Những lần du khách gặp nạn khi chơi dù lượn ở Đà Nẵng

"Nghe tin có người chết vì chơi dù lượn ở Sơn Trà, tôi nghĩ lại vẫn thấy bủn rủn chân tay", Hoàng Anh, du khách Hà Nội, chia sẻ. Cuối tháng 6, gia đình cô cùng gia đình một người bạn đến Đà Nẵng du lịch, quyết định chơi dù lượn sau khi thấy nhiều quảng cáo hấp dẫn.
Ba người đầu tiên trong nhóm bay thành công và lượt cuối, phi công kèm chị Hoàng Anh và con 5 tuổi của chị.
Trước khi bay, phi công kiểm tra các thiết bị an toàn, dù và hướng dẫn du khách. Bãi nhảy là khoảng đất trống trên đỉnh Sơn Trà. Phi công và khách tham cùng chạy về phía con dốc trước mặt để dù căng và bay lên.
Tuy nhiên, khi tới sát con dốc, cô nghe một tiếng "rầm", cả ba người ngã dúi xuống con dốc, lăn nhiều vòng trong khoảng 70 m. Hoàng Anh vẫn đủ tỉnh táo để ôm chặt mặt con, tránh đập vào vật cản nguy hiểm vì bên dưới nhiều cây.
"May mắn là tôi còn đủ tỉnh táo, bám vào những cành cây để cản lực lại", Hoàng Anh nói. Sau vụ tai nạn, mẹ con cô được chuyển vào viện trong tình trạng chân tay nhiều vết rách; Hoàng Anh suýt mất ngón tay cái.
Chuyên gia dù lượn Đặng Văn Mỹ, 10 năm kinh nghiệm và hơn 2.000 giờ bay, cho biết trường hợp của Hoàng Anh là lỗi phối hợp không tốt giữa phi công và người bay lúc chạy đà; đồng thời bay kẹp ba trong điều kiện gió xấu gây rủi ro. Phía dưới dốc trong video nhiều cây, vật cản có thể gây chấn thương khi va đập. Tuy nhiên, đây không phải dốc đứng nên anh Mỹ đánh giá khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng khó xảy ra.
Chiều 8/7, du khách Quốc Tuấn, 36 tuổi, sống tại TP HCM, tử vong khi tham gia bay trải nghiệm dù lượn tại bán đảo Sơn Trà, do Công ty Tropical Forest tổ chức dịch vụ. Khi bay đến bãi Nam thuộc bán đảo Sơn Trà, dù lượn xảy ra sự cố dẫn đến du khách Tuấn rơi xuống rừng, gần bờ biển. Phi công bay thêm một đoạn và rơi xuống bãi cát ven biển, được đưa đi cấp cứu.
Hai năm trước, anh Khắc Huy, sống tại Hà Nội, cũng trải qua cảm giác "thót tim" khi tham gia bay dù lượn ở Sơn Trà. Anh cho biết được ghép bay cùng một phi công và được người này hướng dẫn anh đứng phía trước và chạy đà thật nhanh để dù cất cánh.
Khi bắt đầu chạy đà, mọi thứ dường như ổn vì không có tín hiệu cảnh báo từ người giám sát hay người điều khiển dù phía sau. Tuy nhiên, ngay khi nhảy để cất cánh, anh Huy nhận ra dù của mình không bay vút lên như người trước đó. Thay vào đó, nó hạ dần và trôi theo sườn núi.
Sau 2-3 giây, chân anh bị đập vào những mỏm đá lởm chởm dọc sườn núi. Trong khoảnh khắc đó, anh đã nghĩ đến tình huống xấu nhất. May mắn, một cơn gió bất ngờ thổi đến, giúp dù của anh bay lên trở lại và thoát khỏi tình huống nguy hiểm. Từ sự cố này, anh Huy trở nên thận trọng hơn khi tham gia các trò chơi mạo hiểm.
Chuyên gia Văn Mỹ đánh giá trường hợp này có thể do cất cánh trong điều kiện gió xấu hoặc sự phối hợp giữa phi công và người chơi không tốt.
Anh Đình Long, sống tại Hà Nội đã chở em gái đến bán đảo Sơn Trà trải nghiệm dù lượn vào đúng sáng cùng ngày xảy ra vụ tai nạn dù lượn của du khách Quốc Tuấn. Khi chạy đến đoạn dốc chuẩn bị bay, em gái anh Long bị trượt chân, đầu gối quệt mạnh vào đá gây chấn thương nhẹ. Anh cho rằng nếu có bảo vệ đầu gối, em gái anh có thể giảm được chấn thương. "Đóng 2 triệu một lần trải nghiệm nhưng không có đồ bảo hộ hay nhắc nhở khách đeo đồ bảo hộ là rất thiếu trách nhiệm", anh nói.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dù lượn cho rằng đồ bảo hộ đầu gối không phải yếu tố bắt buộc khi chơi bộ môn này. Du khách tốt nhất tự chuẩn bị hoặc yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ cho mượn trước khi bay.
Theo chuyên gia Văn Mỹ, việc tham gia bộ môn thể thao mạo hiểm như nhảy dù luôn có rủi ro nhất định, nhẹ có thể gây xước xát người, nặng hơn có thể là gãy tay, chân hay xấu nhất là tử vong. Phi công chịu trách nhiệm khi sự cố xảy ra với khách. Tuy nhiên, du khách cũng phải có trách nhiệm với bản thân khi tham gia chơi dù lượn. Chuyên gia này từng thấy những trường hợp khách mặc váy, đi dép khi đăng ký chơi dù lượn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn trong bước chạy đà, cười cợt khi phi công đang hướng dẫn.
"Nếu không nghiêm túc, bạn không nên tham gia dù bỏ tiền để trải nghiệm", anh nói.
Chuyên gia này nhấn mạnh người chơi nên tìm hiểu kỹ thông tin, đánh giá an toàn về đơn vị cung cấp dịch vụ trước khi tham gia. Du khách có thể yêu cầu đơn vị cung cấp thông tin liên quan đến phi công bay kèm như chứng chỉ, giờ bay.
Từ 9/10, giới chức đã tạm dừng hoạt động bay dù lượn tại bán đảo Sơn Trà để rà soát toàn bộ quy trình an toàn bay, bao gồm kiểm tra thiết bị bay và bảo hộ, đánh giá năng lực, chứng chỉ của phi công, quy trình cấp phép, địa hình.
Dịch vụ dù lượn không động cơ tại bán đảo Sơn Trà được Đà Nẵng thí điểm từ tháng 6/2023. Hiện có 5 doanh nghiệp đủ điều kiện được cấp phép khai thác, trong đó có Công ty TNHH MTV TM & DV Tropical Forest. Giá dịch vụ từ 1,35 đến 1,8 triệu đồng mỗi suất bay. Trước chuyến bay, du khách thực hiện quy trình khai báo, mua bảo hiểm và ký cam kết miễn trừ trách nhiệm.
Tên một số nhân vật đã được thay đổi.
Tú Nguyễn