Nợ quá hạn thẻ tín dụng, cần bao lâu để xoá thông tin trên CIC?

Không thể phủ nhận những tiện ích do thẻ tín dụng mang lại, nhưng nếu không sử dụng đúng cách, khoản nợ có thể bị đưa vào nợ xấu. Thông tin lưu trên CIC có thể khiến người dùng gặp khó với những khoản vay tiếp theo.
Thẻ tín dụng ngày càng trở thành phương tiện thanh toán thiết yếu, đặc biệt với giới trẻ có thu nhập trung bình khá trở lên. Tuy nhiên, người dùng cần biết đến một số lưu ý quan trọng khi dùng thẻ tín dụng để tránh phải trả lãi suất cao, thậm chí rơi vào nợ xấu.
Theo quy định tại Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN, nợ được phân loại thành 5 nhóm gồm:
Nợ nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn - khoản nợ vẫn trong hạn thanh toán hoặc quá hạn dưới 10 ngày);
Nợ nhóm 2 (Nợ cần chú ý - khoản nợ quá hạn từ 10 đến dưới 30 ngày);
Nợ nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn - khoản nợ quá hạn từ 30 đến dưới 90 ngày);
Nợ nhóm 4 (Nợ nghi ngờ - khoản nợ quá hạn từ 90 đến dưới 180 ngày);
Nợ nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn - khoản nợ quá hạn trên 180 ngày).
Trong đó, nợ xấu là nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5. Thông tin về nợ xấu sẽ được cập nhật, lưu giữ và bảo mật để khai thác, sử dụng trên hệ thống của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC).
Các tổ chức tín dụng được cấp quyền truy cập vào hệ thống CIC để tra cứu về lịch sử tín dụng của khách hàng.
Việc trả chậm thẻ tín dụng hay nợ quá hạn là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến nợ xấu của khách hàng cá nhân. Nếu không thanh toán đầy đủ gốc và lãi khi đến hạn, người dùng sẽ bị áp dụng các khoản phí phạt và lãi suất cao. Từ đó, tổng chi phí phải trả sẽ ngày càng lớn.
Việc bị xếp vào nhóm nợ xấu không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến điểm tín dụng trên hệ thống CIC mà còn làm giảm đáng kể khả năng vay vốn sau này.
Về thời gian lưu trữ thông tin lịch sử nợ xấu, thông tin lịch sử nợ nhóm 2 sẽ xuất hiện trong vòng 12 tháng. Lịch sử nợ xấu về dư nợ cho vay được lưu trữ trong vòng 5 năm gần nhất. Đối với nợ xấu từ thẻ tín dụng, thông tin sẽ được lưu trữ và hiển thị trong vòng 3 năm gần nhất.
Hiện không có bất kỳ tổ chức, cá nhân nào có thể xóa được thông tin nợ xấu trước thời hạn trên hệ thống CIC. Do đó, khách hàng một khi đã “dính” nợ xấu, ngoài việc cần thanh toán khoản nợ cả gốc và lãi, cần cảnh giác trước những lời mời chào "xóa nợ xấu CIC" bởi rất có thể đó là cái bẫy do các đối tượng lừa đảo đưa ra.
Để kiểm tra tình trạng nợ xấu trên CIC, khách hàng có thể tự mình hoặc liên hệ trực tiếp đến ngân hàng để kiểm tra tình trạng nợ của mình.
Nếu sau khi kiểm tra tình trạng nợ xấu CIC cho kết quả sai sót, theo Điều 18 Thông tư 03/2013/TT-NHNN, khách hàng có thể gửi yêu cầu khiếu nại đến CIC hoặc tổ chức tín dụng để kiểm tra, điều chỉnh lại thông tin.
Lưu ý khi dùng thẻ tín dụng: Khi sử dụng thẻ tín dụng để chi tiêu, ngân hàng sẽ yêu cầu chủ thẻ thanh toán toàn bộ số tiền đã sử dụng hoặc một phần tối thiểu được quy định. Khoản thanh toán tối thiểu thường vào khoảng 3-6% tổng dư nợ, tùy theo chính sách từng ngân hàng. Nếu chỉ trả số tiền tối thiểu, phần dư nợ chưa thanh toán sẽ bị tính lãi suất rất cao, thường dao động từ 20-40%/năm. Do vậy, việc chỉ thanh toán tối thiểu thẻ tín dụng không phải là giải pháp tài chính tối ưu, bởi nó có nhiều rủi ro như chi phí lãi suất cao. Nếu liên tục chỉ thanh toán tối thiểu mà không có kế hoạch trả nợ hợp lý, người vay có thể rơi vào nhóm nợ xấu khi không còn khả năng thanh toán. |