Nỗi lo của Fed vẫn còn

Austan D. Goolsbee, Chủ tịch Fed khu vực Chicago, cảnh báo nguy cơ đình lạm vẫn hiển hiện dù Mỹ và Trung Quốc đã đạt thỏa thuận hạ nhiệt căng thẳng thương mại.
Ông Austan D. Goolsbee nhận định rằng việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nhất trí giảm thuế nhập khẩu trong vòng 90 ngày là bước đi tích cực, nhưng chưa đủ để xua tan những rủi ro đang rình rập nền kinh tế.
“Dù tình hình đã bớt nghiêm trọng hơn trước, mức thuế hiện nay vẫn cao gấp 3 đến 5 lần so với thời kỳ trước chiến tranh thương mại”, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khu vực Chicago nói trong một cuộc phỏng vấn, nhấn mạnh rằng thỏa thuận hiện tại “sẽ tạo ra xung lực đình lạm cho nền kinh tế, khiến tăng trưởng chậm lại và giá cả tăng lên”.
Đình lạm chỉ hiện tượng giá hàng hóa tăng cao do lạm phát đi kèm với mức tăng trưởng chậm.
![]() |
Austan D. Goolsbee, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khu vực Chicago. Ảnh: Reuters. |
Dưới thỏa thuận mới, Mỹ đã giảm thuế nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc từ mức trung bình 145% xuống 30%, trong khi Trung Quốc hạ thuế đối với hàng Mỹ từ 125% xuống 10%.
Tuy vậy, sau khi tính đến các mức thuế vẫn còn áp dụng đối với phần lớn đối tác thương mại khác của Mỹ, các nhà kinh tế ước tính người tiêu dùng Mỹ vẫn đang chịu mức thuế hiệu dụng khoảng 15%.
Chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong thời gian qua liên tục thay đổi. Trước khi công bố lệnh hoãn áp thuế với Trung Quốc, Nhà Trắng cũng đã hoãn triển khai các mức thuế đối ứng đối với nhiều quốc gia khác trong vòng 90 ngày.
Cùng với những kế hoạch điều chỉnh thuế và các chương trình cắt giảm khác, tình trạng thiếu nhất quán trong chính sách đã khiến dự báo kinh tế trở nên kém ổn định và gây áp lực lớn lên tâm lý doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng, New York Times nhận định.
“Những thứ chúng ta đang làm phải đánh đối bằng sự sứt mẻ của nền kinh tế”, ông Goolsbee nói. Chủ tịch Fed khu vực Chicago cho biết nhiều doanh nghiệp ông tiếp xúc bày tỏ mong muốn đầu tư và tuyển dụng thêm nhân sự song sự thiếu rõ ràng về các thỏa thuận thuế quan khiến họ tạm ngưng kế hoạch. “Nếu doanh nghiệp ngồi yên, điều đó buộc Fed cũng phải ở trong trạng thái chờ đợi", ông Goolsbee nói.
Trước bối cảnh trên, Fed vẫn đang áp dụng chiến lược “kiên nhẫn” trong chính sách lãi suất. Sau khi đã giảm lãi suất tổng cộng 1 điểm % trong năm 2024, ngân hàng trung ương tạm dừng cắt giảm kể từ tháng 1, nhằm theo dõi thêm diễn biến của nền kinh tế trước khi đưa ra điều chỉnh tiếp theo.
Tuy chưa có dấu hiệu căng thẳng đáng kể trên thị trường lao động, ông Goolsbee cảnh báo rằng các rủi ro lạm phát không thể xem nhẹ, đặc biệt nếu các mức thuế hiện tại được duy trì trong thời gian dài.
“Nếu kỳ vọng lạm phát trong dài hạn tăng đáng kể, hoặc nếu thị trường lao động suy yếu rõ rệt, đó sẽ là điều đáng lo ngại”, ông nói, đồng thời nhấn mạnh: "Đình lạm là một tình huống rất khó xử lý đối với ngân hàng trung ương".
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.