Những âm thanh khó nghe trên khán đài V-League

Tôi vẫn thường xuyên theo dõi các trận đấu bóng đá của giải vô địch quốc gia (V-League) được phát trực tiếp mỗi tuần trên truyền hình. Thú thật là tôi theo dõi vì tình cảm với bóng đá nước nhà.
Để thưởng ngoạn bóng đá thì tôi sẽ lựa chọn xem một số giải vô địch quốc gia châu Âu cũng được phát sóng trên nhiều nền tảng (truyền hình, internet..) rất phong phú và thuận tiện.
Xem bóng đá châu Âu ngoài việc được thưởng thức bóng đá ở trình độ và đẳng cấp cao còn được tận thấy tính chuyên nghiệp từ khâu tổ chức cho đến việc cổ vũ từ khán đài.
Chúng ta cũng mang tiếng chuyên nghiệp nhưng thật sự so sánh với các nền bóng đá phát triển thì chẳng khác gì so sánh trình độ của học sinh tiểu học với học sinh phổ thông trung học, thậm chí là sinh viên đại học.
Có rất nhiều rào cản cả khách quan và chủ quan ngăn chúng ta tiệm cận với trình độ các nền bóng đá tiên tiến: tiềm lực kinh tế, vóc dáng nhỏ bé của người Việt, thiếu chuyên gia, thiếu cơ sở vật chất hiện đại... Đó là một câu chuyện rất dài.
Tuy nhiên, tôi thấy có một vấn đề chúng ta có thể học hỏi và làm theo họ ngay được là việc cổ vũ trên các khán đài.
Theo dõi bóng đá châu Âu tôi thấy khán giả họ đến sân rất đông, tạo ra những âm thanh cổ vũ cực kỳ sôi động nhưng lại vô cùng mạch lạc, có nhịp điệu rõ ràng.
Các cổ động viên đến sân thường hát vang những bài hát truyền thống của câu lạc bộ hoặc những bản nhạc liên quan đến bóng đá. Âm nhạc phụ họa cũng hết sức sôi động và cuốn hút được thực hiện bởi những DJ chuyên nghiệp.
Trong khi đó ở ta khán giả đến sân vừa không đông lại rất rời rạc, mạnh ai người nấy la hét. Âm nhạc thì không có gì ngoài vài cái trống và kèn. Xem các trận đấu dù ngoài Bắc hay trong Nam thì cũng chỉ nghe tiếng kèn chói tai với những bản nhạc chẳng liên quan gì tới bóng đá.
Thậm chí có những nhạc công không thuộc nhiều bài hát người lớn nên chỉ thổi những bài bản nhạc dành cho lứa tuổi mẫu giáo. Cá biệt có những trận bóng mà nghe tiếng kèn không khác gì kèn đám ma.
Mới cách đây ít hôm khi đang xem trên truyền hình một trận đấu trong khuôn khổ V-League có một đội bóng mà tôi khá yêu thích, nhưng xem dở chừng tôi phải chuyển kênh vì không thể chịu được âm thanh khó nghe từ những chiếc kèn được thổi liên tục từ trên khán đài.
Sự cổ vũ của khán giả từ trên những khán đài là một phần rất quan trọng và không thể thiếu của một trận bóng đá. Sự cổ vũ chuyên nghiệp, sôi động sẽ làm tăng thêm tính hấp dẫn của mỗi trận đấu, truyền thêm tinh thần, động lực cũng như năng lượng cho các cầu thủ, giúp họ thi đấu nhiệt tình, máu lửa và cống hiến hơn.
Tôi nghĩ ngoài việc đầu tư về chuyên môn và cơ sở vật chất cho các giải đấu chuyên nghiệp thì VFF, VPF và các câu lạc bộ cũng nên chú trọng đến chất lượng cổ vũ từ trên những khán đài.
Mỗi trận đấu ban tổ chức phải tìm cách thu hút được nhiều khán giả đến sân hơn, tổ chức các câu lạc bộ người hâm mộ (Fan Club) quy củ, chuyên nghiệp. Mỗi câu lạc bộ nên có một hoặc một số bài hát truyền thống của riêng mình.
VFF, VPF cũng có thể thuê người sáng tác bài hát riêng cho từng giải đấu để khán giả có cái mà cổ vũ.
Mỗi trận đấu trên khán đài nên có người cầm trịch để việc cổ vũ làm sao cho thống nhất, đồng đều, có sự cộng hưởng để tăng tính sôi động nhưng cũng phải văn minh và hiện đại. Có bản sắc riêng càng tốt nhưng nói chung trên khán đài phải sôi động và mang màu sắc bóng đá chứ không phải xem bóng đá nhưng lại phải nghe những thứ chẳng ăn nhập gì bóng đá.
Lê Quảng Đại