Nọc độc rắn khiến người đàn ông ngưng tim, tổn thương não

Bệnh nhân quê Lào Cai, bị rắn cắn vào buổi trưa, cách đây vài hôm. Thay vì đến bệnh viện, ông tìm đến một thầy lang địa phương để đắp thuốc lá. Khoảng 2 giờ sau vết cắn, bệnh nhân bắt đầu nói khó, gia đình liền đưa đi bệnh viện. Trên đường đi, ông xuất hiện các cơn co cứng toàn thân, tím tái, suy hô hấp, hôn mê và ngừng tim.
Các bác sĩ bệnh viện tuyến huyện đã cấp cứu thành công, giúp tim bệnh nhân đập trở lại và đặt ống nội khí quản. Sau đó, ông được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán hôn mê do ngừng tuần hoàn sau khi bị rắn hổ mang chúa cắn.
Hiện, bệnh nhân vẫn hôn mê, tụt huyết áp, tim tổn thương. Ông đang được hồi sức tích cực, hạ thân nhiệt bảo vệ não và giải độc. Tuy nhiên, các trường hợp như vậy thường đối mặt với nguy cơ cao tổn thương não nặng nề, thậm chí tử vong.
Ngày 17/7, TS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho hay đối với các loại rắn độc, "thời gian vàng" để cứu sống bệnh nhân chỉ trong vài giờ sau vết cắn. Nếu không kịp thời đến cơ sở y tế để tiêm huyết thanh kháng độc đặc hiệu, hậu quả có thể là hoại tử một phần cơ thể, liệt cơ hô hấp, ngừng tim, tổn thương não, và tử vong.
Các loài rắn như hổ mang chúa, cạp nong, cạp nia, cùng một số loài hổ mang, rắn biển, rắn lục núi, rắn lục đầu bạc, chứa độc tố thần kinh gây liệt rất nhanh. Chúng có thể làm liệt cơ hô hấp, dẫn đến suy hô hấp đe dọa tính mạng chỉ trong vài giờ đầu.
Trong khi đó, các biện pháp dân gian như đắp lá, uống thuốc thảo dược, dùng "hòn đá chữa rắn cắn", sừng tê giác, áp gà, hay "thuốc gia truyền" hoàn toàn không có tác dụng trung hòa nọc độc. Việc áp dụng các phương pháp này còn làm mất thời gian quý báu để bệnh nhân được điều trị đúng cách tại cơ sở y tế.
Thực tế, Trung tâm Chống độc từng ghi nhận trường hợp tử vong là con của một thầy lang nổi tiếng chuyên chữa rắn độc cắn tại một làng nuôi rắn ở Hà Nội. Người này bị rắn hổ mang chúa cắn nhưng không đến viện, gia đình tự điều trị bằng thuốc y học cổ truyền tại nhà.
TS Nguyên giải thích thêm có những trường hợp rắn độc cắn nhưng không bơm nọc hoặc bơm rất ít, không đủ gây độc. Trong chuyên môn, đây gọi là "vết cắn khô". Bệnh nhân sẽ không có biểu hiện nhiễm độc và không gặp nguy hiểm. Tỷ lệ vết cắn khô khi bị rắn hổ mang cắn lên đến 30%. Trung tâm Chống độc cũng đã ghi nhận các trường hợp vết cắn khô với các loài rắn độc khác, kể cả rắn cạp nia – loài rắn cực độc.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 70 loài rắn độc, nhưng số loài không độc lên đến hàng trăm. Các trường hợp bị rắn không độc cắn cũng khá phổ biến. Do đó, khi bệnh nhân bị "vết cắn khô" hoặc rắn không độc cắn và được thầy lang chữa trị mà không có triệu chứng nhiễm độc, người dân dễ lầm tưởng rằng phương pháp đó hiệu quả. Tuy nhiên, việc trông chờ vào "vết cắn khô" hoặc rắn không độc là cực kỳ rủi ro, nhiều khi phải trả giá bằng cả mạng sống.
Ngày nay, việc chẩn đoán và điều trị rắn độc cắn tại các bệnh viện đã được cải thiện đáng kể. Các bác sĩ không chỉ có thể cấp cứu cứu sống bệnh nhân mà còn phối hợp hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia chống độc tuyến trên, cùng với chuyên gia về rắn để nhận dạng chính xác loài rắn gây tai nạn. Việt Nam cũng đã có thuốc giải độc cho các loài rắn phổ biến và phác đồ điều trị hiệu quả.
"Dù vậy, khuyến cáo hàng đầu cho các trường hợp bị rắn cắn vẫn là đưa nạn nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt", bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.
Trước một ca nghi ngờ bị rắn độc cắn, người dân cần giữ bình tĩnh và hạn chế vận động vùng bị cắn. Nếu bị các loài rắn gây liệt cắn (như cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, một số loài hổ mang, rắn biển, rắn lục núi, rắn lục đầu bạc), hãy băng ép toàn bộ chi bị cắn bằng băng, sau đó cố định bằng nẹp tương tự như cố định gãy xương để hạn chế và làm chậm nọc độc vào cơ thể.
Biện pháp đơn giản hơn là dùng vật liệu sẵn có (khăn, dây lưng, ưu tiên băng hoặc dây mềm bản to) buộc ép phía trên vết cắn. Hoặc có thể dùng biện pháp garo tĩnh mạch: dùng dây buộc phía trên vết cắn để ngăn cản tuần hoàn tĩnh mạch, nhưng vẫn phải sờ thấy mạch đập ở đoạn trước garo.
Trường hợp vết cắn ở thân mình, đầu hoặc cổ, người cấp cứu cần dùng một miếng giấy, bìa hoặc vải dày gấp thành miếng có kích thước 4-5 cm, ấn trực tiếp và liên tục lên vết cắn.
Sau đó, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất bằng phương tiện vận chuyển hoặc cõng. Khi di chuyển, giữ vùng bị cắn thấp hơn vị trí tim. Tuyệt đối không mất thời gian tìm kiếm các biện pháp xử lý khác, thầy lang, lá thuốc hay chờ đợi xem chúng có tác dụng không.
Không rạch vết cắn, không đắp bất kỳ loại lá hay thuốc nào lên vết thương. Nếu bệnh nhân bị liệt, khó thở trước khi đến được bệnh viện, hãy cấp cứu và hỗ trợ hô hấp ngay tại chỗ, tùy theo điều kiện sẵn có.
Lê Nga