Nhảy đến nội dung
 

Những tên gọi phường mới ở Bình Thạnh: Bình Quới, Gia Định..., có từ khi nào?

Quận Bình Thạnh đề xuất 5 tên phường mới sau sáp nhập là: Bình Thạnh, Bình Quới, Thạnh Mỹ Tây, Gia Định, Bình Lợi Trung. Tên gọi của 5 phường khiến nhiều người tìm hiểu nguồn gốc, cách đặt tên.

Theo đề án trình Sở Nội vụ TP.HCM, UBND Q.Bình Thạnh đề xuất phương án sắp xếp 15 phường còn 5 phường và đặt tên phường mới sau sáp nhập là: Bình Thạnh, Bình Quới, Thạnh Mỹ Tây, Gia Định, Bình Lợi Trung.

Trong đó, Gia Định và Bình Quới là 2 tên gọi khá quen thuộc, gần gũi. 

Ngày nay, trên địa bàn Q.Bình Thạnh có trường THPT Gia Định ở đường Võ Oanh (P.25); cổng thành Gia Định nằm ngay giao lộ Phan Đăng Lưu – Lê Văn Duyệt; gần đó còn có Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Bình Quới là tên con đường dài nhất ở bán đảo Thanh Đa, nối với đường Xô Viết Nghệ Tĩnh qua cầu Kinh Thanh Đa. Trên đường Bình Quới có khu du lịch Bình Quới 1, 2 thuộc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn.

Như vậy, tên gọi Gia Định, Bình Quới khá quen thuộc với cư dân Bình Thạnh hay người dân TP.HCM. Còn Bình Lợi Trung , Thạnh Mỹ Tây từ đâu mà có? 

Những tên gọi này có từ khi nào?

Bình Thạnh là ghép của Bình Hòa và Thạnh Mỹ Tây

Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đình Tư cho biết, năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam lập phủ Gia Định và đặt tên gọi cho một số địa danh. Khi đó, số lượng địa danh rất ít vì mới khai hoang, dân vào chưa đông, cả vùng Sài Gòn – Gia Định này đặt chung là phủ Gia Định. Tên các địa danh đều có ý nghĩa gửi gắm mong ước của người dân về vùng đất ấy.

"Gia là mở rộng, định là định cư. Gia Định tức chỉ vùng đất người dân miền Trung, miền Bắc mở rộng vào sinh sống, định cư an ổn, vững vàng", cụ Tư phân tích.

Địa danh Bình Hòa tức là mong muốn người dân ở đó sống yên bình, hòa hợp với nhau. Vùng đất này xưa còn hoang hóa, khỉ ho cò gáy, nhiều loài vật như: voi, trâu rừng, cọp… Trong khi đó, Nam bộ là người tứ chiến đến sinh sống, không cùng họ hàng, láng giềng. sinh sống, bởi vậy cần đoàn kết, giúp đỡ nhau. Nhắc đến tên xã là nhớ đến trách nhiệm của mình, không gây chia rẽ, không đặt điều.

Xã Bình Hòa thời Nguyễn Hữu Cảnh mới vào đặt tên rộng từ Phú Nhuận ra đến giáp sông Sài Gòn ngày nay. Ngày đó, các sông rạch xung quanh xã Bình Hòa như rạch Lăng, rạch Cầu Bông rất lớn, rộng đủ để ghe thuyền vào buôn bán, xã trở thành trung tâm thương mại lớn của vùng Gia Định chứ không hẹp như ngày nay.

Năm 1862, thực dân Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Đông. Đến năm 1867, sau khi chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây, chính quyền thực dân chia lại ranh giới hành chính và thay đổi địa danh. Ba tỉnh miền Đông được chia thành 16 hạt, trong đó phần đất quận Bình Thạnh ngày nay gồm các làng Bình Quới Tây, Thạnh Đa, Phú Mỹ, Bình Hòa, Thới Hòa thuộc các tổng Bình Trị Thượng và Bình Trị Hạ - huyện Bình Dương - hạt Sài Gòn.

Năm 1872, hạt Sài Gòn có 3 huyện, 16 tổng với 218 làng. Địa bàn Bình Thạnh thuộc tổng Bình Trị Thượng với 4 làng Bình Hòa, Bình Lợi Trung, Bình Quới Tây, Thạnh Đa.

Còn Thạnh Mỹ Tây, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, Thạnh là phồn thịnh, Mỹ là tốt đẹp, đặt tên Thạnh Mỹ là mong vùng đất đó được phồn thịnh và tốt đẹp. Ban đầu, Thạnh Mỹ là địa danh có diện tích rộng lớn, cả hai bên bờ sông Sài Gòn. Sau này, khai phá nhiều hơn, đất đai rộng hơn nên chia Thạnh Mỹ thành Thạnh Mỹ Lợi (thuộc TP.Thủ Đức ngày nay), bên này nằm ở phía tây nên gọi Thạnh Mỹ Tây.

Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, năm 1815, địa bàn Bình Thạnh ngày nay đã có tên các thôn: Phú Mỹ, Bình Quới, Thạnh Đa, Bình Hòa và Thới Hòa.

Theo tài liệu của UBND Q.Bình Thạnh, sau nhiều lần thay đổi, năm 1940, chính quyền thuộc địa Nam Kỳ lập ra cấp quận (gần như phủ huyện xưa). Tỉnh Gia Định được chia ra làm 4 quận là: Hóc Môn, Gò Vấp, Thủ Đức và Nhà Bè, với 16 tổng và 80 xã. Tổng Bình Trị Thượng thuộc quận Gò Vấp với 8 xã trong đó vùng đất 2 xã Bình Hòa và Thạnh Mỹ Tây chính là vùng đất Bình Thạnh ngày nay. Như vậy xã Bình Hòa trước đây vẫn được giữ lại tên gọi và địa bàn, còn Thạnh Mỹ Tây là do các xã Thạnh Đa, Phú Mỹ, Phú An và Bình Quới Tây nhập thành một xã lấy tên mới.

Một vài tài liệu cho rằng, năm 1929 xã Thạnh Đa nhập với 2 xã Phú Mỹ và Phú An thành Thạnh Mỹ An. Đến năm 1934, Thạnh Mỹ An lại nhập với Bình Quới Tây thành xã Thạnh Mỹ Tây; hoặc xã Thạnh Mỹ Tây là do 3 xã Thạnh Đa, Bình Lợi Trung và Bình Quới Tây sáp nhập lại.

Nói thêm về Bình Quới, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho biết, đây là tên thôn của tổng Bình Trị, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, trấn Phiên An năm 1820, bao gồm cả bên kia sông thuộc địa phận TP.Thủ Đức. Sau tách ra thành Bình Quới Tây và Bình Quới Đông.

Sau nhiều lần thay đổi các đơn vị hành chính tiếp theo, năm 1959, địa bàn Bình Thạnh lúc đó vẫn thuộc quận Gò Vấp với 2 xã Bình Hòa và Thạnh Mỹ Tây. Năm 1975, 2 xã này đổi thành 2 quận. Năm 1976, hai quận Bình Hòa và Thạnh Mỹ Tây nhập lại làm một lấy tên là quận Bình Thạnh cho đến ngày nay.

Như vậy, có thể thấy Gia Định, Thạnh Mỹ Tây, Bình Lợi Trung, Bình Quới... đều là những tên làng từ ngày xưa gắn liền với vùng đất này.

Những điều thú vị về cư dân Bình Thạnh xưa

Theo UBND Q.Bình Thạnh, chưa tìm thấy tư liệu nào cho biết cụ thể từ lúc nào cư dân Việt đến lập nghiệp ở địa bàn TP.HCM cũng như địa bàn Bình Thạnh. Nhưng các sử liệu, hầu hết các nhà nghiên cứu khẳng định từ đầu thế kỷ 17 lưu dân Việt đã có mặt ở vùng đất này khá đông trước khi Nguyễn Hữu Cảnh thừa lệnh chúa Nguyễn vào Nam lập nền hành chính đầu tiên (1698).

Nói như nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đình Tư, đây là hình thức "cư dân đi trước, nhà nước theo sau". Lưu dân người Việt vào Đồng Nai, Gia Định lập nghiệp trong buổi đầu đi dọc theo đường biển, đầu tiên là đổ bộ lên vùng đất Mô Xoài (Bà Rịa ngày nay) khai hoang, lập ấp, xây dựng cơ nghiệp, cùng sống với cư dân bản địa ở đây.

Lâu dần người đông đất hẹp, họ đi lần lên vùng Đồng Nai, rồi vào Gia Định. Vùng đất màu mỡ nằm dọc hai bên bờ sông Tân Bình (sông Sài Gòn ngày nay), trong đó vùng đất Bình Thạnh ngày nay với phần tiếp giáp sông Sài Gòn cũng là một trong những địa điểm đầu tiên mà lưu dân chọn để dừng chân.

Sau khi lập phủ Gia Định, chúa Nguyễn đẩy mạnh công cuộc khai phá vùng đất phía Nam. Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đình Tư nói thêm, năm 1679, chúa Nguyễn cho 2 nhóm di thần nhà Minh vào định cư ở Biên Hòa và Mỹ Tho đánh dấu sự hiện diện của bộ phận người Hoa ở vùng đất Nam bộ. Người Hoa rất giỏi buôn bán nên vùng đất giao thông thuận tiện ven sông rạch thu hút lớn người Hoa chọn làm nơi lập nghiệp. Từ đây, các chợ được hình thành và cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 như: chợ Thị Nghè, chợ Bà Chiểu, chợ Bình Hòa… Có chợ, cư dân đến ở ngày càng đông.

Thời thực dân Pháp có thêm cư dân người Khmer, Chăm ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ, rời bỏ quê đến vùng đất Bình Thạnh ngày nay dừng chân tìm kế sinh nhai. Ngoài ra, nơi này còn có thêm nhóm người từ miền Bắc bỏ làng ra đi khi nạn mất mùa đói kém xảy ra (1943 – 1945), những người yêu nước từ nhiều địa phương khác đến để cùng chiến đấu với nhân dân Bình Hòa - Thạnh Mỹ Tây trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Đặc biệt là đợt di cư rầm rộ vào cuối năm 1954 theo mưu đồ chính trị của chính quyền Ngô Đình Diệm đã đưa đến vùng đất Bình Hòa - Thạnh Mỹ Tây một bộ phận đông đảo giáo dân từ miền Bắc. Cộng thêm người nghèo không chịu nổi cuộc sống đắt đỏ ở Sài Gòn cũng ra Bình Hòa - Thạnh Mỹ Tây tìm kế sinh nhai và định cư.

Quá trình đô thị hóa, cụm dân cư phố chợ Bà Chiểu và Thị Nghè nối liền với nhau, giao thông thuận tiện. Những cánh đồng ruộng mênh mông, sình lầy, ngập nước dần được lấp đi để làm nơi cư trú hoặc ruộng vườn. Những quần cư mới dọc theo các trục giao thông được thành hình như: Xóm Gà, Cầu Sơn… Vùng Bình Hòa - Thạnh Mỹ Tây ngày càng thêm đông người và trở thành vùng ngoại ô quan trọng, nối liền giữa nội đô với các địa phương miệt Gò Vấp, Hóc Môn, Thủ Đức...

Vào năm 1748, con đường Thiên Lý ra phía Bắc được khai mở nối lỵ sở Gia Định với các tỉnh phía Bắc - đường Xô Viết Nghệ Tĩnh ngày nay. Đây là con đường được mở sớm nhất trong hệ thống đường liên tỉnh của Nam bộ, là con đường huyết mạch trong giao thông, nối liền Gia Định với vùng Đông Nam bộ, Trung bộ và kinh đô Phú Xuân.

Năm 1896, tuyến đường sắt nối Sài Gòn, Gia Định và Gò Vấp được khởi công xây dựng. Năm 1897, kênh Thanh Đa được khởi đào, thu ngắn được 12 km tuyến đường thủy trên sông Sài Gòn. Kênh biến bán đảo Thanh Đa thành một cù lao có 4 mặt giáp với sông

Năm 1902, cầu Bình Lợi bắc qua sông Sài Gòn được xây dựng. Năm 1903, đường tàu điện Sài Gòn - Gò Vấp, Gò Vấp - Hóc Môn, Sài Gòn - Chợ Lớn được xây dựng... Giao thông giữa Bình Hòa - Thạnh Mỹ Tây với các vùng dân cư khác và trung tâm Sài Gòn ngày càng thuận lợi.

Bấy giờ từ Sài Gòn đi Bà Chiểu có thể qua các ngõ cầu Kiệu, cầu Bông hay cầu Thị Nghè. Những người buôn bán nhỏ từ Hóc Môn, Gò Vấp đến vùng Bà Chiểu, Thị Nghè và những công nhân viên chức sống tại Bình Hòa nhưng làm việc tại các công sở, hãng xưởng ở Sài Gòn đã có điều kiện di chuyển dễ dàng hơn.