Nhảy đến nội dung
 

Những bức tranh lung linh được 'vẽ' bằng… búa

TP - Có thể nói Bùi Quốc Toản là họa sĩ đầu tiên mở đường cho nghệ thuật chạm kính thành tranh ở Việt Nam. Thay vì dùng cọ anh dùng búa gõ lên kính, tạo ra những vết rạn, hình thành bức tranh như ý. Tranh kính của họa sĩ Bùi Quốc Toản có ưu điểm bền vững với thời gian, dưới đèn chiếu, tranh lấp lánh như ngọc ngũ sắc, khiến người xem không thể rời mắt.

TP - Có thể nói Bùi Quốc Toản là họa sĩ đầu tiên mở đường cho nghệ thuật chạm kính thành tranh ở Việt Nam. Thay vì dùng cọ anh dùng búa gõ lên kính, tạo ra những vết rạn, hình thành bức tranh như ý. Tranh kính của họa sĩ Bùi Quốc Toản có ưu điểm bền vững với thời gian, dưới đèn chiếu, tranh lấp lánh như ngọc ngũ sắc, khiến người xem không thể rời mắt.

Vẻ đẹp từ những vết rạn

Kính làm tranh được họa sĩ đặt riêng từ một đơn vị sản xuất kính theo tiêu chuẩn châu Âu, đảm bảo an toàn. Dụng cụ để làm tranh kính chỉ gồm bút dạ và búa. Đầu tiên anh dùng bút dạ phác thảo tranh thật mờ, sau đó dùng búa đập. Lúc đầu anh gọi những tác phẩm độc đáo ấy là nghệ thuật kính vỡ. Nhiều người hiểu sai, họ cho rằng họa sĩ dùng những mảnh kính đã bị vỡ, ghép lại thành tranh, sau đó rắc kim tuyến óng ánh lên. Trong khi sự thể hoàn toàn khác: “Tôi dùng búa tác động lên bề mặt tấm kính khiến nó bị rạn ra nhưng không gây vỡ”, anh giải thích. Vì vậy, anh quyết định đổi tên thành nghệ thuật chạm kính.

Quan sát họa sĩ Bùi Quốc Toản thực hành dùng búa đập lên kính tạo thành tranh, ai cũng nghĩ thật đơn giản, chỉ đến khi họ làm thử mới thấy chạm kính thành tranh không phải chuyện đùa: Đập nhẹ không thành vết rạn, đập mạnh gây thủng hoặc vỡ kính. Bùi Quốc Toản cũng phải bỏ đi nhiều tấm kính hỏng mới có được những tác phẩm nghệ thuật gây bất ngờ vì hiệu ứng đặc biệt.

Những bức tranh lung linh được 'vẽ' bằng… búa ảnh 1

Họa sĩ chỉ dẫn cách tạo tác cho khách thăm triển lãm

Chất liệu kính với nghệ thuật chạm thích hợp hơn cả khi làm tranh chân dung. Vẽ chân dung lãnh tụ vốn là niềm đam mê của Bùi Quốc Toản từ khi còn là sinh viên Trường Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Anh kể: “Ngay năm thứ nhất tôi đã vẽ chân dung Bác Hồ. Bức tranh đó hiện nay vẫn treo ở quê tôi. Tôi chọn chất liệu sơn dầu để vẽ chân dung lãnh tụ. Hồi ấy, sơn dầu quý và hiếm, tôi chỉ xin được một chút đủ để vẽ chân dung Bác, phần còn lại của bức tranh phải dùng sơn dầu tự chế từ bột màu nhà trường phát cho sinh viên và dầu lanh. Gần 30 năm trôi qua, tranh vẫn như lúc đầu, không có dấu hiệu bị hỏng. Khi đã ra trường tôi tiếp tục vẽ Bác Hồ và các lãnh tụ để tặng, không bán”.

Những bức tranh lung linh được 'vẽ' bằng… búa ảnh 2

Họa sĩ Bùi Quốc Toản bên chân dung lãnh tụ, nhà cách mạng nổi tiếng Việt Nam

Đến nay, Bùi Quốc Toản không nhớ nổi đã vẽ bao nhiêu bức chân dung Bác Hồ. Bức tranh đầu tiên của Bùi Quốc Toản ra đời từ nghệ thuật chạm kính cũng lấy nguồn cảm hứng từ vị cha già vĩ đại của dân tộc, kích thước 50 cm x 50 cm. Từ đây, anh ấp ủ làm một triển lãm tranh “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam, giới thiệu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ học trò xuất sắc của Người như cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố Tổng Bí thư Trường Chinh, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, cố Tổng Bí thư Đỗ Mười, cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Triển lãm ra mắt ngày 5/4 đến hết ngày 20/4, tại số 2 Lê Thái Tổ (Hà Nội) thu hút đông khách trong nước và quốc tế. “Sáng trong ngọc kính” là tên triển lãm, do họa sĩ tự đặt. Anh nói: “Kính là một chất liệu rất thích hợp làm chân dung lãnh tụ, cũng là chất liệu rất gần với người dân Việt Nam. Kính được tôi trong lửa và trở nên trong suốt, khi có tác động của búa tạo ra vết rạn, những vết rạn được đèn chiếu vào phát ra ánh sáng ngũ sắc lung linh. Vẻ đẹp ấy biểu trưng cho phẩm chất của Bác Hồ và các học trò của Người - sáng trong, không vẩn đục”.

Muốn chinh phục những con đường khó

Những bức tranh lung linh được 'vẽ' bằng… búa ảnh 3

Họa sĩ Bùi Quốc Toản thực hiện chạm kính thành tranh ngay trong triển lãm

Bùi Quốc Toản không chọn vải, chọn giấy, chọn cọ để vẽ, lại chọn kính, chọn búa để làm tranh. Mỗi bức tranh từ kính khá nặng, tác phẩm có kích thước 1m x 1,5m nặng trên 30 kg. Vì thế, không thể treo tranh kính của Bùi Quốc Toản theo những cách phổ biến hiện nay. Hỏi họa sĩ: Vì sao anh cứ thích chọn đường khó cho mình? Bùi Quốc Toản đáp: “Tôi thích chinh phục đường khó”. Không chỉ làm khó bản thân bằng chất liệu và nghệ thuật làm tranh, Bùi Quốc Toản chọn làm chân dung các lãnh tụ cũng là tự thách thức bản thân. Các lãnh tụ được nhân dân kính yêu, làm sao để tác phẩm có hồn đi vào lòng người xem không dễ.

Những bức tranh lung linh được 'vẽ' bằng… búa ảnh 4

Chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Bùi Quốc Toản bật mí: Chân dung Bác Hồ và chân dung các vị lãnh tụ khác trong triển lãm “Sáng trong ngọc kính” anh chỉ làm một lần là thành công. Quá trình đập kính không xảy ra sai sót khiến chính tác giả cũng ngạc nhiên. Trong triển lãm “Sáng trong như ngọc”, còn có một tác phẩm lạc dòng, khắc họa chân dung cố nhạc sĩ Văn Cao, tác giả Quốc ca cùng nhiều nhạc phẩm nổi tiếng khác. Chân dung Văn Cao là một trong hai tác phẩm được Bùi Quốc Toản làm sớm nhất và tiêu tốn ít thời gian nhất: “Tôi làm chân dung Văn Cao chỉ trong 2 giờ”, anh nói. Có thể một ngày nào đó Bùi Quốc Toản sẽ giới thiệu triển lãm chạm kính thành tranh với loạt chân dung văn nghệ sĩ nổi tiếng trong nước. Đã thấy anh làm “Ông hoàng nhạc pop” Michael Jackson, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn…

Những bức tranh lung linh được 'vẽ' bằng… búa ảnh 5

Chân dung nhạc sĩ Văn Cao

Con đường đến với nghệ thuật chạm kính thành tranh của Bùi Quốc Toản hoàn toàn tình cờ. Anh kể: “Tôi đi vào gara ô tô, trong quá trình ngồi đợi bảo dưỡng xe mới nhìn thấy tấm kính hỏng do gara thải ra. Tôi đoán, tấm kính ấy bị đá đập vào tạo thành những vết rạn có hình thù rất đẹp. Vốn hay tưởng tượng nên tôi nhìn ra con hổ trên tấm kính. Thế là tôi nhặt tấm kính về nhà thử đập tiếp xem có làm thành tác phẩm nghệ thuật được không. Làm xong, thấy ổn nên tôi đi xin tiếp những tấm kính ô tô còn tương đối lành sau va đập, về nhà tiếp tục đập thành tranh”. Hơn một năm theo đuổi nghệ thuật chạm kính thành tranh, Bùi Quốc Toản đã quên cây cọ, chỉ nhớ đến búa. Họa sĩ cầm búa thay cọ ở Việt Nam đến nay chắc chỉ có một người.

Chạm kính thành tranh không bó hẹp đề tài. Bùi Quốc Toản có thể tạo ra những bức tranh khỏa thân đẹp đến sững sờ bằng hình thức này. Ngay cả tranh khỏa thân bằng chất liệu sơn mài truyền thống có dát vàng bạc cũng không thể mang lại hiệu ứng “bling” (lấp lánh) như thứ ánh sáng hình thành từ những vết rạn của kính được đèn chiếu vào.

Nông Hồng Diệu