Những ngôi nhà Nhân ái mang dấu ấn Dân trí và triệu tấm lòng bạn đọc

(Dân trí) - Những mái nhà được dựng nên từ tấm lòng nhân ái của bạn đọc Dân trí không chỉ giúp các hoàn cảnh khó khăn có nơi trú ngụ, mà còn là điểm tựa để họ vượt lên nghịch cảnh, hồi sinh cuộc đời.
Mỗi ngôi nhà khang trang được trao đi là một câu chuyện đời được viết lại, đang từng ngày thắp sáng hy vọng và lan tỏa yêu thương đến khắp mọi miền đất nước.
Những mái nhà Nhân ái, nơi ươm mầm hy vọng và hồi sinh cuộc đời
Không chỉ nơi rẻo cao heo hút, mà ngay giữa lòng Hà Nội phồn hoa, vẫn có những phận đời lặng lẽ tồn tại trong những căn nhà xập xệ, mục nát, như vết lặng giữa đô thị ồn ào.
Bà Nguyễn Thị Bính (SN 1956, trú tại thôn 6, xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất (cũ), Hà Nội) và ông Đặng Văn Bính (SN 1956, trú tại xóm Mới, thôn Thanh Mạc, xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ (cũ), Hà Nội) đều là người khiếm thị. Ở tuổi xế chiều, họ sống trong những ngôi nhà tạm dựng bằng gỗ mục, đã xuống cấp nghiêm trọng.
Mỗi khi trời mưa là nhà dột tứ phía, giường ướt, nệm ướt. Mỗi mùa đông về, họ chỉ biết co ro quấn mình trong mảnh chăn mỏng cũ kỹ. Cuộc sống của họ như bị lãng quên giữa lòng đô thị đang phát triển.
Khi câu chuyện về 2 mảnh đời ấy được đăng tải trên báo Dân trí, một làn sóng yêu thương đã lan tỏa. Chỉ sau thời gian ngắn, 2 ngôi nhà Nhân ái khang trang, sạch đẹp đã được xây dựng, trao tận tay những người khiếm thị già yếu, cô độc.
Ngày khánh thành nhà, ông Bính nghẹn ngào nói từng lời ngắt quãng: “Tôi sống cả đời trong bóng tối, không ngờ lại có ngày được bước vào một ngôi nhà vững chãi, sạch sẽ thế này. Cảm ơn báo Dân trí, mọi người đã nhìn thấy một người như tôi. Dù tôi không nhìn thấy nhưng lòng được thắp ánh sáng yêu thương từ khắp nơi”.
Những ngôi nhà ấy không chỉ che nắng mưa, mà còn sưởi ấm tâm hồn họ bằng niềm tin, rằng mình không bị bỏ rơi.
Ở thôn Dọc Đình, xã Biên Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang (cũ), 2 chị em bà Vi Thị Gióng và Vi Thị Chinh sống âm thầm trong ngôi nhà tường đất xiêu vẹo. Ngôi nhà ấy không cửa, không giường; mưa xuống thì úng lụt, trời lạnh thì rét cắt da thịt. Bao nhiêu năm qua, 2 người phụ nữ nghèo nương tựa vào nhau, sống qua ngày bằng củ khoai, rau dại, bữa cơm có thịt là điều xa xỉ.
Không con cái, không người thân bên cạnh, thứ duy nhất họ có là tình chị em và niềm hy vọng mỏng manh. Khi bài viết về hoàn cảnh chị em bà Gióng được đăng tải trên báo Dân trí, phép màu đã xuất hiện.
Ngôi nhà Nhân ái khang trang được xây nên từ những tấm lòng của bạn đọc khắp nơi gửi về. Ngày khánh thành nhà, 2 chị em nghẹn ngào: “Chưa bao giờ chúng tôi được sống trong căn nhà thật sự. Bây giờ có rồi, chỉ mong sống thêm vài năm nữa để tận hưởng”.
Ngôi nhà mới là niềm hạnh phúc tưởng như không có thật trong phần đời còn lại của họ. Một mái nhà vững chãi mang đến sự an yên cho 2 người phụ nữ đã trải qua quá nhiều chật vật, thiệt thòi.
Sự yêu thương và chung tay của bạn đọc Dân trí cũng đã thắp lên niềm hy vọng cho một người mẹ đơn thân mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo. Đó là chị Đinh Thị Thơm (46 tuổi, trú tại xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập (cũ), tỉnh Phú Thọ) một mình nuôi con gái nhỏ trong cảnh nghèo khó, bệnh tật.
Mắc ung thư vú giai đoạn cuối đã di căn phổi, chị Thơm phải đối mặt với những cơn đau triền miên và chi phí điều trị vượt quá sức tưởng tượng. Thế nhưng, điều khiến chị đau đáu không phải là bệnh tật, mà là tương lai của đứa con gái bé bỏng.
Ngôi nhà mẹ con chị Thơm ở khi ấy chỉ là nơi trú tạm, chắp vá bằng những vật liệu thô sơ. Mỗi đêm, người mẹ mang bệnh nặng chỉ dám nằm nghiêng cho đỡ đau, lắng nghe tiếng gió rít qua vách nứa. Không mong ước điều gì cho bản thân, chị chỉ cầu mong con gái nhỏ có mái nhà an toàn nếu một mai mẹ không còn nữa.
Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn đó, bạn đọc Dân trí đã chung tay biến ước nguyện ấy thành hiện thực. Một ngôi nhà kiên cố được hoàn thành trong thời gian ngắn kỷ lục, chỉ 2 tháng. Ngày bàn giao nhà, chị Thơm ôm con gái khóc nức nở: “Giờ tôi không còn gì phải lo nữa. Nếu mai này tôi không còn, ít nhất con gái tôi đã có nhà để ở, có nơi để sống tiếp”.
Vượt lên nghịch cảnh, viết lại số phận
Anh Nguyễn Văn Hải, thầy giáo 26 tuổi ở Quảng Bình (cũ) là niềm tự hào của bao học sinh bởi nghị lực sống phi thường và trái tim thiện lương. Anh từng hơn 10 lần hiến máu cứu người. Nhưng nghịch cảnh bất ngờ ập đến khi chính anh lại mắc ung thư máu ngay khi sự nghiệp giảng dạy mới bắt đầu.
Dù mang trọng bệnh, thầy giáo trẻ vẫn gắng gượng đứng lớp cho đến khi sức khỏe không cho phép. Gia cảnh nghèo khó, căn nhà cấp 4 dột nát, chi phí điều trị khổng lồ khiến anh rơi vào bế tắc. Giữa lúc ngặt nghèo nhất, bài viết “Thầy giáo trẻ hơn 10 lần hiến máu bất ngờ mắc ung thư máu” đăng tải trên Dân trí đã lay động hàng ngàn trái tim nhân ái.
Anh Hải được ghép tủy, điều trị thành công. Từ lằn ranh sinh tử, thầy giáo trẻ trở lại bục giảng. Ngày anh cầm phấn viết lại công thức toán học đầu tiên sau hơn 1 năm điều trị, bao giọt nước mắt đã rơi.
“Em mang ơn cuộc đời, mang ơn những người đã giúp em được sống lại và tiếp tục dạy học. Mái nhà Nhân ái không chỉ là nơi em hồi phục, mà là nơi khởi đầu cho một cuộc đời mới”, thầy giáo Hải nghẹn ngào nói.
Trung úy Nguyễn Đăng Khoa, sĩ quan thuộc Trung đoàn 93, Sư đoàn Phòng không 367, một tấm gương vượt khó điển hình, từng là nhân vật trong bài viết "Cha con tai biến, mẹ con ung thư, giờ con sống khổ lắm!", đăng trên báo Dân trí năm 2016.
Khi đó, Khoa là học sinh lớp 10, sống cùng cha bị tai biến, mẹ mắc ung thư trong ngôi nhà lụp xụp ở Sóc Trăng (cũ). Cả gia đình 3 người sống nhờ vào số tiền ít ỏi mẹ em kiếm được từ việc bán vé số.
Sau khi câu chuyện của Khoa được lan tỏa, hàng trăm bạn đọc khắp cả nước đã chung tay giúp đỡ. Số tiền hỗ trợ không chỉ giúp mẹ Khoa được chữa bệnh, mà còn tiếp sức cho cậu học trò nghèo được tiếp tục đến trường và sửa lại mái nhà dột nát. Dù mẹ qua đời một năm sau đó, nhưng Khoa luôn ghi nhớ lời trăng trối của bà: không được bỏ học.
Từ cậu học trò mồ côi mẹ, Khoa vừa học vừa làm thêm, nỗ lực không ngừng để trở thành sĩ quan quân đội.
“Dân trí bắc cầu cho em sang sông để có cuộc đời mới như bây giờ”, Khoa xúc động chia sẻ. Không chỉ là trao cơ hội, báo Dân trí cùng bạn đọc còn tiếp sức cho một số phận hồi sinh, gieo mầm lý tưởng sống tử tế và khát vọng phụng sự.
Nguyễn Thị Thắm, sinh ra ở xóm vạn chài Tân Lam, xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Tuổi thơ em gắn liền với con thuyền lênh đênh, với những ngày chèo xuồng đi học. Gia đình Thắm không có đất, không có hộ khẩu, cũng không được xếp vào diện hộ nghèo vì "không có gì để kê khai". Căn chòi tạm bợ nơi gia đình Thắm ở chỉ vừa đủ kê cái giường và chiếc bàn học cũ.
Dù lớn lên trong nghèo khó, Thắm luôn học giỏi và giàu nghị lực. Thế nhưng, khi nhận tin trúng tuyển đại học, em bật khóc: "Cháu đỗ nhưng không dám đi học, vì nhà cháu không có nổi vài triệu đồng".
Sau khi báo Dân trí đăng tải bài viết về hoàn cảnh của em, bạn đọc khắp nơi đã dang tay giúp đỡ. Không chỉ có tiền học phí và chi phí sinh hoạt, Thắm còn được hỗ trợ xây một ngôi nhà cấp 4 vững chãi trên mảnh đất được xã cấp, sau khi em có hộ khẩu. Đó là lần đầu tiên gia đình Thắm có một mái nhà thực sự.
"Mái nhà ấy là bước ngoặt cuộc đời cháu. Nếu không có nó, chắc cháu vẫn đang chèo thuyền đánh cá cùng mẹ dưới sông…", Thắm xúc động nói.
Lò Vũ Hùng, cậu học trò dân tộc Thái ở Sơn La, từng mắc ung thư hạch khi mới 15 tuổi. Gia cảnh Hùng khi ấy vô cùng khó khăn: cha mẹ làm nương thuê, 3 anh em ở trong căn lều tạm bên bìa rừng.
Tài sản đáng giá nhất trong căn lều là cái giường gỗ gãy chân phải kê tạm bằng gạch. Bệnh tật ập đến, Hùng buộc phải nghỉ học để đi viện điều trị, tưởng chừng không còn cơ hội trở lại trường.
Thế nhưng, thông qua bài viết trên báo Dân trí, câu chuyện của em đã chạm đến trái tim bạn đọc khắp nơi. Những tấm lòng hảo tâm đã gửi về hàng trăm triệu đồng, không chỉ giúp Hùng chữa bệnh mà còn giúp gia đình em xây được một ngôi nhà cấp 4 khang trang giữa bản nghèo.
Từ mái nhà yêu thương ấy, Hùng tiếp tục được đến trường, tốt nghiệp THPT với thành tích đáng khích lệ và nuôi ước mơ trở thành kỹ sư nông nghiệp để giúp bà con vùng cao.
"Con biết ơn tất cả mọi người. Mỗi lần nằm viện đau đớn, con đều nghĩ về ngôi nhà mới đang xây, nghĩ về ngày trở lại trường... Giờ con có thể sống như một người bình thường rồi ạ!", Hùng xúc động chia sẻ.
Một lần nữa, lòng nhân ái lại lên tiếng, không chỉ thắp sáng những căn phòng, những ngôi nhà mơ ước mà còn thắp sáng cuộc đời những con người từng ở bên bờ tuyệt vọng.
Mỗi mái nhà một cuộc đời
Những mái nhà Nhân ái không chỉ là những công trình bằng xi măng, gạch, đá, mà là thành quả của lòng nhân ái được kết tinh từ tình yêu thương và sự sẻ chia. Đó còn là minh chứng cho sức mạnh của sự tử tế, giúp níu giữ hy vọng, hồi sinh nghị lực và nâng đỡ những phận đời nghèo khó.
Chương trình Nhân ái của báo Dân trí đã và đang là một biểu tượng về lòng trắc ẩn, về sức mạnh đoàn kết của cộng đồng. Không chỉ dừng lại ở một bài viết, một lần giúp đỡ, mỗi ngôi nhà được dựng lên là một chương đời mới được viết tiếp, là nơi gieo mầm cho bao ước mơ.
Với sự tận tâm, minh bạch và sức lan tỏa mạnh mẽ, báo Dân trí ngày càng khẳng định vị thế là cầu nối tin cậy giữa những tấm lòng nhân ái và người cần được giúp đỡ.
Hàng triệu bạn đọc đã chọn Dân trí không chỉ để cập nhật tin tức, mà còn để đồng hành làm việc tử tế. Mỗi mái nhà được dựng lên, là thêm một lần báo Dân trí ghi dấu lòng nhân ái, viết tiếp những trang nhân văn sâu sắc trong lòng bạn đọc khắp nơi.