Những cụm từ của người luôn coi mình là nạn nhân

Tiến sĩ Kathy McMahon, nhà tâm lý học lâm sàng người Mỹ, cho biết tâm lý nạn nhân là khi một người tin rằng mọi chuyện tồi tệ xảy đến đều ngoài tầm kiểm soát của họ và họ không thể thay đổi điều gì.
Tâm lý này thường hình thành sau tổn thương thật trong quá khứ nhưng nếu kéo dài nó khiến người đó luôn đổ lỗi cho người khác, né tránh trách nhiệm và khó xây dựng mối quan hệ lành mạnh.
Trong các mối quan hệ, người có tâm lý nạn nhân thường liên tục đổ lỗi và từ chối chịu trách nhiệm. Điều này khiến sự tin tưởng và gắn kết dần bị xói mòn.
Chuyên gia nhấn mạnh có những nạn nhân thật sự, nhưng tâm lý nạn nhân là khi ai đó tiếp tục xem mình là nạn nhân dù tổn thương đã qua và không còn mối nguy nào. "Nó giống như một cơ chế phòng vệ giúp họ né tránh cảm giác bất lực, nhưng lại khiến họ mắc kẹt trong vai trò của người luôn bị hại, không thể thay đổi tình huống", bà phân tích.
"Mọi người luôn chống lại tôi"
Khảo sát năm 2023 Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APA), 62% chuyên gia trị liệu cho biết bệnh nhân có xu hướng đổ lỗi cho người khác thay vì tự đánh giá lại chính mình.
Tiến sĩ Kathy McMahon cho rằng người mang tâm lý này tin rằng nếu mâu thuẫn xảy ra, lỗi luôn thuộc về người khác. Quan điểm này khiến họ tự đặt mình vào vị trí vô tội, từ chối trách nhiệm và cho rằng cả thế giới đang tấn công mình.
"Nếu xung đột lặp lại ở nhiều tình huống khác nhau, bạn cần tự xem hành vi của bản thân", bà nói.
"Chẳng ai chịu lắng nghe tôi"
Cụm từ này thường xuất hiện khi người có tâm lý nạn nhân đã được người khác lắng nghe. Tiến sĩ Kim Sage, nhà tâm lý học ở California (Mỹ) cho biết câu nói phủ nhận nỗ lực của người khác và ngăn cản đối thoại, đồng thời là cách tìm sự đồng cảm.
Câu này cũng cùng ý nghĩa với câu "Chẳng ai hiểu tôi đã trải qua những gì". Đây là cách người mang tâm lý của mình tìm sự đồng cảm khi nhận ra mình có thể sai hoặc vấn đề không phải do không được lắng nghe mà do không đạt được ý muốn.
"Tại sao những điều tồi tệ chỉ xảy ra với tôi?"
Tiến sĩ Kim Sage cho biết người mang tâm lý nạn nhân thường không nhận trách nhiệm, cho rằng mọi chuyện xấu đều do yếu tố bên ngoài. Theo báo cáo năm 2024 của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ, 55% chuyên gia nhận định bệnh nhân có xu hướng đổ lỗi hoàn cảnh thay vì nhìn nhận vai trò cá nhân trong các sự kiện tiêu cực.
Tương tự, nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) năm 2023 chỉ ra 60% người gặp căng thẳng tâm lý thường đổ lỗi cho yếu tố bên ngoài thay vì tự chịu trách nhiệm.
"Vậy thì chắc tôi là kẻ xấu"
Đây là cách giả vờ khiêm nhường để giành sự đồng cảm. Theo bà, người nói dùng câu này như chiến thuật, thể hiện mình chịu thiệt trong tranh cãi nhằm khiến đối phương cảm thấy có lỗi. Bà giải thích câu nói này đặt người nghe vào thế khó, bởi nếu phản bác sẽ bị coi là tàn nhẫn, còn nếu an ủi thì lại đồng lõa.
"Dù tôi làm gì, mọi thứ vẫn chẳng thay đổi"
McMahon cho rằng câu nói này thể hiện "sự bất lực kèm theo chút tuyệt vọng". Đây là cách giả vờ từ bỏ cố gắng vì tin rằng mọi thứ sẽ không thay đổi, thực chất nhằm tránh trách nhiệm cá nhân.
Câu nói tương tự Tại sao tôi phải cố gắng thay đổi khi biết sẽ thất bại thể hiện cảm giác chán nản và từ chối thực tế. Cụm từ này thể hiện nỗi buồn sâu sắc đồng thời là cách người nói từ bỏ quyền kiểm soát để chấp nhận tình trạng hiện tại mà không cố gắng thay đổi.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng bước đầu để giải quyết tâm lý nạn nhân là nhận diện rõ các dấu hiệu của nó.
Tiến sĩ Kim Sage khẳng định, khi một người tin rằng chính mình là người kiểm soát cuộc sống và chịu trách nhiệm về hành động của mình, họ sẽ dễ dàng thoát khỏi tâm lý nạn nhân hơn.
Nói cách khác, nếu bạn cảm thấy mình có thể quyết định và thay đổi điều gì đó trong cuộc sống, thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh hay người khác, bạn sẽ ít bị mắc kẹt trong suy nghĩ tiêu cực và có thể tiến lên phía trước. Đây là bước quan trọng để thay đổi cách nhìn và cải thiện cuộc sống.
Ngọc Ngân (Theo Parade)