Nhảy đến nội dung
 

Những người trẻ làm thương hiệu cho sản vật quê nhà

Giữa dòng chảy đô thị hóa, ngày càng nhiều bạn trẻ ở Bình Định lựa chọn trở về quê hương lập nghiệp. Từ đặc sản bản địa đến cảnh quan thiên nhiên, họ biết tranh thủ những lợi thế sẵn có, phát triển kinh tế gắn với bảo tồn, mang lại sinh kế bền vững cho cộng đồng.

Đưa bánh ít lá gai Hoàng Đông vươn xa

Từ món quà quê gắn liền với ký ức tuổi thơ, chị Hồ Thị Mỹ Phúc (35 tuổi, xã Tây Bình, H.Tây Sơn) đã đưa bánh ít lá gai Hoàng Đông vươn xa, trở thành sản phẩm được nhiều người biết đến trong và ngoài tỉnh nhờ áp dụng chuyển đổi số.

Năm 2019, sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đến năm 2023, chị đầu tư dây chuyền hiện đại, giúp bánh giữ được độ tươi lâu hơn, dễ vận chuyển đến các tỉnh, thành. Chị còn tích cực livestream trên mạng xã hội để quảng bá sản phẩm. Những video chia sẻ quy trình làm bánh thủ công của chị thu hút hàng ngàn lượt xem, qua đó lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống của quê hương.

Cùng chung tinh thần hướng về quê hương, dược sĩ Đặng Thị Cẩm Lai (33 tuổi, xã Ân Hảo Đông, H.Hoài Ân) đã sáng lập công ty chuyên sản xuất trà từ nụ hoa hòe, sau đó phát triển thêm các sản phẩm như: dầu mè đen, dầu đậu phụng... Nhiều sản phẩm chủ lực của công ty đã đạt chuẩn OCOP 3 và 4 sao, thậm chí xuất khẩu sang các thị trường như: Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Mỹ...

Chị Lai còn chủ động liên kết với người dân địa phương xây dựng vùng nguyên liệu rộng hơn 8 ha, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Những tour du lịch xanh độc đáo

Tại xã Nhơn Hải (TP.Quy Nhơn), anh Nguyễn Văn Sáng (37 tuổi) chọn phát triển du lịch gắn với bảo tồn biển. Từ nghề nuôi hải sản, anh mở thêm bè nổi phục vụ khách, tạo việc làm cho khoảng 20 lao động. Anh Sáng còn tiên phong thử nghiệm mô hình nuôi hải sâm, loài sinh vật có giá trị kinh tế cao và giúp làm sạch đáy biển.

Còn anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng (40 tuổi), người từng tích cực tham gia bảo vệ rạn san hô tại Hòn Khô khi còn là Bí thư Chi đoàn thôn, hiện là thành viên Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải. Anh cùng cộng sự đang vận hành các dịch vụ du lịch biển độc đáo như: lặn biển bằng khí tài, đi bộ dưới biển, chèo SUP... với phương châm "du lịch không xâm hại san hô".

Tốt nghiệp ngành du lịch và từng làm việc ở nước ngoài, năm 2017, anh Nguyễn Hữu Đảo (37 tuổi, xã Nhơn Lý, TP.Quy Nhơn) quyết định trở về khởi nghiệp tại quê nhà. Từ vài chiếc ca nô và quán ăn nhỏ, anh thành lập công ty du lịch cộng đồng, tạo việc làm cho hơn 40 lao động địa phương.

Không chỉ đơn thuần đưa du khách tắm biển, thưởng thức hải sản, các tour du lịch xanh do anh Đảo khởi xướng còn mở ra chuỗi trải nghiệm đầy ý nghĩa, gắn liền với ý thức bảo vệ môi trường: lặn ngắm san hô mà không chạm vào chúng, trồng lại những khu vực rạn san hô đang suy thoái, nhặt rác đổi lấy quà lưu niệm ý nghĩa, tự tay làm đồ thủ công từ vỏ ốc, vỏ sò…

Anh Đảo tâm sự: "Làm du lịch mà phá san hô hay xả rác thì chẳng khác nào tự làm hại mình. Là người con của biển, tôi luôn nghĩ phải giữ lấy "phổi xanh" dưới đáy đại dương".

Kết nối người trẻ cùng phát triển bền vững

Sau khi nhận bằng cử nhân tại Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM, anh Nguyễn Văn Xong (33 tuổi, Bí thư Chi đoàn khu phố Lâm Trúc 2, P.Hoài Thanh, TX.Hoài Nhơn) quyết định trở về quê lập nghiệp.

Bắt đầu từ việc cải tạo hồ sen hoang hóa rộng hơn 10 ha, chỉ sau 3 năm, anh đã biến nơi đây thành đầm sen bạt ngàn sắc hồng, mỗi năm cho sản lượng hơn 7 tấn hạt sen tươi.

Năm 2020, anh Xong thành lập cơ sở sản xuất sen và nông sản xanh Năm Xong, chuyên chế biến các sản phẩm từ sen như: bột sen, trà sen, hạt sen rang... Nhiều sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP 3 sao, được phân phối rộng rãi trong và ngoài tỉnh.

Không dừng lại ở đó, anh còn xây dựng nhà hàng nổi trên hồ, phục vụ thực khách các món ăn đặc sắc từ sen, đồng thời tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương. Với vai trò Chủ nhiệm câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế TX.Hoài Nhơn, anh Xong tiếp tục kết nối, hỗ trợ các bạn trẻ cùng khởi nghiệp, biến những ước mơ xanh thành hiện thực ngay trên chính mảnh đất quê nhà.