Những khoảnh khắc chính trị trong Thánh lễ an táng Giáo hoàng

Nhiều nguyên thủ và chính trị gia trên thế giới đã có cơ hội hiếm hoi gặp gỡ và trò chuyện bên lề Thánh lễ an táng Giáo hoàng Francis - nơi ngoại giao được lồng ghép tinh tế trong bầu không khí trang nghiêm và đầy tính biểu tượng.
Các chính trị gia hội tụ
Lúc 15h ngày 26-4 giờ Việt Nam, thánh lễ an táng Giáo hoàng Francis chính thức bắt đầu do Niên trưởng Hồng y đoàn Giovanni Battista Re chủ trì.
Tổng cộng 130 phái đoàn quốc tế tham dự tang lễ Giáo hoàng Francis, trong đó có khoảng 50 nguyên thủ quốc gia và 10 quốc vương, theo thông tin từ Văn phòng Nghi lễ của Phủ Quốc vụ khanh Vatican.
Trong bầu không khí trang nghiêm và đậm tính biểu tượng tại Vatican, những cái bắt tay, những cuộc trò chuyện ngắn bên lề lễ tang đã diễn ra như một hình thức ngoại giao tinh tế không cần thông cáo.
Từng cử chỉ, lời chào hỏi của các nhà lãnh đạo đến từ châu Âu, Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi đều mang ý nghĩa sâu xa về quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia.
Mỹ - Ukraine thảo luận "hiệu quả"
Theo Hãng tin Reuters, Nhà Trắng đã xác nhận Tổng thống Trump và Tổng thống Zelensky đã có một cuộc thảo luận "rất hiệu quả" trước thềm lễ tang của Giáo hoàng. Phía Ukraine sau đó cho biết hai vị lãnh đạo đã đồng ý gặp lại vào cuối ngày để đàm phán thêm.
Theo tờ The Telegraph, việc hai nhà lãnh đạo trò chuyện tại Rome đánh dấu lần đầu tiên họ gặp lại kể từ khi ông Zelensky bị yêu cầu rời khỏi Nhà Trắng sau cuộc "đấu khẩu" ở Phòng Bầu dục vào tháng 2.
Nhiều quan chức cho rằng đây là “một cuộc gặp gỡ tiềm năng diễn ra vào thời điểm quan trọng trong cuộc chiến ở Ukraine".
Bên cạnh đó, Văn phòng Tổng thống Ukraine cũng công bố bức ảnh chụp ông Zelensky cùng ông Trump có một cuộc nói chuyện thân mật với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Keir Starmer trước tang lễ cùng chú thích: "Các nhà lãnh đạo đang nhất trí tiếp tục đàm phán" để tiến tới thỏa thuận chấm dứt xung đột ở Ukraine.