Nhóm nạn nhân thường bị bỏ quên sau thảm họa thời tiết

Sau mỗi thảm họa, tầng lớp trung lưu thường rơi vào khoảng trống hỗ trợ vì không đủ nghèo để nhận tiền trợ cấp nhưng cũng không đủ giàu để tự phục hồi.
![]() |
Một người đàn ông vật lộn với chiếc ô khi đi bộ ngược gió mạnh. Khi cơn bão đi qua Hong Kong (Trung Quốc), lượng mưa đã lên tới hơn 110 mm trong vòng 3 giờ và sức gió giật mạnh nhất đã vượt quá 167 km/h tại một số điểm. Ảnh: Reuters. |
Ngày 20/7, bão Wipha đổ bộ vào khu vực phía nam Trung Quốc với sức gió giật cấp 13-14, khiến hơn 260.000 người phải sơ tán. Trước đó, cơn bão này đã quét qua Philippines, gây thiệt mạng ít nhất 3 người và ảnh hưởng tới hơn 370.000 người dân. Tại Hong Kong (Trung Quốc), cảnh báo bão cấp 10, mức cao nhất, cũng được phát đi lần đầu tiên kể từ siêu bão Saola năm 2023.
Trung Quốc hay Philippines đều là những nơi có kinh nghiệm ứng phó thiên tai dày dạn, với hệ thống sơ tán, cảnh báo sớm và hạ tầng tương đối hoàn thiện. Dù vậy, thiệt hại mà bão Wipha để lại vẫn rất nghiêm trọng, từ giao thông tê liệt đến thương tích, thiệt hại kinh tế và khủng hoảng sinh kế sau bão.
Những gì xảy ra tại các quốc gia này một lần nữa đặt ra bài toán: Làm sao để không chỉ "sống sót qua bão" mà còn có thể phục hồi sau đó.
Các nghiên cứu chỉ ra một vấn đề thường gặp trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ người dân phục hồi sau thiên tai ở nhiều quốc gia: bỏ quên nạn nhân thuộc tầng lớp trung lưu. Nhóm này không đủ nghèo để nhận trợ cấp nhưng cũng chưa đủ giàu để tự trang trải chi phí sữa chữa nhà cửa, theo sách Soaking the Middle Class (Tạm dịch: Tầng lớp trung lưu bị ngấm nước) của 2 nhà xã hội học Anna Rhodes và Max Besbris.
"Vùng trũng" chính sách của Mỹ
Vài năm trước cơn bão lịch sử Harvey 2017, Erin và Paul, một cặp vợ chồng ở độ tuổi 40 sống, đã mua được một ngôi nhà gạch hai tầng tại Friendswood (bang Texas, Mỹ). Họ xem đây là "ngôi nhà vĩnh viễn" của gia đình. Song, điều đó không giúp nó tránh khỏi lũ lụt.
Khi bão Harvey đổ bộ, dòng nước từ con sông nhỏ gần nhà tràn bờ và làm ngập toàn bộ tầng trệt. Ngôi nhà của Erin và Paul bị phá hủy gần như hoàn toàn.
Không có bảo hiểm lũ lụt, thu nhập cũng vượt mức cho phép để nhận trợ cấp tối đa, cả hai phải vay hơn 100.000 USD từ chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ để tái thiết sau bão. 2 năm sau, dù vẫn sống trong căn nhà cũ, họ chưa thể sửa chữa lại mọi thứ. Gánh nặng tài chính thì khiến cuộc sống gia đình ngày càng chật vật. "Chúng tôi khánh kiệt sau cơn bão, thu nhập cũng giảm đáng kể, chắc sẽ rơi khỏi tầng lớp trung lưu sớm thôi", Paul nói.Bão Wipha đổ bộ Trung Quốc gây mưa lớn, gió mạnh và làm gián đoạn nghiêm trọng giao thông. Nhà chức trách đã di dời hàng trăm nghìn người dân và chuẩn bị ứng phó khẩn cấp. Ảnh: Reuters, Standard. Câu chuyện của cặp vợ chồng được trích từ cuốn sách Soaking the Middle Class, như một ví dụ điển hình cho thấy tầng lớp trung lưu, nhóm được cho là có điều kiện ổn định, đang ngày càng dễ bị tổn thương trước các thảm họa thời tiết cực đoan. 2 nhà nghiên cứu gọi hiện tượng này là “khoảng trống chính sách”. Tầng lớp này không đủ nghèo để nhận trợ cấp ưu tiên nhưng cũng không đủ giàu để tự xoay sở. Họ phải phụ thuộc vào khoản vay hoặc giúp đỡ từ cộng đồng, khiến quá trình phục hồi chậm hơn, kéo dài hàng năm, thậm chí không bao giờ thực sự trở lại điểm ban đầu. Trong khi đó, dữ liệu từ các tổ chức khí tượng quốc tế cho thấy các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng tăng cả về số lượng lẫn mức độ tàn phá. Báo cáo của Ủy ban Quốc tế về Biến đổi Khí hậu chỉ ra những dấu hiệu rõ ràng: lượng mưa cực đoan, bão di chuyển chậm và cường độ ngày càng lớn sẽ trở thành “bình thường mới” ở nhiều khu vực. Với quy mô ngày càng lớn và phạm vi ảnh hưởng ngày càng rộng của thảm họa khí hậu, tầng lớp trung lưu không còn “miễn nhiễm”. Sự ổn định họ có thể biến mất chỉ sau một đêm. Cuộc sống hậu bão có thể là trận chiến dai dẳng hơn cả chính cơn bão, Anna Rhodes và Max Besbris phân tích. Bảo vệ "xương sống" của đô thị Trong Soaking the Middle Class, hai nhà xã hội học Rebecca Elliott và Max Besbris phân tích “hiệu ứng Matthew”, hiện tượng xã hội nơi những người vốn có nhiều nguồn lực sẽ tiếp tục nhận được thêm lợi thế sau khủng hoảng, còn những người ở giữa như tầng lớp trung lưu lại ít được hỗ trợ. Điều này bắt nguồn từ cách các chính sách cứu trợ sau thiên tai được thiết kế. Các gói viện trợ hiện tại, kể cả quốc gia phát triển như Mỹ, thường ưu tiên chủ nhà có tài sản lớn, hồ sơ tín dụng tốt hoặc khả năng tiếp cận thủ tục hành chính nhanh chóng. Hai tác giả so sánh tầng lớp trung lưu như "xương sống" của các đô thị lớn vì hành vi tiêu dùng, khả năng lao động, tiềm lực tài chính đặc trưng. Ảnh: Amazon. Trong khi đó, các hộ trung lưu dù có nhà cửa ổn định nhưng thiếu tích lũy tài chính lớn hoặc kiến thức xử lý khủng hoảng lại phải gánh khoản vay phục hồi hàng trăm nghìn USD, thường kéo dài trong nhiều năm. Với họ, mỗi cơn bão không chỉ cuốn trôi tài sản mà còn để lại những lựa chọn buộc phải đánh đổi: trì hoãn kế hoạch học tập của con cái, dời lịch dưỡng già, hay giảm đầu tư vào sinh kế tương lai. "Đó là hậu quả khó đo lường bằng con số như các thiệt hại vật chất, nhìn có vẻ vô hình nhưng để lại ảnh hưởng lâu dài lên khả năng phục hồi của cả một cộng đồng", hai tác giả nhấn mạnh. Một chính sách phục hồi công bằng cho tầng lớp trung lưu không nên dừng lại ở những hỗ trợ hành chính như xe khám lưu động hay trung tâm khủng hoảng tạm thời. Thay vào đó, cần có cơ chế cho vay ưu đãi dài hạn, hỗ trợ kỹ thuật trong sửa chữa nhà cửa, tư vấn tài chính cá nhân và đặc biệt là mạng lưới tư vấn sức khỏe tâm thần đủ lâu dài. Nếu không được lấp đầy, khoảng trống chính sách này có thể khiến tầng lớp trung lưu, vốn là "xương sống" của nhiều đô thị, trở nên mong manh sau mỗi mùa bão lũ. Không chỉ thiệt hại về tài chính, họ còn có nguy cơ suy giảm niềm tin vào khả năng bảo vệ của các thiết chế xã hội, từ đó tạo ra tâm lý rút lui, co cụm và mất kết nối cộng đồng - điều tối kỵ trong hành trình tái thiết sau thiên tai.Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - ZnewsBạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.