Nhảy đến nội dung
 

Những cựu binh Mỹ chọn Việt Nam để nghỉ hưu

"Cuộc sống của tôi suốt hai năm ở Việt Nam không bao giờ tẻ nhạt", người đàn ông 75 tuổi, nói. "Tôi nghĩ mình sẽ hạnh phúc hơn nếu định cư ở đây sớm hơn".

Đây không phải lần đầu John Hoysradt ở Việt Nam. Năm 1966, ông đến Việt Nam tham chiến theo lệnh nhập ngũ. Hai năm sau, John trở về nước, mang theo những ám ảnh về một cuộc chiến tranh tàn khốc và vô nghĩa. Cảm giác "tuổi 18 bị phí hoài" đeo đẳng ông suốt phần đời còn lại.

Về Mỹ, John làm giám sát trong lĩnh vực hàng không và nghỉ hưu năm 2016. Kể từ đó, những ký ức về Việt Nam trỗi dậy kèm sự tò mò về mảnh đất đau thương ấy nay đã thay đổi ra sao.

Giữa năm 2019, John một mình đến TP HCM. Ông lập tức bị choáng ngợp trước sự phát triển của thành phố. "Người Việt đón nhận tôi nồng hậu vượt ngoài mong đợi. Ban đầu tôi rất lo lắng vì không biết họ sẽ nghĩ gì khi biết mình là một cựu binh Mỹ", John kể.

Trong chuyến đi Việt Nam kéo dài 7 tháng năm đó, ông phát hiện ở Đà Nẵng có cộng đồng gồm toàn những cựu binh Mỹ như mình. Họ đều đã nghỉ hưu, tình nguyện sang Việt Nam làm việc cho các trại trẻ mồ côi, bệnh viện hay tổ chức những chương trình thiện nguyện như mang sách vở, xe đạp cho trẻ ở vùng nông thôn Việt Nam.

"Những gì đã chứng kiến trong chiến tranh khiến chúng tôi muốn giúp trẻ em Việt Nam, đặc biệt những em chịu ảnh hưởng từ chất độc da cam", John nói. "Chúng tôi muốn khép lại cuộc chiến này trong chính tâm hồn mình".

Khi trở về Mỹ, John Hoysradt sắp xếp mọi thứ để chuyển đến ở Việt Nam lâu dài. Tuy nhiên, Covid-19 đã làm gián đoạn kế hoạch đến tháng 3/2022. Lần thứ ba đến Việt Nam, ông đi Phú Quốc, TP HCM cuối cùng chọn Đà Nẵng, nơi ông cho là "thành phố đáng sống nhất".

Ông yêu bọn trẻ con ở trung tâm bảo trợ trẻ nhiễm chất độc da cam ở Đà Nẵng. John thường tham gia sự kiện của ban nhạc nhỏ để có thêm kinh phí quyên góp cho chúng. "Tụi nhỏ giúp cuộc sống của tôi có mục đích và niềm vui mỗi ngày", người cựu binh Mỹ nói.

Matthew Keenan, thành viên Ban giám đốc tổ chức Cựu binh Mỹ vì Hòa bình (VFP) nói ước tính hiện tại có hàng trăm người giống như John. Họ chọn Việt Nam để nghỉ hưu và làm gì đó để xoa dịu những ám ảnh về cuộc chiến kết thúc 50 năm trước. VFP được thành lập năm 1985, chi hội tại Việt Nam ra đời năm 2009. Thống kê gần nhất cho thấy tổ chức có khoảng 8.000 thành viên.

Những cựu binh Mỹ trở lại Việt Nam chủ yếu thực hiện chương trình gây quỹ và phân phối nguồn lực hỗ trợ hoạt động liên quan đến chất độc da cam và bom mìn chưa nổ, tài trợ cho một số trung tâm dành cho người mù, bệnh viện, các trại trẻ mồ côi như Friendship Village và cải tạo nhà ở.

Nhiều người đã kết hôn ở Việt Nam, có cuộc sống ổn định trong khi số khác thường xuyên đi lại giữa Mỹ và Việt Nam.

Khoảng 5 năm nay, số lượng thành viên VFP đến Việt Nam giảm do các vấn đề gia đình, một số đã qua đời hoặc cần chăm sóc y tế đặc biệt ở Mỹ. Theo thống kê sơ bộ của Matthew Keenan, cựu binh trẻ nhất của chiến tranh ở Việt Nam cũng đã 73 tuổi, đa số trên 75.

"Tôi chưa thấy ai rời Việt Nam vì không thích cuộc sống ở đây", ông nói.

Richard Brown, 76 tuổi, một cựu lính thủy quân lục chiến đã sống ở Việt Nam gần 25 năm. Trước đó, người đàn ông này ở Chu Lai (Quảng Nam), phục vụ trong phi đội tiêm kích F4 thuộc không quân hải quân Mỹ, giữa năm 1969. Tháng 2/1972, ông giải ngũ trở về Mỹ.

Năm 2001, một người bạn mời Richard đến Singapore. Trong chuyến đi đó, ông bất ngờ rẽ hướng, xin visa sang Việt Nam. Ông thuê xe ôm đến nhiều nơi mình đã từng đi qua trong chiến tranh và trải nghiệm sự thay đổi. Richard gặp các cựu binh và gia đình của họ ở cả hai phía của cuộc chiến.

Kể từ đó, cứ mỗi bốn tháng ông trở lại Việt Nam một lần. Ông gặp và kết hôn với một phụ nữ quê Đà Nẵng. Sau khi nghỉ hưu ở Cục Hàng không Liên bang (FAA), Richard đến Việt Nam với vai trò đại diện kỹ thuật cho các công ty cho thuê máy bay.

Ông nhớ những ngày đầu, mọi người còn dè dặt khi biết ông là cựu binh Mỹ. Richard cho rằng đó là điều dễ hiểu. Nhưng chỉ sau vài tháng làm việc, sự thân thiện, tinh thần hào phóng của họ đã vượt qua tất cả. Ông có một số người bạn rất thân từ những năm làm việc ở Hà Nội.

Sau cơn đột quỵ và nhồi máu cơ tim hai năm trước, Richard mới chính thức nghỉ hưu. Nếu ở Mỹ, Richard nghĩ mình sẽ vào viện dưỡng lão hoặc cơ sở chăm sóc người già. Nhưng ở Việt Nam, ông là người lớn tuổi nhất, luôn được kính trọng và chăm sóc. Ông nhận ra người Việt đề cao gia đình và chưa bao giờ từ chối họ lúc khó khăn.

"Tôi cảm thấy hoàn toàn như ở nhà tại Việt Nam", ông nói. Richard thích cấu trúc của những khu phố ở Đà Nẵng, nơi mọi người giúp đỡ nhau. "Ngoài ra, tôi cũng dễ dàng duy trì một lối sống tử tế với lương hưu", ông nói.

John cũng đồng quan điểm. Tuần vài lần, ông sẽ thức dậy lúc 5h để tập thể dục cùng với hội người cao tuổi. Số bạn bè Việt của ông dần nhiều hơn ở Mỹ, dù tiếng Việt của ông chỉ đủ để gọi món trong nhà hàng.

"Tôi nghĩ mình sẽ dành phần đời còn lại ở Việt Nam", ông nói.