Nhảy đến nội dung
 

Những dòng sông giới tuyến

Khi đặt tên cho những dòng sông, chẳng ai biết rằng cái tên đó đã vận vào đời sông sứ mệnh lịch sử, để trở thành những lằn ranh giới tuyến, giữa bên ni và bên nớ…

Nhưng lịch sử thời đại không dừng lại, khi hoàn thành những sứ mệnh bi thương, sông lại vẫn chảy đời sông, đắp bồi đôi bờ tươi tốt, xây những làng mạc, phố phường từ thượng nguồn đến hạ du.

Bây giờ sang sông không phải đợi đò

"Ơi dòng Gianh, dòng Gianh… Bây giờ sang sông không phải đợi đò. Bắc cầu sông quê cho đôi lứa hẹn hò" là lời đoạn điệp khúc trong bài Tâm tình với dòng Gianh (nhạc Hoàng Sông Hương, phỏng thơ Lý Hoài Xuân). Nhưng đó là chuyện mới đây. Còn dòng sông lớn của Quảng Bình (tên khác là Linh Giang) này đã có một lịch sử bi tráng thời phong kiến. Thủa Trịnh - Nguyễn phân tranh (1570 - 1786), sông Gianh được coi là ranh giới chia cắt Đàng Trong và Đàng Ngoài. Thời điểm này, các cuộc chiến tranh kéo dài triền miên, lên tới gần nửa thế kỷ. Cũng trên dòng sông có khởi nguồn từ ngọn Cô Pi (độ cao hơn 2.017 m, ở huyện Minh Hóa) này, trong 2 cuộc kháng chiến vệ quốc cũng từng là "địa chỉ" bị đánh phá nặng nề, thường xuyên bị chia cắt.

Hòa bình, trên tuyến đường thiên lý bắc - nam, dòng Gianh vẫn "án ngữ" ở đó, trở thành nút thắt giao thông. Mọi phương tiện đều phải lụy vào những chiếc phà qua lại đôi bờ, ùn tắc xảy ra như cơm bữa. Thế nên mới có câu: "Thương anh em cũng muốn ra/Sợ đường Hồng Thủy sợ phà sông Gianh". Mãi đến cuối năm 1998, cầu Gianh dài hơn 750 m mới được xây dựng và nối liền đôi bờ.

Qua bao biến thiên lịch sử, Linh Giang giờ vẫn xanh trong, vẫn còn đó những truyền kỳ về dòng sông huyền thoại dài hơn 160 km uốn lượn qua bao dãy núi đá vôi trập trùng, qua bao xóm làng bình yên. Trong khi ở thượng nguồn là núi non tiên cảnh, thì vùng hạ du sông Gianh có rất nhiều doi đất nằm trơ trọi giữa sông. Có rất nhiều cồn lớn nhỏ trên sông Gianh, trong đó cồn dài nhất khoảng 3,8 km, rộng nhất khoảng 0,8 km.

Nơi đó, dù giữa bốn bề sóng nước, khó khăn bủa vây, nhưng con người với sức sống mãnh liệt vẫn kiên cường bám trụ hết đời này sang đời khác… Sự đổi thay nhìn từ những cồn bão giữa dòng Gianh đấy cũng chính là sự trở mình của dòng sông này. Rằng, khi những cây cầu bắc qua sông ngày mỗi nhiều lên, khi tiếng gọi "đò ơi" trở thành xa vắng, khi giấc mơ con chữ không còn diệu vợi thì mai này sẽ còn lắm đổi thay…

Sông thiêng của những ước nguyện hòa bình

Ở đất thép Quảng Trị, có 2 dòng sông từng gắn với những ký ức bi tráng khi số phận run rủi biến chúng thành dòng sông giới tuyến, hoặc là bức tường lửa chiến tranh, ranh giới của sống chết.

Nếu như sông Bến Hải gắn liền với hơn 20 năm đằng đẵng chia cách Bắc - Nam thì sông Thạch Hãn gắn liền với mùa hè đỏ lửa năm 1972 với trận Thành cổ Quảng Trị uy dũng. Nếu như sông Bến Hải gắn với Hiệp định Genève về đình chiến và khôi phục hòa bình ở Đông Dương (1954), thì dòng Thạch Hãn liên quan mật thiết đến Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở VN (1973).

Ngày nay, người ta sẽ còn nhắc nhớ đến những cuộc đấu trí ở đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, để hôm nay nơi đây trở thành di tích cấp quốc gia đặc biệt với cây cầu 2 màu đặc trưng, với kỳ đài sừng sững, với bảo tàng di tích và với lễ hội Thống nhất non sông mà không nơi đâu có được.

Nhưng nhân loại cũng không thể quên bên sông Thạch Hãn, có một thị xã Quảng Trị với diện tích vỏn vẹn chưa đầy 4 km2 chỉ trong 81 ngày đêm của mùa hè năm 1972 đã phải chịu một lượng bom đạn với sức công phá lớn hơn 7 quả bom nguyên tử. Vậy nên nơi chốn này có 1 ngôi mộ chung liệt sĩ mang tên Thành cổ Quảng Trị, để hằng đêm, những đóa hoa đăng được thả trôi trên dòng sông thiêng với nguyện cầu "Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm…".

Những quá khứ ấy không cho phép chúng ta quên, nhưng những dòng sông rồi sẽ phải trở mình, cuồn cuộn đổ ra Biển Đông, trôi theo những mất mát đau thương của chiến tranh quá khứ, để dựng xây cuộc sống mới và mở hướng nhìn về tương lai.

Ngày nay, khi dọc theo triền sông Bến Hải dài ngót trăm cây số, từ thượng nguồn Động Chân trên dãy Trường Sơn ra tới cửa biển Cửa Tùng, qua 2 huyện Gio Linh và Vĩnh Linh, sẽ thấy những cánh đồng trù phú, những vuông tôm tít tắp và những nếp nhà bình yên. Nhờ phù sa Bến Hải, biền bãi đôi bờ được đắp bồi, người dân bên ni bên nớ gầy dựng cuộc sống… Dẫu chưa thật sang giàu nhưng bình yên lắm, thứ mà cách đây chỉ vài chục năm trước giải phóng là cả một giấc mơ hoang đường!

Bên dòng sông được dịch sát nghĩa là "mồ hôi đá" (Thạch Hãn), cũng là "chứng nhân" không thể tách rời trong đề án xây dựng thị xã Quảng Trị thành đô thị của hòa bình, nhiều sự kiện ôn cố tri tân thường xuyên được tổ chức và gửi những thông điệp về hòa bình. Chính quyền muốn biến dòng sông hoa lửa một thời trở thành biểu tượng cho sự tri ân, của hòa bình và của tình yêu thương. Mới hay, con sông lớn nhất Quảng Trị với độ dài hơn 155 km, ngoài là huyết mạch giao thông, có ý nghĩa về mặt thủy lợi, cung cấp cho các đồng bằng xanh tươi phía dưới hạ lưu thuộc các huyện Hải Lăng, Triệu Phong và thị xã Quảng Trị, còn mang trong nó những giá trị vô hình, không gì đong đếm được.

***

Mai này, sông rồi vẫn sẽ chảy đời sông. Dòng Gianh, Bến Hải, Thạch Hãn… được trao gửi nhiều sứ mệnh lịch sử. Sông mải miết chảy, tiếp nối hành trình từ tây sang đông một cuộc phiêu lưu không bao giờ dứt của những hạt phù sa, phù sa đời người!