Những người nên thận trọng khi dùng mật ong - Báo VnExpress

Bác sĩ Trần Thị Trà Phương, khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết với hàm lượng lớn vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, mật ong cung cấp năng lượng tự nhiên, cải thiện giấc ngủ, giảm cholesterol xấu, giảm ho và đau họng, làm lành vết thương, đẹp da, tóc... Tuy nhiên một số trường hợp sử dụng mật ong có thể gây tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trẻ em dưới một tuổi
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến cáo không nên sử dụng mật ong cho trẻ dưới 12 tháng tuổi dù chỉ một lượng nhỏ. Do mật ong thường được lưu trữ lâu ngày trong chai lọ đậy kín. Nếu quá trình chiết mật và đóng chai bảo quản không đảm bảo vệ sinh có thể lẫn các bào tử vi khuẩn Clostridium botulinum gây ngộ độc nghiêm trọng.
Hệ tiêu hóa của trẻ ở giai đoạn này chưa phát triển hoàn thiện, chưa đủ khả năng tiêu diệt các bào tử này. Khi xâm nhập vào hệ tiêu hóa của trẻ, những bào tử Clostridium botulinum sẽ trở thành vi khuẩn, cư trú trong ruột và giải phóng độc tố, gây ngộ độc, suy hô hấp, liệt cơ, khiến trẻ có thể tử vong.
Người bệnh tiểu đường
Theo Cơ sở dữ liệu dinh dưỡng quốc gia của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), 21 g mật ong (khoảng 1 thìa canh) chứa 64 kcal, 17,3 g đường chủ yếu là fructose, glucose, trong khi không có chất xơ, chất béo và protein. Người bị tiểu đường dùng quá nhiều mật ong có thể ảnh hưởng đến kiểm soát lượng đường trong máu.
Lượng đường trong mật ong có thể thay đổi tùy thuộc vào loại hoa mà ong lấy mật. Do đó, để giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng do tăng đường huyết đột ngột, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng loại thực phẩm này.
Người có tiền sử dị ứng
Người có tiền sử dị ứng với phấn hoa, propolis (keo ong) hoặc từng có phản ứng mạnh với vết ong đốt dùng mật ong có thể kích thích phản ứng dị ứng. Lúc này hệ miễn dịch giải phóng một lượng lớn histamin, gây ra triệu chứng có thể nhẹ như ngứa, sưng môi, lưỡi, mặt, nổi mày đay nhưng cũng có thể nghiêm trọng như khó thở, sốc phản vệ.
Mọi người cần thử một lượng nhỏ mật ong, theo dõi phản ứng của cơ thể trước khi sử dụng thường xuyên để đảm bảo an toàn. Người có cơ địa dị ứng với mật ong cần tránh sử dụng hoàn toàn. Khi mua các loại thực phẩm khác, hãy đọc kỹ nhãn thành phần để đảm bảo không chọn loại có chứa mật ong.
Huyết áp thấp
Mật ong nhiều kali có tác dụng làm giãn mạch máu, giảm huyết áp nhẹ. Người bệnh huyết áp thấp nên cân nhắc sử dụng mật ong thường xuyên, nhất là khi đang sử dụng thuốc điều trị huyết áp.
Mắc hội chứng ruột kích thích
Mật ong với hàm lượng đường fructose cao có tác dụng nhuận tràng, tăng nhu động ruột. Nếu dùng nhiều có thể làm trầm trọng thêm vấn đề tiêu hóa như đầy hơi, tiêu chảy, chướng bụng ở một số người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS)...
Người bệnh gan
Gan là cơ quan chịu trách nhiệm chuyển hóa đường, trong khi mật ong chứa lượng đường cao. Nếu sử dụng không kiểm soát, gan phải làm việc nhiều hơn để xử lý lượng đường lớn nên dễ bị quá tải, nhất là những người bị tổn thương gan. Nạp nhiều đường cũng dẫn đến tích tụ chất béo trong gan, không có lợi cho người mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Béo phì hoặc đang giảm cân
Dù là lựa chọn tốt hơn đường tinh luyện cho người thừa cân, béo phì nhưng mật ong có hàm lượng đường và calo cao. Nạp quá nhiều calo trong đó có mật ông khiến cơ thể chuyển hóa lượng đường dư thừa thành mỡ, gây tăng cân, giảm hiệu quả giảm cân. Trong khi đó, vị ngọt của mật ong có thể kích thích vị giác khiến người dùng muốn ăn nhiều hơn. Người đang trong quá trình kiểm soát cân nặng nên tính toán kỹ lượng mật ong đưa vào chế độ ăn hàng ngày.
Người mới trải qua phẫu thuật
Mật ong có thể làm chậm quá trình đông máu. Vì vậy, người mới trải qua phẫu thuật nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Đang sử dụng một số loại thuốc tây
Mật ong nguyên chất có khả năng tương tác với một số loại thuốc như thuốc chống đông máu, thuốc điều trị động kinh chứa phenytoin, thuốc kháng sinh, điều trị tim mạch, hạ đường huyết... làm thay đổi hiệu quả của thuốc hoặc tăng các tác dụng phụ. Người bệnh đang dùng thuốc tây nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Bác sĩ Trà Phương lưu ý ngay cả người khỏe mạnh cũng nên dùng mật ong điều độ. Mỗi người trưởng thành không nên tiêu thụ quá 10% tổng lượng calo từ đường bổ sung hoặc đường tự nhiên, bao gồm mật ong, nước ép trái cây và siro.
Người dùng nên lựa chọn sử dụng mật ong nguyên chất, tránh pha mật ong với nước sôi do có thể làm mất dưỡng chất và enzym có lợi. Không nên uống mật ong với sản phẩm từ đậu (sữa đậu nành, sữa đậu xanh) do các khoáng chất, axit hữu cơ và protein thực vật trong đậu kết hợp với các enzyme trong mật ong tạo ra phản ứng sinh hóa học không tốt cho sức khỏe. Thực phẩm này cũng không thích hợp dùng chung với hải sản do có thể kích ứng đường ruột, tiêu chảy, ngộ độc.
Trịnh Mai
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |