Nỗi oan những bác sĩ cấp cứu 'vô cảm'

"Xem đoạn video ghi tại Bệnh viện Đa khoa Nam Định phản ánh bé trai được đưa vào cấp cứu, nhưng nhân viên y tế yêu cầu đóng đủ tạm ứng viện phí mới giải quyết, tôi nhớ lại câu chuyện của mình hơn 20 năm trước, khi mẹ tôi bị đột quỵ, máu não chảy ra rất nhiều từ hai lỗ tai, mũi và miệng.
Lúc đó, tôi đang ở xa (tận Sài Gòn), trong khi gia đình lại nghèo, không có tiền đóng viện phí. Nhận được cuộc điện thoại của cha, gọi báo về việc mẹ bệnh nặng, tôi hoang mang tột độ vì bản thân không có tiền do đang đi học. Tôi vội chạy vạy, mượn được của người bạn cùng phòng 150.000 đồng dằn túi và lao về nhà.
Khi đưa mẹ vào cấp cứu, bệnh viện yêu cầu phải tạm ứng viện phí. Trong khi đó, tôi và gia đình không có tiền, mà tình trạng của mẹ tôi ngày càng xấu. Tôi như người điên không biết làm sao để cứu mẹ, đành để mẹ nằm ở hành lang bệnh viện, tôi từ Long Xuyên quay về lại Sài Gòn để vay mượn hết người này đến người kia. Mỗi ngày, tôi chạy đi chạy về bốn lần để lo tiền mà chẳng được bao nhiêu.
Cũng may, lần đó, tôi đóng từng khoản nhỏ một nên mẹ được cứu và bà sống thêm 20 năm, vừa qua đời cách đây gần hai năm. Thế nhưng, những ám ảnh ngày đó vẫn theo tôi đến giờ, khiến tôi rùng mình mỗi lần nghĩ lại. Nên tôi rất hiểu nỗi ấm ức của người nhà những bệnh nhân cấp cứu".
Đó là chia sẻ của độc giả Julie xung quanh vụ việc Bệnh viện Đa khoa Nam Định bị phản ánh 'nộp đủ tiền mới cấp cứu'. Theo video, bé trai 4 tuổi bị tai nạn, được người địa phương đưa vào viện cấp cứu, không có người thân đi cùng. Người đưa đi cấp cứu không mang đủ tiền mặt nên đóng tạm ứng viện phí 500.000 đồng, trong khi nhân viên y tế yêu cầu đóng đủ 2 triệu đồng mới xử trí. Lãnh đạo bệnh viện sau đó kiểm tra ghi nhận "hiểu lầm".
>> Nỗi oan những bác sĩ 'vô cảm'
Trong khi đó, đứng từ vị trí bác sĩ, bạn đọc Ducanh đề cập đến những bất cập trong quá trình cấp cứu bệnh nhân: "Tôi cũng là bác sĩ phẫu thuật, cũng vài lần đứng giữa ranh giới ký mổ hay không ký mổ cho bệnh nhân khi không có người nhà. Vẫn biết là lương y còn đó, nhưng ra pháp luật thì ai cũng như nhau. Đồng ý là nếu mổ ngay sẽ có cơ hội cứu sống bệnh nhân, nhưng nếu mổ mà vô tình bệnh nhân tử vong thì người nhà nào có chấp nhận.
Chưa kể nếu xảy ra kiện cáo hoặc bệnh nhân diễn biến xấu hậu phẫu, soi lại hồ sơ thì tôi là người làm sai quy trình trước phẫu thuật, rồi lại phải giải trình, kỷ luật trước hội đồng của bệnh viện, thậm chí liên quan đến pháp luật. Thế nên, không phải là bác sĩ vô cảm mà là dần chai sạn theo năm tháng nên chúng tôi phải thu mình lại thôi".
"Ngày con đầu lòng chào đời, tôi đưa vợ đi sinh trong tình trạng cấp cứu, nhập viện rồi mà chưa đi rút được tiền tạm ứng viện phí nên phải đợi. May mắn cho gia đình tôi là có quen một bác sĩ nên được họ gọi điện bảo lãnh, nên mới mẹ trong con vuông. Thực ra, cũng phải thừa nhận rằng vấn đề nằm ở thủ tục thanh toán viện phí chứ không thể đổ lỗi cho bác sĩ. Bởi nếu họ làm theo lương tâm của thầy thuốc, rồi cứ hết lần này đến lần khác bị trừ tiền lương, phải bỏ tiền túi ra ứng cho bệnh nhân cấp cứu, thì sức đâu chịu nổi. Bác sĩ cũng có gia đình, con cái của họ cũng phải ăn học chứ đâu có hơn ai", độc giả Royalvuhuyhoang nói thêm.
Câu hỏi đặt ra là làm gì để tháo gỡ những bất cập trong thủ tục viện phí cản trở bác sĩ cứu người? Bạn đọc Kien Nguyen Ngoc bình luận: "Ngày trước thì khó, nhưng giờ thông tin được cập nhật trên dữ liệu dân cư quốc gia hết rồi. Phần thanh toán viện phí cấp cứu này có thể dễ dàng định danh là nợ của ai và sẽ chuyển sang cho các cơ quan thực thi pháp luật trong trường hợp trốn đóng.
Như thế, bác sĩ có thể nhanh chóng tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân. Việc truy thu và viện phí có thể tính toán sau và bác sĩ không phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra cần bổ sung thêm các quy định về miễn trừ trách nhiệm cho bác sĩ khi tiến hành các ca mổ cấp cứu dạng này, do có tỷ lệ sẽ xảy ra tử vong hoặc biến chứng trong những ca mổ phưc tạp mà không có chữ ký của người nhà".
>> Trút giận lên bác sĩ vô cảm
Độc giả Kelvin Huynh đề xuất: "Tôi ở Mỹ, mỗi lần vào bệnh viện cấp cứu, luôn thấy có một quy định rõ ràng cho y bác sĩ rằng việc đầu tiên là phải cứu người trước, sau đó mới lo phần thanh toán. Nếu bệnh nhân có bảo hiểm thì bệnh viện sẽ tính trừ khoản đó làm tạm ứng. Nếu ai không có bảo hiểm thì sau khi bệnh nhân được cấp cứu, bệnh viện sẽ gửi hóa đơn về thanh toán về địa chỉ nhà và trong hóa đơn luôn nêu rõ: 'Nếu bạn gặp khó khăn tài chính hãy liên hệ để được trả góp, hoặc xin hỗ trợ từ các quỹ từ thiện'.
Theo tôi, Việt Nam cũng nên làm theo hướng như vậy để đảm bảo quyền được chữa bệnh của người dân. Cơ quan nhà nước có thể thành lập một quỹ từ thiện trong nước, vận động toàn dân, các nhà hảo tâm và doanh nghiệp đóng quỹ dự phòng cho các trường hợp cấp cứu. Khoản tiền đó có thể gửi vào ngân hàng để liên tục sinh lời. Khi có hoàn cảnh bệnh nhân khó khăn, chưa thể tạm ứng viện phí, có thể trích quỹ để hỗ trợ, giúp người bệnh được cấp cứu kịp thời mà không ảnh hưởng tới tâm lý của các y bác sĩ".
Lê Phạm tổng hợp