Nơi kết thúc bắt đầu: Chọn quên hết hay nhớ thật nhiều?

Những hoàn cảnh trong vở Nơi kết thúc bắt đầu đều có một lý do để bước vào Cõi lưu luyến. Họ tạm dừng chân ở đây và chờ đợi những bước ngoặt: đi tiếp hoặc tan biến mãi mãi.
Ở vở Người trong cõi nhớ, Lưu Quang Vũ từng quan niệm, ngoài thế giới của người đang sống và cõi lặng im vĩnh hằng của người đã chết, còn có một cõi thứ ba. Đó là cõi của những người sống trong trí nhớ của người ở lại, những người không bị lãng quên.
Phảng phất triết lý ấy, vở Nơi kết thúc bắt đầu (tác giả Tùng Phi - Tiến Đạt, đạo diễn Huy An) đi vào suy nghĩ, lựa chọn và số phận của những người ở cõi thứ ba - Cõi lưu luyến.
Cõi lưu luyến của những kiếp nhân sinh
Cõi lưu luyến do thần Đón Đưa (NSƯT Thành Lộc) cai quản. Đây chính là nơi những linh hồn tạm dừng chân trước khi tìm thấy được "chiếc neo" của riêng mình để đi đến luồng sáng chuyển tiếp qua một cõi khác. Họ còn được tồn tại ở chốn này là bởi nỗi nhớ, tình yêu thương của người trần thế vẫn hướng về họ.
Những "tuổi trẻ" còn nhiều ước vọng, tình yêu bị chia cắt, những thân phận bị chối bỏ hay bị người đời gièm pha, những linh hồn cô đơn không nơi nương tựa. Họ có một lý do để chết và một chấp niệm cần buông bỏ.
Tìm thấy "chiếc neo" cũng là lúc hiểu ra đôi khi buông bỏ không phải vì muốn mà là cách duy nhất để tất cả đều được giải thoát. Khoảnh khắc kết thúc bắt đầu của những linh hồn trong cõi ấy - cũng như chính con người trong đời sống thực - là khi biết tha thứ, biết đủ và biết chấp nhận.
Thông điệp vở diễn khiến ta nhận ra sự sống đáng trân quý biết bao. Hãy sống cho ý nghĩa để không mắc kẹt trong tiếc nuối, hãy sống sao để "khi mất đi ta sẽ đi thẳng vào trái tim của những người đang sống".
Vở diễn cũng khiến người xem suy ngẫm và tự vấn chính mình khi nhắc đến những vấn nạn thời sự như: cưỡng bức, hành hạ động vật, phá thai, phẫu thuật thẩm mỹ không an toàn...
Đồng cảm với những tuổi trẻ còn dang dở
Trước khi dựng trên sân khấu Thiên Đăng, kịch bản Nơi kết thúc bắt đầu từng được Huy An chọn làm bài báo cáo tốt nghiệp chuyên ngành đạo diễn sân khấu tại Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM vào cuối tháng 4-2024 với tên 369.
Sau khi đến xem, Thành Lộc đã ngỏ lời đề nghị Huy An đem vở diễn về sân khấu Thiên Đăng. Anh có khoảng một năm để hoàn chỉnh bản dựng phù hợp hơn, trước khi trình diễn tại một sân khấu chuyên nghiệp.
Tâm sự với Tuổi Trẻ, Huy An cho biết những đề tài sân khấu về "cuộc sống sau cái chết" rất chạm đến anh.
"Sau mùa dịch năm 2021, chúng ta ai cũng đã trải qua rất nhiều sự mất mát và gia đình tôi cũng vậy. Tôi mất đi em gái - một cô bé chuẩn bị tốt nghiệp đại học với nhiều hoài bão, mơ ước và cả tương lai.
Qua lời giới thiệu của người bạn, tôi có cơ hội tiếp xúc kịch bản Nơi tình yêu bắt đầu (tựa gốc của Nơi kết thúc bắt đầu) của tác giả Tùng Phi - Tiến Đạt. Tôi nhận ra chàng trai Nhân trong vở rất giống Hân - em gái tôi. Tôi đồng cảm với Nhân, cũng như đồng cảm với những sự ra đi từ khi còn trẻ tuổi và muốn mọi người trẻ có thể bảo vệ bản thân mình tốt hơn", Huy An nói.
Huy An đã có lựa chọn táo bạo trong cách dàn dựng khi anh tận dụng tối đa những chiếc ghế với độ cao khác nhau, xếp thành hàng để làm cảnh trí. Điều này đòi hỏi đạo diễn phải dụng công tính toán cho những lần chuyển cảnh. Còn diễn viên vừa leo, di chuyển linh hoạt vừa khóc cười, sống cùng nhân vật.
Những chiếc ghế lớn có khung sắt trắng tạo cảm giác lạnh lẽo, cô đơn và trống rỗng. Vở cũng có một số đoạn xen lẫn quá khứ - hiện tại được chuyển mượt trong cảnh trí, diễn xuất.
Ánh sáng toàn cảnh sân khấu gần như bị triệt tiêu hoàn toàn. Sắc màu nhìn thấy nhiều nhất là hai màu trắng - đen tượng trưng cho những hồn ma và thần Đón Đưa. Vở diễn đưa người xem bước vào không gian ánh sáng mờ ảo, khiến ta có cảm giác đang lạc vào vùng hư - thực của những linh hồn trộn lẫn cùng con người.
Những giai điệu da diết vang lên đúng lúc khiến vở diễn thành công trong việc đẩy cảm xúc người xem. Đạo diễn Huy An sử dụng loạt ca khúc ballad cho phần âm nhạc của vở diễn như Cảm ơn và xin lỗi, Thời thanh xuân sẽ qua, Chờ ngày lời hứa nở hoa...
Câu hát trong ca khúc chủ đề Nhắm mắt thấy mùa hè - "Mang theo về miền an yên. Chọn quên hết hay chọn nhớ thật nhiều" - gây xúc động khi vang lên nhiều lần trong những bước ngoặt quan trọng của nhân vật.
Nơi kết thúc bắt đầu có một số trường đoạn múa dài kết hợp kịch hình thể tạo tiết tấu nhanh, lôi cuốn tối đa sự tập trung của người xem. Những sắc đỏ - đen tạo sự bức bối, không khí ngột ngạt thể hiện sự hoảng sợ, nỗi đau của nhân vật trong những phân cảnh cao trào.