Những đứa trẻ luôn cảm thấy cô đơn

Trong cuốn sách, Tiến sĩ Tâm lý học Sherrie Campbell bóc trần sự thật về gia đình độc hại và ảnh hưởng của nó đến sự phát triển tâm sinh lý của những đứa trẻ. Nếu sinh ra trong một gia đình độc hại, bạn cần phải biết cách điều chỉnh tâm lý, loại bỏ những điều tiêu cực mà bản thân bị ảnh hưởng bởi các thành viên khác.
![]() |
Cha mẹ hãy dành nhiều thời gian quan tâm đến con cái, để trẻ không cảm thấy cô đơn. Ảnh minh họa: M&C. |
Ngay từ khi còn nhỏ, trong lòng đã cảm thấy cô đơn là một sự hủy hoại đáng sợ. Lindsay Gibson, tác giả cuốn sách Adult Children of Emotionally Immature Parents (tạm dịch: Những người con đã trưởng thành của các bậc phụ huynh chưa trưởng thành về mặt cảm xúc), cho thấy sự cô đơn trong lòng được phát triển do không được yêu thương và kết nối đầy đủ với người khác.
Ở trẻ em, nó được phát triển từ cảm xúc "mình là người vô hình" trong mắt những người cha, người mẹ bỏ bê con cái. Để tăng thêm sự cô đơn và bối rối của chúng ta, bề ngoài cha mẹ độc hại thường tỏ ra rất bình thường: Họ cung cấp thức ăn, nơi trú ẩn, nhưng rất ít khi kết nối hoặc gắn bó với ta về mặt tình cảm.
Vì vậy, tuổi thơ của ta, vốn phải là nơi an toàn nhất mà ta có, lại đầy những lỗ hổng. Nhiều người nói với tôi rằng: "Tôi yêu quý mẹ của bạn". Tôi chắc chắn họ thực sự yêu quý bà ấy. Mẹ tôi thường đối xử tử tế với con cái của người khác hơn những gì bà đã trao cho tôi.
Nhưng những lời nhận xét tích cực như vậy chỉ khiến tôi cảm thấy cô đơn và mất trí hơn. Nếu mọi người đều yêu quý bà ấy nhiều đến thế, tại sao tôi lại không? Tôi đã sai lầm khi cho rằng lỗi lầm nằm ở mình.
Sự cô đơn khi tồn tại nhưng vô hình trong mắt cha mẹ đau đớn chẳng kém gì vết thương thể xác, nó chỉ không lộ ra bên ngoài mà thôi. Gibson giải thích sự cô đơn trong tâm khảm ấy là một trải nghiệm mơ hồ và riêng tư khó hình dung hay mô tả. Khi còn là trẻ con, ta chẳng thể xác định liệu cha mẹ mình có ích kỷ hay không, cũng khó lòng nhận ra mối quan hệ giữa mình và họ rất thiếu sự gần gũi.
Bộ não trẻ con của chúng ta chưa đủ trưởng thành hoặc phát triển để hình thành hoặc hiểu sự phức tạp và hấp dẫn của những khái niệm này. Khi còn nhỏ, ta sống với hoàn cảnh quen thuộc. Nếu thấy cô đơn, nó cũng chỉ nằm sâu trong lòng ta.
Gibson chỉ cho ta biết rằng đây là cách trẻ con trải nghiệm nỗi cô đơn, coi nó như một cảm xúc sâu sắc trong lòng. Sự trống trải lớn dần suốt thời thơ ấu ấy thường tiếp tục phát triển khi ta lớn lên. Bằng chứng là trong vô thức, ta liên tục chọn các mối quan hệ có cùng khuôn mẫu, không thể đem lại sự thân mật trong cảm xúc và mức độ kết nối mà ta khao khát.
Cảm giác gắn kết về mặt tình cảm và được gia đình, đặc biệt là cha mẹ, yêu thương, chấp nhận vô điều kiện sẽ đem lại sự mãn nguyện. Gibson nói rằng chính sự gần gũi khi được kết nối ấy giúp chúng ta phát triển cảm giác “mình được yêu thương vì chính con người mình”.
Mối quan hệ này chỉ có thể được thiết lập khi cha mẹ tìm cách thấu hiểu chúng ta, chứ không phải phán xét hoặc thao túng. Nếu có sự tự nhận thức cần thiết, cha mẹ sẽ chẳng thích việc gì khác ngoài tương tác với con cái. Họ vui vẻ trải nghiệm cuộc sống cùng con cái và thực sự hiểu con người thật của chúng. Các bậc cha mẹ lành mạnh sẽ cởi mở khi thảo luận và chia sẻ cảm xúc.
Nếu vô tình làm tổn thương con cái, khao khát duy nhất của họ là làm bất cứ điều gì có thể để nói rõ với con và sửa chữa sai lầm. Đánh đập, nói chuyện tàn nhẫn, xúc phạm con cái chẳng bao giờ xuất hiện trong tâm trí họ.
Trong một vài trường hợp hiếm gặp, nếu cha mẹ lành mạnh cư xử không tốt với con cái, họ sẽ thực hiện các bước cần thiết để bù đắp nỗi hổ thẹn và chịu trách nhiệm cho sai lầm của mình.