa mục tiêu sai cách) là nền tảng để AI phục vụ lợi ích chung một cách an toàn.

Chị có bao giờ nghĩ đến việc xây dựng một cộng đồng hoặc chương trình dành riêng cho phụ nữ yêu công nghệ ở Việt Nam không?

Nếu có thể tự tay xây dựng một cộng đồng mới tại Việt Nam, tôi muốn nó không chỉ dừng lại ở việc chia sẻ kiến thức hay kỹ năng lập trình. Thay vào đó, tôi muốn tập trung nhiều hơn vào khía cạnh phát triển con người một cách toàn diện, bao gồm cả kỹ năng mềm, sức khỏe tinh thần và hỗ trợ cá nhân hóa cho từng hội viên.

Và tôi tin rằng, khi chúng ta trao cơ hội, kiến thức và cả sự hỗ trợ tinh thần, phụ nữ Việt Nam có thể tự tin tỏa sáng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ngành công nghệ.