Nhảy đến nội dung

Những điều nên và không nên làm khi con thi lớp 10, tốt nghiệp THPT

Có những câu nói, hành động mà cha mẹ nghĩ là bình thường nhưng vô tình làm tăng thêm áp lực, căng thẳng cho các con trong mùa thi.

Còn hơn một tháng nữa học sinh (HS) sẽ thi lớp 10 và tốt nghiệp THPT. Theo các chuyên gia tâm lý - bác sĩ, thời điểm này cha mẹ cần đồng hành với HS để giúp các em vượt qua các kỳ thi quan trọng này.

NHỮNG CÂU HỎI CHA MẸ CẦN HẠN CHẾ

Chuyên gia Trần Thị Quế Chi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục và đào tạo (IES), cho rằng có những câu mà bấy lâu nay cha mẹ nào cũng hỏi con: "Học đến đâu rồi?", "Ôn thi đến đâu rồi?"... Chúng ta nghĩ rằng mình đang quan tâm con nhưng thực ra những câu hỏi này có thể vô tình truyền đi thông điệp áp lực điểm số. Thay vì hỏi như vậy, cha mẹ có thể hỏi: "Con có mệt không? Nếu mệt quá con nghỉ một chút rồi học". Cách nói như vậy có thể khiến con cái thấy mình được chia sẻ nhiều hơn, các con dễ nói chuyện cùng cha mẹ, chia sẻ những khó khăn mình đang đối diện.

Việc chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần cho con giai đoạn này rất quan trọng. Theo bà Chi, cha mẹ không nên ủng hộ con thức sáng đêm học bài, học quên ăn quên ngủ và cho rằng như thế là "chăm chỉ, học giỏi". Việc ngủ không đủ giấc ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến sức khỏe, tăng nguy cơ trầm cảm với con.

Đặc biệt, bà Chi nhấn mạnh cha mẹ không so sánh con với HS khác; không kỳ vọng quá mức để gia tăng thêm áp lực cho con; không áp đặt cảm xúc của mình lên con, biến những bữa cơm nhà thành buổi xét hỏi với những câu như học đến đâu, ôn thi tới đâu…

NHỮNG ĐIỀU NÊN LÀM

Theo bà Quế Chi, trong thời gian HS ôn thi, cha mẹ cố gắng nấu những món con yêu thích, ăn cơm cùng con để bữa cơm nhà là nơi gia đình sum họp, kết nối với những câu chuyện vui vẻ. Đây là cách bà Chi từng làm để hỗ trợ con về mặt thể chất, tinh thần, cùng con vượt qua kỳ thi lớp 10, thi tốt nghiệp THPT.

Một giải pháp bà Chi từng thử và thấy hiệu quả là cha mẹ cùng con viết cam kết. Con cam kết sẽ nỗ lực hết mình, nhưng không bất chấp sức khỏe; cam kết sẽ nói với cha mẹ, người lớn trong gia đình hoặc người thân con tin tưởng về những khó khăn đang gặp; và cam kết con luôn tin tưởng ở bản thân mình, điểm số không quyết định con là ai. Cha mẹ cũng viết cam kết: luôn tự hào về con vì con là con của mình chứ không phải vì thành tích con đạt được; luôn đồng hành, ủng hộ, tôn trọng con; luôn lắng nghe con bằng trái tim chứ không chỉ bằng đôi tai.

Theo bà Chi, việc cha mẹ lắng nghe con bằng trái tim rất quan trọng. Khi đó, cha mẹ sẽ biết con đang gặp những khó khăn gì để cùng đồng hành, tháo gỡ. Lắng nghe bằng trái tim sẽ thấu hiểu, chấp nhận con mình với cả những điểm chưa hoàn hảo.

NHỮNG CÁCH GIÚP CON VƯỢT QUA ÁP LỰC THI CỬ

Bác sĩ Phan Thị Lan Viên, Trưởng dự án an toàn cho trẻ thuộc Trung tâm nghiên cứu cải tiến y tế (CHIR), cho rằng áp lực thi cử chỉ là một trong những áp lực của trẻ vị thành niên - lứa tuổi được ví như "một công trình dang dở" mà chính trẻ cũng bộn bề những điều chưa hiểu về bản thân mình. Vì vậy phụ huynh cũng gặp nhiều thách thức trong quá trình đồng hành cùng con đi qua giai đoạn này.

Bác sĩ Viên cũng có những cách để giúp con vượt qua áp lực thi cử. Theo vị bác sĩ, đầu tiên cha mẹ quan sát và làm rõ điều gì thực sự quan trọng trong lòng mình: kết quả của cuộc thi hay hành trình, cơ hội để con được nhìn thấy kết quả?

"Làm rõ bước này rất quan trọng vì sẽ dẫn dắt các hành vi của cha mẹ đối với việc học, thi của con cái. Điều này sẽ giảm thiểu các kỳ vọng mà cha mẹ vô tình đặt lên con. Việc nhất quán từ bên trong ở phụ huynh sẽ giúp nuôi dưỡng lòng tin của con dành cho mình, đồng thời giúp phụ huynh mở rộng góc nhìn để đón nhận những khác biệt của con trong giai đoạn vị thành niên", bác sĩ Viên nói.

Đồng thời, nữ bác sĩ khuyên phụ huynh nên chân thành chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của bản thân mình với con, nhấn mạnh rằng con cần cố gắng hết mình, dù kết quả như thế nào thì cha mẹ vẫn yêu con. Ở tuổi vị thành niên, các con dễ chia sẻ với bạn hơn với cha mẹ, nhưng khi cha mẹ nuôi dưỡng sự kết nối tốt với con cái thì các em dễ chia sẻ khi gặp áp lực. Từ đó, cha mẹ có thể cùng con tìm cách thức phù hợp để vượt qua.

"Lý tưởng nhất là gia đình duy trì những sinh hoạt chung cùng nhau, đó có thể là một bữa cơm, cùng làm việc nhà hay bất kỳ việc gì đó cùng nhau. Cha mẹ có thể bày tỏ sự hiện diện của mình với con như có mặt tại các sự kiện quan trọng của con, gửi cho con lời chúc, tin nhắn hỏi thăm, hoặc bất kỳ khi nào có thể", bác sĩ Viên khuyên.