Nhảy đến nội dung
 

Những câu chuyện nhạc đỏ: Ca khúc cách mạng khoác chiếc áo mới

Từ những ca khúc cổ vũ tinh thần trong thời chiến, nhiều ca khúc cách mạng hay "nhạc đỏ" trong thời gian qua đã có một sự "phục hưng" ấn tượng khi đến gần với khán giả trẻ.

Từ triệu view đến hot TikTok

Sau hơn một năm lên sóng, chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai 2024 đã gặt hái được nhiều thành công. Là chương trình hướng đến khán giả trẻ nên dòng nhạc của từng tập khá đa dạng, nhưng điều bất ngờ là các phần trình diễn nhạc đỏ lại được yêu thích đặc biệt. Theo đó, tiết mục Mẹ yêu con trong vòng chung kết, tính đến nay, đã thu về gần 15 triệu lượt xem trên YouTube - một con số vô cùng ấn tượng, trong khi Chiếc khăn Piêu, Áo mùa đông cũng thu về những thành tích đáng ghi nhận, với lần lượt 7 triệu và 1,8 triệu lượt xem.

Nối tiếp thành công đó, hướng đến ngày lễ lớn của dân tộc, nhiều nghệ sĩ cũng cho ra mắt các sản phẩm làm mới nhạc đỏ của mình. Có thể kể đến Viết Thu với EP Giai điệu tổ quốc gồm những ca khúc nổi tiếng như Bài ca may áo, Cô gái mở đường, Tình ca... được làm mới bằng nhiều phong cách mới mẻ như alternative rock, trap, house... Đức Tuấn sau album Những bài ca không quên tạo được dấu ấn 10 năm trước cũng quay lại với phần 2 mang tên 50, gồm 11 ca khúc với các bản phối đa dạng thể loại như symphonic rock, swing, rap, pop-rock... Có màu sắc sang trọng và thế mạnh là bán cổ điển, nam ca sĩ tiếp tục gây được ấn tượng lẫn sự bất ngờ, nhất là màn kết hợp với rapper Đinh Tiến Đạt trong ca khúc Đất nước trọn niềm vui.

Nhóm Oplus nhân dịp này cũng phát hành EP #1945 gồm cả những bài hát kinh điển như Tiếng chày trên Sóc Bom Bo, Đoàn vệ quốc quân... lẫn sáng tác mới hướng đến quê hương, đất nước, được thể hiện bằng lối acapella và các bè phối hòa quyện... Bên cạnh âm nhạc thì phần nhìn của dự án này cũng được lấy ý tưởng từ chiếc tem bưu chính vốn là biểu tượng của đường dây thông tin liên lạc. Một ban nhạc nổi tiếng khác là nhóm rock Ngũ Cung cũng bất ngờ làm mới ca khúc Lá đỏ với tinh thần "kết nối di sản - hướng đến tương lai", khi kết hợp với một chút yếu tố dân gian, từ đó mang đến nhiều cảm nhận mới cho ca khúc đã quá quen thuộc của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, lời thơ của Nguyễn Đình Thi.

Chia sẻ với Thanh Niên về phản ứng của khán giả với dự án Giai điệu tổ quốc, nam ca sĩ Viết Thu cho biết: "Các bài hát trong EP được các khán giả trẻ đón nhận rất nồng nhiệt trên mạng xã hội, đặc biệt là TikTok. Dưới phần bình luận, nhiều khán giả thấy thích thú và bị hấp dẫn bởi bản phối mới của tôi và cách thể hiện tuy mới nhưng vẫn giữ được tinh thần tác phẩm. Nhiều bạn cũng đặt ra câu hỏi về cách hát, đặc biệt là hát tiếng Nam bộ, cũng như muốn có thêm những bản karaoke để có thể hát cùng. Đó là những điều làm tôi rất hạnh phúc. Qua đó có thể thấy người nghe vẫn ưng những điều mới mà hay".

Làm mới trong tinh thần "mở"

Là dòng nhạc có tinh thần hào hùng và giữ một vị thế quan trọng trong dòng lịch sử, nên làm mới nhạc đỏ cũng cần hiểu biết và thận trọng. Nói thêm về cách bản thân thực hiện, Viết Thu cho biết: "Tôi có cái nhìn của người trẻ yêu nhạc đỏ, yêu lịch sử văn hóa. Trở thành người kể chuyện sau 50 năm hòa bình, nên tôi chọn cái nhìn thời cuộc nhẹ nhàng và phù hợp với xu thế đổi mới của đất nước. Đồng thời là người được học hành bài bản, tôi biết cách để giữ lại tinh thần nhạc đỏ, cách giao thoa giữa mới và cũ để tinh thần mà các nhạc sĩ gửi gắm không bị mất đi". Anh cũng chia sẻ: "Khi làm mới nhạc đỏ, điều quan trọng nhất là hãy làm bằng cả trái tim và phải có sự hiểu biết. Điều này cũng đúng với mọi thể loại, vì dòng hay nhánh nhạc nào cũng có những đặc trưng riêng biệt".

Đức Tuấn cũng bộc bạch thông thường với những album nhạc cách mạng, người thực hiện lẫn người nghe thường sẽ mặc định những lối hòa âm và cách hát đặc trưng, nên phần âm nhạc sẽ tương đối thống nhất từ đầu đến cuối. Nhưng với 50, trong tinh thần "mở", anh và nhà sản xuất Lê Thanh Tâm đã hướng các ca khúc đến "không gian" của hôm nay, để các bài hát ấy trở nên thân thuộc, gần gũi với khán giả trẻ như thể đó là những bài ca của hiện tại. Tuy vậy vì vẫn dựa trên tinh thần âm nhạc và bối cảnh lịch sử khi bài hát ra đời mà giá trị nguyên bản của các ca khúc vẫn được giữ nguyên. Và qua dự án này, giới trẻ có thể hát lên mà vẫn cảm thấy những tác phẩm ấy như viết cho mình.

Sự giao thoa với tinh thần trẻ này cũng có thể thấy tại 4 đêm concert Anh trai vượt ngàn chông gai vừa qua, khi khán giả luôn bùng nổ cảm xúc mỗi khi giai điệu của các bài nhạc đỏ vang lên. Chẳng hạn ca khúc Mẹ yêu con tuy vẫn giữ lại âm hưởng da diết, sâu lắng của cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nhưng các nghệ sĩ cũng thêm vào đó đoạn rap hay X-part mới được sáng tạo như cuộc đối thoại giữa nhiều thế hệ. Trong khi đó ca khúc Chiếc khăn Piêu thì được phối mới với phong cách điện tử kết hợp cùng các âm thanh Tây Bắc đặc trưng. Khi chứng kiến việc làm mới, tác giả - nhạc sĩ Doãn Nho chia sẻ mỗi một thế hệ đều có một ngôn ngữ âm nhạc riêng nên bản thân ông cũng rất bất ngờ và hạnh phúc khi ca khúc của mình đến được với thế hệ mới.

Nhóm Oplus cho biết bằng những bản phối và cách thể hiện mang hơi thở thời đại, nhóm hy vọng EP lần này sẽ là sợi dây kết nối giữa các thế hệ sinh ra trong thời chiến, thời hậu chiến và thế hệ gen Z ngày nay. Nhóm cũng bật mí #1945 là dự án chỉ có điểm đầu và không giới hạn điểm cuối, nên trong tương lai sẽ còn nhiều chuỗi nối tiếp được thực hiện... Từ những điều trên có thể thấy rằng nhạc đỏ luôn có sức hút với thế hệ mới, nếu các nghệ sĩ biết cách tiếp biến, vừa giữ được tinh thần cốt lõi nhưng cũng đồng thời phát triển thêm nữa sao cho phù hợp với hơi thở thời đại.