Những lợi ích khiến xe điện ngày càng được ưa chuộng - Báo VnExpress

Cải thiện chất lượng không khí
Ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng tại nhiều đô thị lớn. Tại Việt Nam, dữ liệu PAMAir cho thấy nhiều khu vực trung tâm Hà Nội, TP HCM thường xuyên ghi nhận chỉ số AQI vượt ngưỡng an toàn, đặc biệt vào giờ cao điểm.
Việc phát triển xe điện góp phần cải thiện chất lượng không khí nhờ không phát thải CO2, NOXvà SO2 - ba loại khí độc hại liên quan trực tiếp đến các bệnh hô hấp và tim mạch.
Ngoài ra, theo một khảo sát của OECD thực hiện năm 2020, xe điện có thể giảm tới 30% lượng bụi mịn nhờ hệ thống phanh tái tạo. Khả năng tăng tốc mượt mà cũng góp phần hạn chế mài mòn lốp - một nguồn phát thải vi mô khó kiểm soát nhưng phổ biến tại đô thị.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, ô nhiễm không khí gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm, phần lớn tại các thành phố. Các bệnh phổ biến bao gồm đột quỵ, tim mạch, hen suyễn và ung thư phổi. Theo IEA, nếu xu hướng điện hóa tiếp tục duy trì, đến năm 2035, xe điện có thể chiếm 65% thị phần toàn cầu, giúp giảm hơn 1,5 tỷ tấn CO2 mỗi năm.
Hạn chế ô nhiễm tiếng ồn
Tại các đô thị lớn, đặc biệt ở khu vực có mật độ giao thông cao, tiếng ồn trở thành nguồn ô nhiễm phổ biến. Kết quả khảo sát của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường tại 12 đường và nút giao thông chính tại Hà Nội cho thấy, tiếng ồn trung bình vào ban ngày là 77,8-78,1 dBA, vượt tiêu chuẩn cho phép từ 7,8 đến 8,1 dBA. Ban đêm, tiếng ồn trung bình 65,3-75,7 dBA, vượt tiêu chuẩn 10-20 dBA so với mức khuyến nghị cho khu dân cư (50-70 dBA).
Nghiên cứu của TS. Wolfgang Babisch (Đức) cho thấy, tiếp xúc liên tục với tiếng ồn giao thông ở mức 70 dBA có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cảnh báo tiếng ồn đô thị kéo dài gây mất ngủ, tăng huyết áp, stress và suy giảm chất lượng sống, đặc biệt ở người cao tuổi và trẻ nhỏ.
Xe điện hoạt động gần như không phát ra tiếng động cơ ở tốc độ thấp - khác biệt rõ rệt so với xe sử dụng động cơ đốt trong. Nghiên cứu của công ty SINTEF (Na Uy) cho thấy, ở tốc độ dưới 30 km/h, xe điện phát ra tiếng ồn thấp hơn xe xăng dầu từ 4 đến 5 dB, góp phần giảm đáng kể ô nhiễm tiếng ồn tại các khu vực đô thị đông đúc.
Khuyến khích vận động
Với xe điện, thời gian sạc pin chỉ ít phút, không chỉ giúp xe có thể di chuyển thêm hàng trăm cây số mà còn là cơ hội để người lái vận động nhẹ, giúp giảm các nguy cơ sức khỏe liên quan đến ngồi lâu như đau lưng, béo phì, rối loạn chuyển hóa.
Anh Lê Hoàng (Hà Nội), chủ xe VF 5, chia sẻ: "Trước kia đi xe xăng tôi hay bị đau lưng, mệt mỏi. Dùng xe điện, mỗi lần dừng sạc, tôi tranh thủ nghỉ ngơi, đi lại nhẹ nhàng, thấy dễ chịu hơn hẳn".
Tiết kiệm chi phí
Chi phí sạc điện chỉ bằng 30-40% so với đổ xăng. Xe điện cũng không yêu cầu thay dầu máy, bugi, lọc gió hay bộ phận xả, từ đó giảm 20-30% chi phí bảo dưỡng định kỳ.
Anh Hoàng Nam (Hà Nội), sử dụng mẫu VF 8, chia sẻ: "Mỗi tháng tôi tiết kiệm vài triệu đồng nhờ cắt giảm nhiên liệu và bảo trì. Trong bối cảnh vật giá leo thang, đây là khoản hỗ trợ đáng kể".
Tác động tích cực tới cộng đồng
Xe điện không chỉ có lợi cho cá nhân mà còn góp phần cải thiện chất lượng sống cộng đồng. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS, 2023) cho thấy, mỗi 50 xe điện thay thế ôtô xăng có thể ngăn ngừa một ca tử vong sớm mỗi năm, nhờ giảm khí thải độc hại.
Bên cạnh lợi ích sức khỏe, sự phát triển của xe điện cũng thúc đẩy xu hướng quy hoạch đô thị xanh. Nhiều địa phương đang đẩy mạnh hạ tầng phục vụ phương tiện xanh. Một số tuyến nội đô ở Thủ Đức (TP HCM) đã thử nghiệm cấm xe xăng vào giờ cao điểm, đồng thời bố trí làn ưu tiên cho xe buýt và xe điện. Tại Huế, Đà Nẵng, nhiều bãi đỗ công cộng, trung tâm thương mại cũng đã triển khai điểm sạc phục vụ người dân và du khách.
Việc người dùng chuyển sang phương tiện xanh không chỉ giúp giảm khí thải mà còn lan tỏa lối sống xanh, góp phần xây dựng cộng đồng có trách nhiệm với môi trường. Để thúc đẩy xu hướng này, Việt Nam đã áp dụng chính sách miễn lệ phí trước bạ lần đầu cho xe điện đến hết tháng 2/2027.
Nhờ sự hỗ trợ từ chính sách kèm những lợi ích cho môi trường, thị trường xe điện ghi nhận dấu hiệu tăng trưởng mạnh mẽ. Theo VinFast, hết quý I/2025, hãng bàn giao hơn 35.000 xe điện. Các mẫu VF 3, VF 5, VF 6 nhiều lần lọt top xe bán chạy, củng cố vị thế trên thị trường nội địa.
Trong bối cảnh hạ tầng đang từng bước hoàn thiện và nhận thức về môi trường ngày càng nâng cao, xe điện được kỳ vọng sẽ trở thành phương tiện phổ biến tại các đô thị Việt Nam trong những năm tới, góp phần xây dựng hệ thống giao thông bền vững hơn, hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Minh Ngọc