Nhảy đến nội dung
 

Nhiều người trẻ là nạn nhân của trò lừa đảo mới - 'bắt cóc online'

Cuối tháng 7, Công an phường Lý Thường Kiệt, tỉnh Ninh Bình, nhận được tin báo của gia đình anh Đặng về việc con gái 18 tuổi đang bị bắt cóc, không rõ vị trí giam giữ. Kẻ lạ mặt gọi điện thoại yêu cầu chuyển khoản ngay 300 triệu đồng.

Sau hơn hai giờ lần theo manh mối, cảnh sát phát hiện con gái anh Đặng đang tự giam mình trong một nhà nghỉ ở phường Kim Bảng. Sau khi trấn an tâm lý, công an đưa thiếu nữ về nhà.

Cùng ngày, trên địa bàn tỉnh, công an xử lý hai trường hợp tương tự. Cả ba vụ việc đều bị áp dụng mánh lừa "bắt cóc online".

Theo công an, nạn nhân đều là học sinh, sinh viên, người trẻ ít kinh nghiệm sống. Họ nhận cuộc gọi từ người lạ tự xưng là cán bộ công an, thông báo dính líu đến vụ án buôn bán ma túy, rửa tiền nghiêm trọng. Sau khi khống chế tinh thần, "cán bộ công an" ép nạn nhân đến một nơi (thường là nhà nghỉ), hướng dẫn cách tự trói tay chân và chụp ảnh gửi cho chúng, đồng thời cấm liên lạc với gia đình.

Thực tế, các nạn nhân không hề bị bắt cóc.

Khi nạn nhân đã bị cô lập hoàn toàn, kẻ gian sử dụng thông tin và hình ảnh có được để tạo dựng video, gọi điện cho gia đình, đe dọa, ép buộc chuyển tiền vào tài khoản để "chuộc" con.

Mùa hè này, các vụ bắt cóc online kiểu này liên tiếp được công an các địa phương phát hiện ở Hà Nội, Quảng Ninh, TP HCM, Cần Thơ...

Chiêu lừa này trên thế giới

Cảnh sát Australia cho biết những kẻ lừa đảo đang nhắm vào những thành viên dễ bị tổn thương trong cộng đồng, chẳng hạn sinh viên quốc tế sống xa bạn bè và gia đình trong một môi trường xa lạ, ít va vấp xã hội. Năm 2019, Australia ghi nhận có 1.172 vụ "bắt cóc online", năm 2018 là 1.700 vụ.

Tháng 7/2020, cảnh sát New South Wales đã phá thành công vụ 8 sinh viên 18-22 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, thành mục tiêu của các vụ lừa đảo "bắt cóc ảo" với số tiền chuộc mà người thân ở quê nhà phải giao nộp lên tới 3,2 triệu AUD (55 tỷ đồng).

Trong các vụ việc này, cha mẹ của sinh viên đều nhận được lời đe dọa kèm video, ảnh con cái họ bị trói ở một địa điểm không xác định. Kẻ lừa đảo mạo danh cảnh sát, cơ quan công tố nói nạn nhân liên quan vụ án nghiêm trọng. Chúng yêu cầu nộp tiền để chứng minh trong sạch, thậm chí dọa sẽ trừng phạt cả gia đình nếu các sinh viên không hợp tác.

Số tiền chúng yêu cầu không hề nhỏ và tất nhiên những người trẻ tuổi này không có. Khi đó, những kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu nạn nhân ngừng liên lạc với gia đình và bạn bè, thuê phòng khách sạn để đảm bảo an toàn. Chúng cũng yêu cầu nạn nhân cách ly và cung cấp hình ảnh như thể đang bị giam giữ. Sau đó những bức ảnh này được gửi đến gia đình nạn nhân để tống tiền.

Những sinh viên ngoan ngoãn tuân thủ, do lo sợ nếu không làm theo, chính gia đình mình cũng bị tổn hại.

Trong khi đó, gia đình khi không thể liên lạc với con mình ở Australia sẽ gửi tiền chuộc để đổi lấy việc thả người. Kẻ lừa đảo tiếp tục đe dọa và yêu cầu đưa thêm tiền cho đến khi chúng không thể đòi thêm được nữa. Lúc này, gia đình nạn nhân mới báo cáo vụ việc với cảnh sát.

Tại Mỹ, kiểu lừa đảo này bị FBI phát giác từ những năm 2010. Phần lớn cuộc gọi lừa đảo đến từ Mexico, nhắm vào các gia đình giàu có ở Los Angeles, Houston hay Beverly Hills, California. Dần dần, kẻ lừa đảo không kén chọn, chúng gọi hàng trăm cuộc điện thoại đến các số ngẫu nhiên, không cần biết hoàn cảnh gia đình, xuất thân hay tên tuổi nạn nhân.

Kẻ lừa đảo sẽ thu âm sẵn một giọng cầu cứu và phát qua điện thoại. Theo bản năng, đầu dây bên kia có thể buột miệng gọi tên con mình: "Mary/Anna/Michael con có sao không?". Rồi một giọng đàn ông sẽ nói đại loại như: "Chúng tôi đã bắt được Mary/Anna/Michael. Nó đang ở trong xe tải. Chúng tôi đang giữ nó làm con tin. Các người cần phải trả tiền chuộc và phải làm ngay bây giờ, nếu không chúng tôi sẽ chặt đứt ngón tay của con bà".

Trong một số trường hợp, phụ huynh nhanh chóng nhận ra là lừa đảo khi con họ đang ở nhà cùng mình. Nhưng trong hàng nghìn cuộc "thả mồi", những kẻ lừa đảo nhàn nhã này vẫn sẽ có được vài trường hợp cắn câu.

Theo FBI, kiểu lừa đảo này vẫn "thịnh hành" ở Mỹ nhưng gần đây đã trở nên nghiêm trọng hơn khi dữ liệu cá nhân bị rò rỉ ngày càng nhiều. AI và công nghệ deepfake bị lợi dụng để tạo ra âm thanh, hình ảnh và những đoạn video như thật về nạn nhân.

Khảo sát của Tập đoàn phần mềm an ninh toàn cầu McAfee, chỉ 27% số người làm khảo sát có thể phân biệt được cuộc gọi thực sự từ người thân và cuộc gọi giả do AI tạo ra.

Qua mạng xã hội, kẻ lừa đảo cũng dễ dàng tìm ra thông tin cá nhân của nạn nhân cũng như bạn bè và người thân của họ.

Đặc vụ FBI Erik Arbuthnot tại Los Angeles cho hay khó truy tố loại tội phạm này vì hầu hết thủ phạm đều ở nước ngoài. Việc điều tra cũng gặp nhiều khó khăn do chúng do sử dụng ứng dụng nhắn tin được mã hóa, kỹ thuật thay đổi số điện thoại...

Số lượng các vụ việc không thể thống kê đủ, do nạn nhân xấu hổ không muốn trình báo, còn phụ huynh nghĩ con mình đã bị bắt cóc thật sự.

Đừng chỉ dựa vào lời nói, hình ảnh qua không gian mạng

Từ đầu tháng 5, Cục Cảnh sát hình sự (C02 Bộ Công an) đã cảnh báo thời gian gần đây, tội phạm tội trên không gian mạng đã liên tục hướng vào học sinh, sinh viên để đe dọa. Thủ đoạn phổ biến mới nhất là mạo danh cơ quan công an, VKS hoặc Tòa án gọi điện, gọi video nhằm tạo dựng lòng tin với các bị hại. Sau đó, chúng lợi dụng tâm lý sợ hãi của các học sinh, sinh viên để đe dọa, thao túng và gây áp lực.

C02 khẳng định, để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương. Nhà chức trách khuyến cáo, người dân tuyệt đối không gọi điện yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng hoặc cài đặt phần mềm để phục vụ điều tra như lời kẻ gian dụ dỗ.

Học sinh, sinh viên, người trẻ cần tự trang bị kỹ năng nhận diện chiêu trò lừa đảo và cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Lam Sơn - Hải Thư (Theo CNN, Fox, Guardian, FBI)

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn