NSND Thanh Tuấn ra sao sau lần 'thập tử nhất sinh'?

Trong cuộc trò chuyện với đạo diễn Khương Dừa, NSND Thanh Tuấn có dịp trải lòng về nghề và cuộc sống hiện tại. Ông nói bản thân may mắn vì sức khỏe hồi phục nhanh sau cơn 'thập tử nhất sinh'.
Sau biến cố, NSND Thanh Tuấn giảm khoảng 7-8kg, song ông mừng vì sức khỏe dần ổn hơn. Trong cuộc gặp với đạo diễn Khương Dừa, giọng ca đình đám của sân khấu cải lương cho hay: “Bây giờ cứ nửa tháng tôi tái khám một lần, còn thuốc men uống mỗi ngày, sáng rồi chiều”.
NSND Thanh Tuấn chia sẻ hiện tại, ông chú trọng ăn uống điều độ, luyện tập thể dục để cải thiện sức khỏe. Mỗi sáng, giọng ca cải lương dành hơn nửa tiếng để đi bộ, tập hít thở. Ông tâm sự thêm: “Tôi may mắn được bề trên độ nên sức khỏe phục hồi nhanh. Từ nhỏ đến lớn, đây là căn bệnh nặng nhất của tôi”.
Sức khỏe dần ổn định hơn, NSND Thanh Tuấn dành thời gian xuống lớp. Ông nói hiện tại chỉ có thể đưa ra những góp ý cho các bạn trẻ, giúp họ hào hứng gắn bó với sân khấu cải lương. Tại trung tâm, ông trưng bày nhiều hình ảnh, giấy khen gắn với chặng đường ca hát của mình. Nam nghệ sĩ tiết lộ đây chỉ là con số nhỏ, bằng một phần ba so với những gì ông nỗ lực đạt được trong 60 năm gắn bó với nghệ thuật.
Hành trình làm nghề của NSND Thanh Tuấn
Giọng ca quê Quảng Ngãi kể từ bé, ông đã bộc lộ niềm đam mê nghệ thuật. Từng đi phụ việc cho một hiệu thuốc gần đoàn hát, cứ mỗi đêm ông đều tranh thủ sang xem. Chính quãng thời gian đó giúp nghệ sĩ Thanh Tuấn nuôi dưỡng và bắt đầu đi học để theo nghề. Khi theo học ở thầy Bảy Trạch, giọng ca cải lương được giới thiệu đi hát và lên kép chánh từ năm 16 tuổi.
Thời gian đầu, ông lấy tên thật là Thanh Liêm để đi diễn. Sau khi về đoàn Minh Cảnh, nam nghệ sĩ đổi thành Hoài Trúc Linh. Đến khi hoạt động ở đoàn Hương Mùa Thu, nghệ danh Thanh Tuấn bắt đầu gắn liền với giọng ca cải lương quê Quãng Ngãi.
“Tôi lên hỏi thì soạn giả Thu An nói lấy tên này là đẹp. Bắt đầu từ đó, chú ấy đưa tôi đi thu đĩa, 2 vở tuồng đầu tiên là Khói sóng tiêu tương và Người câu bóng trăng. Khán giả nghe xong thì khen, nói giọng ca tôi lạ quá, tên tuổi tôi từ đó bắt đầu đi lên”, ông nhớ lại.
Sau bước đệm đó, NSND Thanh Tuấn đầu quân cho đoàn Kim Chung, Sài Gòn II… Nhìn lại chặng hành trình làm nghề, ông chiêm nghiệm: “Ngày bé, tôi đâu nghĩ mình theo cải lương. Đến khi đi hát, tôi cũng không nghĩ mình có tên tuổi như vậy. Lúc đó, tôi chỉ mong được hát để thỏa niềm đam mê thôi. Tôi may mắn tìm tòi được hướng đi riêng, chắc cũng là Tổ nghiệp cho. Tôi nằm nghiên cứu, lấy mấy cái hay của anh chị, cô chú rồi sáng tạo thêm”.
Sau 60 năm gắn bó và cống hiến cho nghề, NSND Thanh Tuấn có một trung tâm dạy cải lương. Theo giọng ca Lỡ bước sang ngang, lớp học là cách ông hiện thực hóa mong muốn được truyền lại kinh nghiệm cho thế hệ trẻ. “Các bạn có cách ca vọng cổ mới, cộng với những gì cha ông để lại để phần trình diễn phong phú hơn, người nghe không cảm thấy nhàm chán”, ông bày tỏ.
Về cuộc sống hiện tại, ông nói bản thân may mắn vì có cuộc sống ổn định, vẫn theo đuổi nghề. “Đợt này, tôi trải qua cơn thập tử nhất sinh mà vẫn sống được là phước dữ lắm”, nam nghệ sĩ chia sẻ.