Những ai đưa hối lộ nhưng không bị xử lý hình sự?

Vừa qua, cơ quan tố tụng đã miễn trách nhiệm hình sự cho nhiều người đưa hối lộ. Vậy khi nào đưa hối lộ mới bị khởi tố, hay không phạm tội, được miễn trách nhiệm?
3 người đưa hối lộ được miễn trách nhiệm hình sự là ai?
Hôm 9.5 vừa qua, Công an tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can về tội đưa hối lộ đối với Trần Gia Phúc (34 tuổi), Đỗ Thị Thảo (43 tuổi) và Lê Thị Thu (34 tuổi).
Lý do mà công an đưa ra, sau khi tiến hành điều tra thấy trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng khắc phục, hạn chế hậu quả của tội phạm.
Từ đó, cơ quan điều tra căn cứ điểm a khoản 1 điều 230 bộ luật Tố tụng hình sự, điểm c khoản 2 điều 29 bộ luật Hình sự và khoản 7 điều 364 bộ luật Hình sự để miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo.
Cuối năm 2022, Trần Ngọc Bính lấy ô tô chở Trần Gia Phúc đi đánh bạc cùng một số người khác tại TP.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông thì bị công an bắt quả tang. Sau đó, Bính nhờ người chạy án giúp.
Biết Hồ Nhanh quen biết rộng rãi với người có chức vụ, nên Lê Văn Thắng đến gặp Hồ Nhanh. Người này báo giá lo trắng án 150 triệu đồng. Thế nhưng, thực chất Hồ Nhanh không tác động đến bất kỳ ai. Chị dâu của Bính là Đỗ Thị Thảo và vợ Lê Thị Thu cùng với Yên Văn Mậu đã đưa cho Thắng 300 triệu đồng. Thắng đưa lại cho Hồ Nhanh hơn 150 triệu đồng.
Dù đã đưa tiền để chạy án, nhưng năm 2023, Bính vẫn bị bắt và bị khởi tố về hành vi đánh bạc. Từ đó, Yên Văn Mậu, Lê Thị Thu đến công an tố giác hành vi của Lê Văn Thắng.
Đến năm 2023, Trần Gia Phúc, Đỗ Thị Thảo, Lê Thị Thu cùng với Trần Ngọc Bính, Yên Văn Mậu bị khởi tố, truy tố ra TAND TP.Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) về tội đưa hối lộ. Riêng Hồ Nhanh bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lê Văn Thắng bị truy tố tội môi giới hối lộ.
Trong quá trình TAND TP.Gia Nghĩa mở phiên tòa xét xử, tại tòa, luật sư Mai Văn Hiệp (Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk) bào chữa cho các bị cáo theo hướng không phạm tội đưa hối lộ. Vì thế, nhiều lần mở phiên tòa nhưng tòa án vẫn không thể kết tội các bị cáo.
Khi nào mới bị khởi tố tội đưa hối lộ?
Vậy theo quy định pháp luật, những trường hợp như thế nào mới bị khởi tố tội đưa hối lộ?
Trao đổi với Báo Thanh Niên, luật sư - TS Nguyễn Thị Kim Vinh (Công ty luật TNJ, nguyên thẩm phán TAND tối cao) phân tích:
Căn cứ điều 364 bộ luật Hình sự 2015, người đưa hối lộ sẽ bị xử lý hình sự khi trực tiếp hoặc qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác (có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên) hoặc lợi ích phi vật chất cho người có chức vụ, quyền hạn.
Mục đích là để họ làm, hoặc không làm một việc vì lợi ích, hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Về mặt chủ quan thì đây là lỗi cố ý trực tiếp. Nghĩa là người đưa hối lộ nhận thức rõ được hành vi của mình.
Khi nào không bị xử lý tội đưa hối lộ?
Theo luật sư - TS Nguyễn Thị Kim Vinh, khi không đáp ứng được yếu tố định lượng trong cấu thành của tội đưa hối lộ (như đưa lợi ích hoặc tiền, tài sản, vật chất khác có giá trị dưới 2 triệu đồng), căn cứ điều 21 Nghị định 144 năm 2021, người đưa hối lộ có thể bị xử phạt hành chính từ 6 - 8 triệu đồng.
Người đưa hối lộ bị ép buộc (bị đe dọa, cưỡng bức, gây áp lực...) dẫn đến việc phải đưa hối lộ, sau đó phải chủ động khai báo toàn bộ sự việc trước khi bị phát giác bởi cơ quan chức năng, sẽ được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Quy định này thể hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước, nhằm bảo vệ những người yếu thế, bị lợi dụng và khuyến khích họ tố giác tội phạm tham nhũng.
"Tội đưa hối lộ chỉ truy cứu trách nhiệm đối với cá nhân, không có trách nhiệm đối với pháp nhân", luật sư Kim Vinh nói.
Khi nào được miễn trách nhiệm hình sự?
Miễn trách nhiệm hình sự là người phạm tội đã thực hiện hành vi cấu thành tội phạm, nhưng do đáp ứng các điều kiện nhất định mà không phải chịu hậu quả pháp lý hình sự của tội đó.
Đối với tội đưa hối lộ, có 2 trường hợp được xem xét miễn trách nhiệm hình sự:
Thứ nhất, căn cứ khoản 7 điều 364 bộ luật Hình sự 2015, người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì "có thể được miễn trách nhiệm hình sự", và được trả lại một phần, hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Việc "có thể được miễn trách nhiệm hình sự" sẽ phụ thuộc vào quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, dựa trên mức độ hợp tác, sự thành khẩn, tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi, và các yếu tố khác liên quan đến việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Thứ hai, người đưa hối lộ còn có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của điều 29 bộ luật Hình sự 2015.
Cụ thể, người đưa hối lộ đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 1 điều 29 bộ luật Hình sự 2015 khi có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, hoặc có quyết định đại xá.
Ngoài ra, người đưa hối lộ có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 điều 29 bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể: