Những lỗi cần tránh để đạt kết quả cao thi tốt nghiệp THPT

Không chỉ là cách học, từ kinh nghiệm đã trải qua, các thủ khoa cho rằng có những lỗi mà khi mắc phải trong tư duy, suy nghĩ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Lỗi tư duy khiến bạn mãi không tiến bộ khi ôn thi
Mở đầu video Thủ khoa tiếp sức gen Z mùa thi hôm nay, thủ khoa Nguyễn Thị Thanh Bình, ĐH Kinh tế TP.HCM, đặt câu hỏi với thí sinh: "Có bao giờ các bạn cảm thấy bản thân làm đề này, đề kia rất nhiều nhưng so với các bạn khác thì mình không tiến bộ? Mình cứ lặp đi lặp lại lỗi sai và nhiều khi còn cảm thấy bế tắc nữa. Kiểu không biết bây giờ làm được 7 điểm thì đến lúc thi mình có đạt được 8-9 điểm hay không? Hay những lúc làm bài tập, giải đề ở nhà mà đạt điểm cao thì bạn lại nghĩ chắc đề dễ. Lúc điểm thấp thì nghĩ do mình tệ. Không biết hiện tại có bạn nào suy nghĩ hay cảm thấy như vậy?".
Thanh Bình cho biết nhiều người đặt những câu hỏi như vậy và tự cảm thấy ganh tỵ, đố kỵ hay xấu hổ với bạn bè; cảm thấy bản thân mình rất tệ và rồi cứ rụt mình vào.
"Không biết mọi người đã trải qua tình trạng đó chưa? Nếu tất cả những gì mình kể ở trên mà mọi người đã hay đang trải qua, thì đó chính là lúc các bạn đã mắc phải một lỗi tư duy là đang nghĩ quá tiêu cực về bản thân", Bình lưu ý.
Thanh Bình chia sẻ cặn kẽ hơn: "Để phân biệt được như thế nào là tiêu cực và tích cực trong trường hợp này thì hệ quy chiếu chính là mong muốn của bạn. Các suy nghĩ hay hành vi sẽ là tiêu cực khi nó trái với mong muốn của bạn. Và ngược lại, nếu thuận theo mong muốn của bạn thì đó là điều tích cực".
Bình phân tích, với suy nghĩ "Tại sao mình mãi không tiến bộ?", mà "không tiến bộ" là điều bản thân không hề mong muốn. Vậy khi đặt câu hỏi "Tại sao mình mãi không tiến bộ?" tức là bạn đã mắc phải một lỗi về tư duy.
"Khi bạn nghĩ rằng "tại sao mình mãi không tiến bộ" thì não của bạn sẽ tự nhiên tập trung tìm kiếm những lý do khiến mình không tiến bộ, như: vì mình ham chơi, không chăm học, vì mình tệ, không có khả năng… trong khi đó điều bạn muốn là sự tiến bộ hơn. Chính vì thế, bạn hãy đặt câu hỏi "Làm thế nào để mình tiến bộ hơn trong quá trình ôn thi?", lúc đó câu trả lời sẽ định hướng bạn đến với những phương pháp để học tốt hơn", Bình khuyên.
Vì thế, Bình nhắn gửi: "Ngay từ bây giờ, các bạn thử dừng lại một chút và tự hỏi bản thân rằng những câu hỏi hiện tại có phải là những điều bạn mong muốn không? Nếu đó là những điều các bạn không mong muốn thì hãy thay đổi để không mắc phải lỗi tư duy này".