Những chấn thương phổ biến khi chơi pickleball: Điều bạn cần nắm rõ

(Dân trí) - Pickleball là môn thể thao "quốc dân", bất cứ độ tuổi nào cũng có thể chơi. Tuy nhiên, môn thể thao này tiềm ẩn không ít nguy cơ chấn thương, đòi hỏi người chơi phải trang bị kiến thức tốt.
Pickleball từng được xem là "môn thể thao ngách" ở Mỹ nhưng giờ đây đã trở thành một trong những môn thể thao giải trí phổ biến trên toàn thế giới. Các sân chơi ngày càng xuất hiện nhiều, luật chơi đơn giản, thiết bị không quá đắt và người chơi ngày càng đông, đó là yếu tố giúp pickleball ngày càng thu hút được nhiều người chơi.
Đáng chú ý, theo khảo sát ở Mỹ, số lượng người chơi pickleball trên 55 tuổi gia tăng với tốc độ nhanh nhất trong số các môn thể thao. Tuy nhiên, đi kèm với đó, những chấn thương khi thi đấu pickleball ngày càng nhiều, đặc biệt ở lứa tuổi trên 55 tuổi.
Pickleball có phải là môn thể thao phù hợp với mọi lứa tuổi không?
Trong hầu hết các trường hợp, câu trả lời là có. Lợi ích từ việc tập thể dục, đặc biệt là khi có sự tương tác xã hội, vượt xa rủi ro đối với phần lớn mọi người, đặc biệt là những ai không có nhiều cơ hội vận động hoặc giao lưu.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến nghị người lớn ở mọi lứa tuổi nên tập thể dục cường độ vừa ít nhất 150 phút mỗi tuần. Các nghiên cứu cho thấy việc thường xuyên giao lưu xã hội ở người cao tuổi có thể giúp ngăn ngừa trầm cảm, cô đơn và thậm chí là một số vấn đề về trí nhớ.
Dĩ nhiên vẫn có ngoại lệ. Những chuyển động cường độ cao khi lao nhanh trên sân có thể gây vấn đề cho người mắc bệnh tim. Việc di chuyển đột ngột trên mặt sân cứng có thể gây nguy cơ gãy xương ở người có mật độ xương thấp. Chơi khi đang bị chấn thương có thể làm trầm trọng thêm tình trạng xương hoặc cơ đã bị tổn thương. Trời mưa làm tăng nguy cơ trượt ngã khi chơi ngoài trời, còn các trận đấu vào mùa hè nắng nóng thì có thể dẫn đến say nắng.
Trong mọi trường hợp, các chuyên gia khuyến cáo người chơi nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thay đổi đột ngột thói quen vận động, đặc biệt là với những người có bệnh lý nền hoặc nguy cơ chấn thương cao.
Những chấn thương phổ biến nhất là gì?
Các chấn thương phổ biến thường đến từ tai nạn bất ngờ trên sân (như vấp ngã hoặc trượt khi cố đuổi theo bóng) hoặc chấn thương do lặp lại động tác, tương tự như hội chứng khủyu tay tennis hay "tay ném bóng chày". Trong nhóm đầu tiên, các phân tích dữ liệu từ các bệnh viện cho thấy phần lớn các chấn thương cần nhập viện xảy ra ở chân và cổ tay. Mỗi người chơi có xu hướng bị chấn thương ở những vùng khác nhau.
Một nghiên cứu theo dõi dữ liệu y tế từ năm 2000 đến năm 2022 đã ghi nhận tỉ lệ gãy xương gia tăng cùng với sự phổ biến của pickleball, với số ca gãy xương ở người cao tuổi tăng gấp 11 lần trong giai đoạn 2010-2019. Trong tổng số 397 ca gãy xương được ghi nhận, phần lớn là ở phụ nữ trên 60 tuổi, điều này không đáng ngạc nhiên vì phụ nữ sau mãn kinh thường bị mất xương.
Tới 92% số ca gãy xương trong nghiên cứu này là do ngã, bao gồm cả trường hợp người chơi cố tình trượt hoặc nhào người để cứu bóng nhưng tiếp đất không chuẩn. Các vị trí bị gãy phổ biến nhất là xương quay (radius), xương cánh tay (humerus) và xương trụ (ulna), đó là ba xương chính ở tay.
Gãy chân và mắt cá cũng có thể xảy ra. Có 5 người bị gãy xương sườn và 12 người bị chấn thương đầu. Tuy nhiên, gần 80% bệnh nhân đã được xuất viện trong ngày, những người còn lại thường lớn tuổi hơn (tuổi trung bình là 70) và có nhiều chấn thương ở thân người hơn (bao gồm 4/5 ca gãy xương sườn).
Bong gân và chấn thương cơ bắp phổ biến hơn gãy xương và rất khó phục hồi. Một nghiên cứu khác cho thấy 90,9% người bị chấn thương khi chơi pickleball là từ 50 tuổi trở lên, trong đó bong gân và giãn cơ chiếm 28,7%, thậm chí còn nhiều hơn tỷ lệ gãy xương. Những chấn thương này thường xảy ra ở chân nhiều hơn là gãy xương, và chỉ có 12% bệnh nhân phải nằm viện dài ngày.
Một số người chơi pickleball đã phải đến phòng cấp cứu vì vấn đề tim mạch hoặc say nắng. Pickleball dường như không có rủi ro cao hơn các hình thức vận động khác về mặt mất nước hoặc tuần hoàn máu, nhưng người chơi vẫn nên chú ý đến việc bổ sung nước và theo dõi các triệu chứng.
Tuổi tác có ảnh hưởng nhiều không?
Tuổi tác không dễ để định lượng thành giới hạn và sẽ khác nhau ở mỗi người. Bản thân tuổi tác có thể là rào cản trong việc bắt đầu môn thể thao mới, nhưng đó chỉ là một yếu tố. Việc bắt đầu một môn thể thao đòi hỏi vận động tim mạch ở bất kỳ độ tuổi nào đều có thể gây khó khăn nếu trước đó không thường xuyên tập thể dục.
Ches Jones (nhà nghiên cứu về chấn thương thể thao từ năm 1990 ở Đại học Arkansas) khuyến nghị nên đi khám để đánh giá sức khỏe tim mạch trước khi gia tăng cường độ tập luyện, nhằm phát hiện sớm các vấn đề về tim mạch.
Tương tự, mật độ xương thường giảm theo tuổi, đặc biệt là sau mãn kinh, nhưng ngay cả người trẻ mắc loãng xương cũng nên cân nhắc giữa lợi ích của môn chơi và nguy cơ gãy xương.
Nhìn chung, tuổi tác không phải là vấn đề chính bằng những vấn đề sức khỏe thường đi kèm với nó. Người cao tuổi nếu được kiểm tra sức khỏe định kỳ và tuân thủ lời khuyên của bác sĩ thì có thể xem pickleball là một cách vận động ít rủi ro.
So sánh với các môn thể thao tương tự thì sao?
Thật khó để so sánh chính xác tỉ lệ chấn thương giữa các môn thể thao, đặc biệt là vì pickleball đã trở nên cực kỳ phổ biến với người lớn tuổi và những người mới tập luyện. Ches Jones cho biết từ năm 1990 đến nay, ông chưa từng thấy một môn thể thao nào phổ biến nhanh chóng như vậy với nhóm tuổi trên 50.
Môn thể thao được so sánh nhiều nhất là tennis, điều này không lạ gì với các tay vợt tennis khi phải chia sẻ sân với người chơi pickleball. Pickleball có sân nhỏ hơn, lưới thấp hơn và yêu cầu bóng phải bật một lần ở khu vực "bếp" (gần lưới) nên bóng di chuyển chậm hơn, giúp giảm nguy cơ chấn thương do bóng hoặc khi đuổi theo bóng. Ngoài ra, tennis là môn thể thao đã có từ lâu, nên người chơi đã quen với yêu cầu thể chất và ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố "người mới".
Một yếu tố khác là độ tuổi trung bình của người chơi mới. Theo một nghiên cứu, hơn 1/3 người chơi pickleball mới có tuổi từ 55 trở lên, và nhiều người trong số đó chơi ít nhất 8 lần mỗi năm. Năm đầu tiên số ca cấp cứu liên quan đến người cao tuổi chơi pickleball ngang bằng với tennis là 2018. Kể từ đó, số ca chấn thương ở người chơi dưới 40 tuổi vẫn ổn định, tăng nhẹ ở nhóm 40-59 và tăng vọt ở nhóm trên 60.
Ở cả tennis và pickleball, chấn thương mắt rất hiếm và chủ yếu do bị bóng đánh trúng. Các nhà phân tích chấn thương cho rằng pickleball có thể an toàn hơn tennis về mặt nguy cơ tim mạch, do bóng nhẹ hơn, sân nhỏ hơn và nhiều người chơi đôi hơn, giúp giảm lượng vận động.
Làm sao để giảm chấn thương?
Dù có một số ca chấn thương do bị bóng hoặc vợt va vào, phần lớn lại đến từ việc vấp ngã, quay người đột ngột và những chuyển động gấp gáp khác. Tin tốt là những điều này có thể giảm được nhờ vào các biện pháp rèn luyện thể lực nói chung.
Các chuyên gia khuyến nghị nên khởi động kỹ và tăng cường thể lực, cả cơ bắp lẫn tim mạch. Kết hợp pickleball với chạy bộ, bơi lội, đạp xe hoặc tập thể dục thường xuyên là cách tốt để tăng sức bền. Với người mới chơi sau thời gian dài ít vận động, Chuyên gia Jones khuyên nên bắt đầu bằng vài trận nhẹ và tăng dần cường độ. Ngoài ra, vì phần lớn chấn thương xảy ra ở tay và chân, việc sử dụng nẹp hoặc đồ hỗ trợ khớp là một lựa chọn tốt.
Pickleball có phải là lựa chọn tốt để rèn luyện không?
Chuyên gia Jones cho rằng có. Sân nhỏ, bóng nhẹ và thời lượng trận đấu ngắn là những yếu tố giúp môn này dễ tiếp cận với người mới. Ông cũng khẳng định những lợi ích chỉ đạt được khi bạn thực sự chơi, vì vậy việc tránh chấn thương là điều quan trọng.
Với người mới, ông khuyên nên so sánh pickleball với thói quen vận động hiện tại của bản thân. Những người đã tập thể dục thường xuyên vẫn nên khởi động từ từ để tránh kiệt sức. Còn những ai lâu rồi không vận động, dù từng rất khỏe, thì nên kiểm tra sức khỏe trước, đặc biệt là tim mạch, vì đây là nguyên nhân phổ biến nhất của vấn đề sức khỏe ở người chơi lớn tuổi mà nhiều khi không được phát hiện sớm.