Nhảy đến nội dung

Những điều cần biết về tầm soát ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới, đặc biệt ở những người trên 50 tuổi. Theo TS.BS.CK2 Trà Anh Duy, Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men's Health, tầm soát ung thư tuyến tiền liệt được xem là một giải pháp quan trọng nhằm phát hiện bệnh sớm, từ đó cải thiện hiệu quả điều trị và nâng cao chất lượng sống.

Ý nghĩa của tầm soát

Theo nghiên cứu đăng trên New England Journal of Medicine, xét nghiệm PSA định kỳ giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư tuyến tiền liệt đến 20% trong vòng 11 năm. Phát hiện sớm ung thư, điều trị đơn giản hơn và giảm bớt chi phí so với phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.

Tầm soát không chỉ có giá trị y khoa mà còn mang ý nghĩa tâm lý. Người được tầm soát thường cảm thấy yên tâm hơn về tình trạng sức khỏe của mình, nhất là khi thuộc nhóm nguy cơ cao như tiền sử gia đình mắc ung thư tuyến tiền liệt hoặc thuộc nhóm dân số dễ bị ảnh hưởng như nam giới gốc châu Phi hoặc Caribbean.

Các phương pháp tầm soát

Hiện nay, có ba phương pháp chính được sử dụng trong tầm soát ung thư tuyến tiền liệt gồm xét nghiệm PSA, thăm khám trực tràng bằng ngón tay (DRE), và các kỹ thuật hình ảnh tiên tiến.

Xét nghiệm PSA (Prostate-Specific Antigen)

Xét nghiệm PSA là phương pháp được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay. PSA là một loại protein được sản xuất bởi tuyến tiền liệt. Nồng độ PSA trong máu có thể tăng cao khi có sự hiện diện của tế bào ung thư. Tuy nhiên, PSA không phải là một chỉ số tuyệt đối, vì mức PSA cao cũng có thể do các bệnh lý lành tính khác như viêm tuyến tiền liệt hoặc phì đại tuyến tiền liệt.

Theo nghiên cứu đăng trên The Guardian, xét nghiệm PSA giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, nhược điểm lớn là nhiều trường hợp chẩn đoán sai, gây tâm lý lo lắng và làm tăng khả năng sinh thiết không cần thiết.

Thăm khám trực tràng bằng ngón tay (DRE)

DRE là phương pháp truyền thống trong tầm soát ung thư tuyến tiền liệt. Bác sĩ sử dụng ngón tay để kiểm tra tuyến tiền liệt qua trực tràng nhằm phát hiện các dấu hiệu bất thường như khối u hoặc sự cứng chắc của tuyến này.

DRE có ưu điểm là đơn giản, không tốn kém, nhưng hạn chế lớn là không phát hiện được ung thư ở giai đoạn sớm và phụ thuộc nhiều vào kỹ năng của bác sĩ.

Các kỹ thuật hình ảnh

- MRI đa thông số (Multiparametric MRI):

Đây là phương pháp hiện đại, giúp xác định vị trí khối u chính xác hơn trước khi thực hiện sinh thiết. Theo nghiên cứu đăng trên Nature Reviews Urology, MRI giúp giảm đến 30% số ca sinh thiết không cần thiết mà vẫn giữ được hiệu quả phát hiện ung thư.

- Siêu âm qua trực tràng (TRUS):

Phương pháp này hỗ trợ đắc lực trong việc hướng dẫn sinh thiết tuyến tiền liệt, nhưng không được sử dụng phổ biến trong tầm soát thông thường.

Hạn chế của tầm soát ung thư tuyến tiền liệt

Chẩn đoán quá mức và điều trị không cần thiết

Một trong những vấn đề lớn nhất của tầm soát ung thư tuyến tiền liệt là nguy cơ chẩn đoán quá mức. Nhiều khối u tiến triển rất chậm và không gây nguy hiểm đến tính mạng trong suốt cuộc đời bệnh nhân. Tuy nhiên, những trường hợp này thường bị chẩn đoán và điều trị, dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn như tiểu không tự chủ hoặc rối loạn cương dương.

Theo Hobbs (2024), sinh thiết không cần thiết không chỉ gây đau đớn mà còn tăng nguy cơ nhiễm trùng, trong một số trường hợp có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết.

Độ chính xác hạn chế của xét nghiệm PSA

PSA là phương pháp phổ biến nhất nhưng không phân biệt được ung thư có nguy cơ cao và thấp. Nghiên cứu đăng trên Journal of Urological Oncology chỉ ra rằng PSA bỏ sót khoảng 15-20% trường hợp ung thư tuyến tiền liệt. Điều này có nghĩa là một số bệnh nhân có thể nhận được kết quả âm tính giả, dẫn đến bỏ lỡ cơ hội điều trị sớm.

Gánh nặng tâm lý

Kết quả PSA cao không đồng nghĩa với ung thư, nhưng thường gây lo lắng và áp lực cho bệnh nhân. Họ thường phải trải qua sinh thiết hoặc các xét nghiệm bổ sung đôi khi không cần thiết, dẫn đến sự hoang mang không đáng có.

Khuyến nghị và cải thiện hiệu quả tầm soát

Tầm soát có chọn lọc

Không phải tất cả nam giới đều cần tầm soát ung thư tuyến tiền liệt. Các tổ chức y tế lớn như Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS) khuyến nghị tầm soát định kỳ cho nam giới trên 50 tuổi hoặc từ 45 tuổi nếu có yếu tố nguy cơ cao.

Người không có triệu chứng và nguy cơ thấp nên thảo luận kỹ với bác sĩ trước khi quyết định thực hiện.

Kết hợp các phương pháp

Sử dụng kết hợp PSA với MRI đa thông số đã được chứng minh là hiệu quả trong việc giảm số ca sinh thiết không cần thiết.

Ngoài ra, thăm khám trực tràng bằng ngón tay có thể được sử dụng như một công cụ hỗ trợ, đặc biệt khi có sự nghi ngờ từ kết quả PSA.

Theo dõi hoạt động

Trường hợp ung thư tuyến tiền liệt nguy cơ thấp, "theo dõi hoạt động" thay vì điều trị ngay lập tức là lựa chọn tốt. Phương pháp này bao gồm theo dõi nồng độ PSA định kỳ, làm MRI, chỉ can thiệp khi có dấu hiệu tiến triển. Điều này giúp giảm nguy cơ tác dụng phụ mà không ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

Giáo dục và tư vấn

Nam giới cần được giáo dục về lợi ích và rủi ro của tầm soát ung thư tuyến tiền liệt, hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình, từ đó đưa ra quyết định phù hợp.

Giá trị thực tế và tương lai của tầm soát

Ung thư tuyến tiền liệt là một trong số ít các loại ung thư mà việc tầm soát có thể tạo ra sự khác biệt lớn về tỷ lệ sống sót. Tuy nhiên, để tối ưu hóa hiệu quả, y học cần cải tiến các phương pháp hiện tại và áp dụng các công nghệ mới như xét nghiệm sinh học phân tử hoặc hình ảnh tiên tiến, giúp phát hiện bệnh chính xác hơn và giảm tác động tiêu cực đến chất lượng sống của bệnh nhân.

Mỹ Ý

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn