Nhảy đến nội dung

Nhìn Trung Quốc thành công vượt bậc, một siêu cường châu Á trăn trở: "Thời mà ta rực rỡ như vậy đâu rồi"?

Cách đây 40 năm, quốc gia châu Á này cũng từng khiến thế giới phải ngỡ ngàng trước sự trỗi dậy mạnh mẽ giống Trung Quốc ngày nay. Nhưng tất cả đã lùi vào quá khứ.

Nhật Bản một thời như thế

Sự thành công đáng ghen tị của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ đã tạo ra những xung đột gay gắt giữa các quốc gia nhằm phát triển và bảo vệ doanh nghiệp trong nước.

Mối đe dọa từ quốc gia tỷ dân khiến Mỹ phải tiến hành các biện pháp sắt đá, tạo ra cuộc chiến thương mại với những rủi ro làm đảo lộn kinh tế toàn cầu.

Thế nhưng, Trung Quốc chỉ là thế lực công nghệ mới mẻ sau này. Cách đây 40 năm trước, có một quốc gia châu Á khác cũng từng khiến thế giới phải đau đầu khi có sự trỗi dậy đe dọa tương tự. Đó là Nhật Bản.

Trong quá khứ, Nhật Bản chứ không phải Trung Quốc mới là đối thủ gây lo lắng của hầu hết các quốc gia toàn cầu.

Cuốn sách "Rising Sun" của Michael Crichton ra đời năm 1992, viết về tầm ảnh hưởng to lớn của các tập đoàn tài chính và công nghệ khổng lồ do Nhật Bản tạo ra, từng gây chấn động và nằm trong danh sách những tác phẩm bán chạy nhất khi ấy.

Nỗi e sợ của người Mỹ đối với Nhật Bản cũng không khác những gì đã khiến cho chiến tranh thương mại nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc ngày nay.

Trong một cuộc khảo sát năm 1990, gần 2/3 người Mỹ cho biết đầu tư của Nhật Bản vào Mỹ gây ra mối đe dọa đến nền độc lập kinh tế của nước này.

Sự lo ngại về các công ty Nhật Bản lên đến đỉnh điểm ngay cả khi quốc gia châu Á bắt đầu suy thoái kinh tế sau sự sụp đổ của bong bóng bất động sản và thị trường chứng khoán.

Giờ đây, sau một thời kỳ trì trệ mà Bộ Kinh tế Nhật Bản gọi là "ba thập kỷ mất mát", chứng kiến sức ảnh hưởng lớn lao của Trung Quốc, Tokyo đang thực hiện chính sách công nghiệp trị giá hàng tỷ đô la để khởi động nền kinh tế trì trệ và giành lại vị thế là lãnh đạo công nghệ toàn cầu.

Lần này, Nhật Bản đang hợp tác với chính các công ty công nghệ hàng đầu tại Mỹ và nhiều quốc gia khác — một cách tiếp cận mang tính hợp tác mà nhiều thập kỷ trước đây được coi là điều không tưởng khi cả hai vốn là đối thủ không đội trời chung.

Trọng tâm chính sách công nghiệp của Tokyo hiện nay là các hình thức công nghệ tiên tiến, từ pin đến tấm pin mặt trời, nhưng ưu tiên hàng đầu là giành lại thị phần lớn hơn trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, ngành mà chính phủ Nhật Bản đã dành hơn 27 tỷ USD trong ba năm qua.

"Trong tương lai, thế giới sẽ chia thành hai nhóm: nhóm có thể cung cấp chất bán dẫn và nhóm chỉ tiếp nhận chúng", Akira Amari, một quan chức cấp cao trong đảng cầm quyền Nhật Bản, người trước đây từng lãnh đạo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, cho biết. "Đó là những người chiến thắng và những kẻ thua cuộc".

Dựa trên những bài học kinh nghiệm trong vài thập kỷ qua, Nhật Bản đang thử nghiệm một chiến lược mới liên quan đến chip.

Mặc dù các quốc gia khác cũng đang chi hàng trăm tỷ USD nhằm giành lợi thế, nhưng nỗ lực của Nhật Bản vẫn nổi bật vì có "kinh nghiệm" sử dụng chính sách công nghiệp lâu đời để phát triển nhanh chóng sau Thế chiến II.

"Họ không cần phải bắt đầu từ con số không," Alessio Terzi, nhà kinh tế tại Ủy ban châu Âu nhận định. "Đây đã là điều khiến Nhật Bản khác biệt so với các quốc gia khác".

Nhật Bản không muốn chọn thua cuộc

Điểm nhấn trong sự thúc đẩy công nghiệp mới của Nhật Bản đang hình thành tại một công trường xây dựng một năm tuổi ở Hokkaido, hòn đảo cực bắc của đất nước. Nơi đây vốn nổi tiếng với hoạt động trượt tuyết vào mùa đông, những thảm hoa tươi sắc vào mùa hè và tắm suối nước nóng dưới chân núi lửa.

Bên kia đồng cỏ rộng mở và không xa sân bay Chitose là phác thảo sơ bộ về nhà máy bán dẫn mới của Tập đoàn Rapidus, vẫn được bao quanh bởi bộ khung giàn giáo rộng lớn.

Nhà máy, được tài trợ một phần bởi hàng tỷ đô la tiền của chính phủ, đang được phát triển thông qua sự hợp tác khó tin giữa Rapidus, một nhà sản xuất chip Nhật Bản mới thành lập và công ty công nghệ Mỹ IBM. Nhà máy sẽ sản xuất cái gọi là chip 2 nanomet, một công nghệ mà IBM đang tiên phong.

Ý tưởng hợp tác này được hình thành vào mùa hè năm 2020 thông qua cuộc gọi điện tới Tetsuro Higashi, chủ tịch Rapidus, từ một người bạn, John E. Kelly III, giám đốc điều hành lâu năm tại IBM.

"Tôi nghĩ có lẽ anh ấy chỉ gọi để hỏi thăm thôi," ông Higashi, 75 tuổi, kể lại.

Nhưng câu chuyện không đơn giản như vậy. Kelly giải thích rằng IBM đang phát triển một thế hệ chip mới và muốn sản xuất chúng tại Nhật Bản.

Higashi sớm xác định rằng không có công ty nào ở Nhật Bản có khả năng sản xuất hàng loạt loại chip logic tiên tiến này. Theo ông, đây là thời điểm "bây giờ hoặc không bao giờ".

"Tôi biết nếu từ chối lời kêu gọi của IBM vào thời điểm này, mọi thứ sẽ vẫn giậm chân tại chỗ", ông Higashi nói. Nhật Bản, từng là nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới, đã chứng kiến thị phần của mình giảm từ hơn một nửa vào những năm 1980 xuống còn dưới 10%. Nếu không hành động, ông Higashi cho rằng, "Nhật Bản sẽ ngày càng tụt hậu về công nghệ".

Động thái tiếp theo của ông Higashi là liên hệ với ông Amari, người phụ trách chính sách công nghiệp của chính phủ. Đây là thời điểm thích hợp để yêu cầu chính phủ Nhật Bản giúp xây dựng một nhà máy.

Tình trạng thiếu hụt mọi thứ do dịch bệnh gây ra, từ chip máy tính đến tương ớt sriracha, rồi đến chi phí năng lượng tăng vọt do cuộc xung đột Ukraine đã khiến Tokyo và các thủ đô trên khắp thế giới chú ý đến tầm quan trọng của chuỗi cung ứng an toàn và bền vững.

Vào năm 2020, Nhật Bản đã bổ sung các khoản trợ cấp mới nhằm khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản sản xuất các sản phẩm thiết yếu như chất bán dẫn, tua bin gió, ống tiêm vắc-xin và găng tay cao su chuyển hoạt động về nước hoặc sang các nước lân cận.

Nhật Bản đã thử một cách tiếp cận hoàn toàn trong nước để phục hồi ngành công nghiệp chip đang suy yếu của mình cách đây 25 năm. Họ đã sáp nhập một số doanh nghiệp sản xuất chip hàng đầu thành một thực thể, Elpida Memory, và sau đó cung cấp khoản đầu tư công và các khoản vay.

Năm 2012, Elpida nộp đơn xin phá sản , đây là vụ phá sản lớn nhất của một nhà sản xuất Nhật Bản kể từ Thế chiến thứ II.

Ông Amari cho biết ngành công nghiệp bán dẫn ngày nay "thực sự mang tính toàn cầu": Các công ty Đài Loan (Trung Quốc) sản xuất chip được thiết kế tại Mỹ, sử dụng thiết bị từ Hà Lan và Nhật Bản.

Rapidus sẽ nhận được công nghệ từ IBM cho các chất bán dẫn hiệu suất cao và đã cử hàng trăm kỹ sư đến cơ sở nghiên cứu của IBM để giúp phát triển công nghệ sản xuất hàng loạt chip.

Chính phủ đang hậu thuẫn cả những canh bạc lớn như Rapidus lẫn những canh bạc nhỏ hơn.

Nhật Bản đã lôi kéo Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC), một công ty sản xuất chip khổng lồ, xây dựng một nhà máy ở thị trấn phía nam Kikuyo với sự đầu tư từ các công ty trong nước bao gồm Sony. Nhà máy, được chính phủ tài trợ một phần, đã khánh thành vào tháng 2/2024.

Nhưng vẫn có những người hoài nghi ở Nhật Bản. Nhà máy Rapidus đã bị chỉ trích vì thời hạn đầy tham vọng và không thu hút được nhiều đầu tư từ khu vực tư nhân.

Nhưng ông Amari cho rằng không có giải pháp thay thế nào khác.

"Nếu không tham gia vào ngành bán dẫn ngay bây giờ, bạn sẽ ở trong nhóm thua cuộc ngay từ đầu", ông chỉ ra. "Nhật Bản sẽ không bao giờ lựa chọn điều đó".