Nỗi oan sầu riêng 'nhúng thuốc'

"Nhúng thuốc” - kỹ thuật thông thường dành cho sầu riêng sau thu hoạch, thế nhưng qua đồn thổi lại trở thành hành vi “tẩm hóa chất độc hại”, đầu độc người tiêu dùng.
Những ngày này, dọc theo Quốc lộ 1 qua huyện Cai Lậy (Tiền Giang), không khó bắt gặp những vựa hay điểm tập kết sầu riêng hoạt động suốt ngày đêm. Sầu riêng được chất thành từng đống lớn, nhân công tất bật phân loại, cân trọng lượng.
Ở một góc vựa, trước khi được đóng gói đưa đi tiêu thụ, những trái sầu riêng lần lượt được nhúng vào một thùng dung dịch màu vàng nhạt...
Sầu riêng "nhúng thuốc"
Vào vai khách đi đường, chúng tôi dừng lại một điểm tập kết sầu riêng ở xã Tam Bình (huyện Cai Lậy). Đây là nhà của một thương lái có hơn 20 năm kinh nghiệm buôn sầu riêng, cũng là điểm tập nhiều năm nay của loại "vua trái cây" này.
Thấy chúng tôi, nhân công xởi lởi trò chuyện, đậm vẻ chân chất, dễ gần của người nông dân miền Tây.
"Các chị khách từ xa hả, muốn mua ăn thử thì tụi em tìm một trái chín cho. Còn muốn mua nhiều mang về thì em báo anh chủ. Em thấy anh chủ bán cho mấy người qua đường như các chị, giá 45.000 đồng/kg, là bằng giá thu tại vườn luôn đó. Giá này không bằng nửa giá năm ngoái", một nhân công thật thà nói.
Sau khi biết chúng tôi muốn ăn tại chỗ, người này lập tức vận động đồng đội: "Kiếm có trái nào sót hôm trước nhúng rồi không, kiếm cho mấy chị ăn luôn nè!".
"Nhúng?!" - Cụm từ này khiến chúng tôi hơi giật mình.
"Nhúng gì vậy ạ?", chúng tôi hỏi lại. "Nhúng thuốc đó!" , người này thản nhiên đáp.
Đến đây, chúng tôi không giấu mình là phóng viên nữa, mà cho hay ê-kip đang tìm hiểu về sự thật sầu riêng "nhúng thuốc". Dù hơi bất ngờ, người này không tỏ thái độ mà đi tìm "anh chủ" tiếp chúng tôi.
"Nhúng cho trái chín đều thôi mà, chất này được cấp phép. Tui cũng thấy trên mạng thêu dệt quá trời, nào là nhúng thuốc độc, nào là ăn sầu nhúng thuốc bị ung thư... Nhưng tụi tui đâu biết lên đâu mà giải thích", anh T. - thương lái, chủ điểm tập kết này cho hay.
Nói rồi, anh dẫn chúng tôi vào trực tiếp bộ phận đang... "nhúng thuốc": "Các chị cứ quay chụp thoải mái, đăng đúng sự thật là được".
Tại đây, hai lọ dung dịch được các nhân công sử dụng, lần lượt có tên là Phân bón lá Kina Ado Ethephon và HTC Đại Ngàn. Các nhân công cho hay, họ đã sử dụng hai dung dịch này làm "thuốc nhúng" nhiều năm nay. Không chỉ sầu riêng đem bán, chính gia đình họ cũng sử dụng khi muốn ăn sầu chín ngon.
Rời xã Tam Bình, chúng tôi đến xã Ngũ Hiệp, ghé vào một vựa sầu riêng chuyên xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc.
Tại đây, hai loại dung dịch trên cũng được chủ vựa sử dụng. Song, có vẻ được nhiều người góp ý, chủ vựa này dùng từ... "xử lý".
"Trước thì cũng kêu là nhúng thuốc, vì thật sự lọ đó giống lọ thuốc. Tụi tui cũng không để ý gì nhiều, cứ kêu vậy. Nhưng sau này, nhiều đồn thổi nói tụi tui nhúng chất độc đem bán, có người nói chỗ làm ăn lớn nên đổi cách gọi đi, họ chỉ cho tui gọi là xử lý, bây giờ tui đang tập gọi là xử lý đây", anh H., chủ vựa cho hay.
Không chỉ hai điểm trên, thực tế, tại Cai Lậy, nhiều hộ dân sẵn sàng dẫn chúng tôi tới nơi họ pha thuốc và xử lý sầu riêng theo đúng quy trình. Không giấu giếm, họ thậm chí mời chúng quay phim, chụp ảnh, với thái độ tự tin.
Để chứng minh, một nông dân ở xã Ngũ Hiệp còn dẫn chúng tôi ra sau nhà, chỉ vào thùng sầu riêng còn chưa kịp ráo nước nhúng: "Cái này là để chiều tui gửi xe lên cho con gái đang làm ở TP.HCM nè. Hai chị em nhà nó ghiền sầu riêng lắm".
Theo người này, sầu riêng không nhúng thuốc vẫn chín, nhưng tỷ lệ chín đều rất khó: "Không nhúng thì múi chín trước chín sau, múi sượng múi mềm".
Cứ thế, cụm từ “nhúng thuốc” vô tình trở thành cái cớ cho một chuỗi hiểu lầm. Dư luận, đặc biệt là mạng xã hội, nhanh chóng gán ghép khâu này với hành vi “tẩm hóa chất độc hại”. Từ một kỹ thuật sau thu hoạch thông thường, người trồng bỗng mang tiếng là đầu độc người tiêu dùng.
Giải oan
Để hiểu rõ bản chất của chất “nhúng thuốc”, chúng tôi tìm đến Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, chuyên gia Nông nghiệp, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa là người có nhiều năm nghiên cứu về Ethephon, hoạt chất chính trong một số loại thuốc nhúng trái hiện nay.
Ông khẳng định, cả Kina Ado Ethephon và HTC Đại Ngàn đều là chế phẩm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp phép, có chức năng hỗ trợ quả chín đồng đều. Đây là hai chất gây chín quả được thế giới công nhận và sử dụng rộng rãi.
"Được Nhà nước cho phép sử dụng thì sao lại là chất độc được. Ethephon là một hợp chất khi phân hủy sẽ giải phóng khí ethylene - loại khí tự nhiên mà cây trồng cũng sinh ra trong quá trình chín quả. Ethylene giúp làm mềm mô trái, chuyển màu vỏ, phát triển hương vị, hoàn toàn tương ứng với quá trình chín tự nhiên.
Tôi khẳng định thêm một lần nữa, hai dung dịch này an toàn, được sử dụng. Tuy nhiên, tôi cũng nhắc luôn là sử dụng chúng riêng biệt, không được pha thêm bất cứ thuốc nấm gì.
Thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước chắc phải phân tích cụ thể các thành phần trong dung dịch để người tiêu dùng được biết, an tâm hơn", Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa nói.
Theo ông, Ethephon đã được dùng hàng chục năm nay, không chỉ ở Việt Nam mà cả ở các quốc gia xuất khẩu lớn như Philippines, Thái Lan.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý hai dung dịch này không phải là phân bón, dù nhãn đề là "phân bón". Về lý do, ông nói đó chỉ là quy trình xét duyệt ở Việt Nam, do phải thông qua Hội đồng phân bón. Công dụng chính của chất này là kích chín, nhưng vì thủ tục nên nhãn hiệu phải đề như đã thấy.
"Nhúng thuốc, đây thật sự là một nỗi oan không chỉ của nông dân, mà của cả ngành sầu riêng. Chính tôi trong một hội thảo đã cùng 3 chuyên gia khác đứng lên, lấy uy tín, danh dự của bản thân để khẳng định những chất này không nguy hiểm, được phép sử dụng. Có lẽ truyền thông cần sâu rộng hơn trong việc này, để giải oan cho người dân", chuyên gia Nguyễn Đăng Nghĩa nhấn mạnh.
Điều nghịch lý là, trong khi thị trường đòi hỏi trái cây phải đẹp mã, chín đều, ít hư hỏng thì người nông dân vẫn bị đặt vào thế “nghi ngờ mặc định” nếu áp dụng kỹ thuật hỗ trợ làm chín. Giữa hai áp lực chất lượng thương mại và định kiến xã hội, người làm nông không ít lần rơi vào thế bí.
Anh Nguyễn Tuấn Khanh (thị xã Cai Lậy, huyện Cai Lậy) nói: "Tui làm lái buôn hơn 30 năm nay, có thời điểm còn làm vựa trực tiếp xuất đi Trung Quốc. Mọi người thử nghĩ nếu chất nhúng đó mà độc hại, nước bạn có chấp nhận cho nhập vào thị trường của họ không?" .
"Sầu riêng mà chín không đều, bị sượng hay chín muộn thì bị trả hàng liền. Nhúng thuốc là cách để kiểm soát quá trình chín. Tụi tui không mong ai bênh, chỉ mong có người nói giùm sự thật. Còn cứ để lời đồn lan đi, rồi mai mốt còn ai dám trồng sầu nữa”, anh Khanh nói thêm.