Những nghi vấn đằng sau thương vụ 2.000 tỉ USD từ Trung Đông của ông Trump

Sau chuyến công du ba nước vùng Vịnh, Tổng thống Trump công bố các thỏa thuận với tổng trị giá hơn 2.000 tỉ USD. Nhưng khi rà soát kỹ từng hợp đồng và cam kết, không ít con số khiến giới quan sát phải đặt câu hỏi về tính xác thực của nó.
Trở về sau chuyến công du ba quốc gia vùng Vịnh - Saudi Arabia, Qatar và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Tổng thống Trump tuyên bố đã ký kết các thỏa thuận với tổng trị giá hơn 2.000 tỉ USD, mở ra triển vọng về một làn sóng đầu tư đổ vào Mỹ và hàng triệu việc làm mới cho người dân.
Nhưng khi ánh hào quang của các nghi lễ xa hoa và những phát biểu đậm chất thương hiệu Trump dần lắng xuống, câu hỏi khiến nhiều người đặt ra nhất lúc này là: liệu các con số ấy có bao nhiêu phần trăm là sự thật?
Dấu hỏi về tính hiện thực
Tại Saudi Arabia, Thái tử Mohammed bin Salman tái khẳng định cam kết đầu tư 600 tỉ USD vào các mối quan hệ song phương với Mỹ, bao gồm các hợp đồng vũ khí, y tế, trí tuệ nhân tạo (AI) và cơ sở hạ tầng.
Ở Qatar, ông Trump công bố một "trao đổi kinh tế" giữa hai nước lên tới 1.200 tỉ USD, trong đó nổi bật là thương vụ Qatar Airways đặt mua 210 máy bay Boeing với tổng giá trị 96 tỉ USD.
Tuy nhiên trong tài liệu chính thức mà Nhà Trắng công bố sau đó, chỉ có các thỏa thuận cụ thể trị giá 243,5 tỉ USD được liệt kê rõ ràng.
Còn tại UAE, ông Trump đã ký một thỏa thuận xây dựng khuôn viên AI lớn nhất thế giới bên ngoài nước Mỹ, kèm theo cam kết đầu tư tới 1.400 tỉ USD vào kinh tế Mỹ trong thập kỷ tới.
Tuy nhiên khi xem xét kỹ, nhiều con số nêu trên tỏ ra thiếu tính xác thực. Báo cáo của Viện Các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập lưu ý rằng, trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, chính phủ Mỹ từng thông báo có các thỏa thuận trị giá 450 tỉ USD với Saudi Arabia - nhưng trên thực tế, tổng kim ngạch thương mại và đầu tư giữa hai nước từ 2017 - 2020 chỉ đạt dưới 300 tỉ USD.
Một số thỏa thuận lớn hiện tại cũng chỉ dừng lại là bản ghi nhớ - vốn không mang tính ràng buộc pháp lý và chưa chắc đã được thực hiện.
Bên cạnh đó, một số hợp đồng được liệt kê trong chuyến đi lần này đã từng được công bố từ trước đó. Ví dụ, thỏa thuận giữa Amazon và Tập đoàn viễn thông e& của UAE - được Nhà Trắng công bố là "mới" và có trị giá 181 tỉ USD - thực chất là một kế hoạch đã được Amazon công bố từ tháng 10-2024, với cam kết đầu tư trực tiếp chỉ khoảng 1 tỉ USD trong sáu năm.
Phần lớn giá trị còn lại đến từ một nghiên cứu do chính Amazon tài trợ, ước tính hiệu quả kinh tế gián tiếp của việc mở rộng sử dụng dịch vụ đám mây tại UAE, theo báo Washington Post.
Toan tính chính trị phía sau các con số
Không thể phủ nhận chuyến công du bốn ngày của ông Trump đến Trung Đông mang một ý nghĩa chính trị sâu sắc.
Về mặt hình ảnh, các nước vùng Vịnh đã cho thấy họ sẵn sàng "vung tiền" để thắt chặt quan hệ với Mỹ, trong bối cảnh khu vực đang dần chuyển mình khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ.
Với chính quyền ông Trump, đây là cơ hội "ghi điểm" giữa lúc kinh tế Mỹ đang chịu áp lực do các đợt tăng thuế và giảm tốc toàn cầu.
Những tuyên bố về "hàng ngàn tỉ USD" đầu tư được dùng để minh chứng rằng chiến lược kinh tế "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump đang mang lại kết quả cụ thể.
Tuy nhiên việc đếm cả những thỏa thuận đã ký từ trước, hoặc không có giá trị ràng buộc, khiến cho tuyên bố 2.000 tỉ USD trở nên khó kiểm chứng và dễ gây hiểu nhầm.
Bên cạnh yếu tố truyền thông, những rủi ro thực tế cũng đặt ra nghi vấn cho tính khả thi của các khoản đầu tư.
Giá dầu - nguồn thu chủ lực của các nước vùng Vịnh - đã giảm mạnh kể từ đầu năm, buộc các nước như Saudi Arabia phải xem xét lại kế hoạch chi tiêu và vay nợ, Đài BBC cho biết.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 của Saudi Arabia từ 3,3% xuống còn 3%. Trong bối cảnh đó, việc huy động hàng trăm tỉ USD để đầu tư ra nước ngoài là điều không hề đơn giản.
Đến cuối cùng, câu hỏi đặt ra là: Liệu những thỏa thuận trị giá hàng nghìn tỉ USD có thực sự mang lại giá trị bền vững cho kinh tế Mỹ, hay chỉ đơn thuần là đòn bẩy đánh bóng tên tuổi của ông Trump? Bản thân vị tổng thống dường như cũng ý thức được khả năng người kế nhiệm sẽ là người được hưởng lợi chính trị từ các thỏa thuận này.
"Rồi sẽ có người nhận công cho tất cả những điều này. Nhưng mọi người hãy nhớ rằng, tôi mới là người làm ra chuyện đó", ông chỉ tay vào bản thân mình.