Nhảy đến nội dung

'Nhiều người nghĩ Dũng sĩ Hesman đình đám là truyện tranh nước ngoài'

Khi họa sĩ Hùng Lân qua đời, nhiều người mới bày tỏ ngỡ ngàng biết ông chính là tác giả của Dũng sĩ Hesman - một bộ truyện tranh từng làm mưa làm gió trong thập niên 1990.

Vì sao cứ nghĩ Dũng sĩ Hesman là truyện nước ngoài, bởi phong cách vẽ, cách đặt tên nhân vật, lối kể chuyện và không khí viễn tưởng đậm chất phương Tây. Nhưng tiếc thay, khi sự thật ấy được nhận ra cũng là lúc chúng ta phải thừa nhận: truyện tranh Việt đã bỏ lỡ một cơ hội vàng để lớn lên cùng thời đại.

Ở thời điểm ra mắt năm 1993, Dũng sĩ Hesman không chỉ là một hiện tượng văn hóa, với số lượng in lên đến hàng trăm nghìn bản mỗi tập, mà còn là một bước thử táo bạo của truyện tranh Việt: bước vào địa hạt khoa học viễn tưởng, robot và siêu anh hùng, những thể loại mà Nhật Bản và phương Tây khi đó đã làm rất tốt.

Vượt qua vai trò giải trí học đường, Hesman trở thành biểu tượng của trí tưởng tượng không giới hạn, của những hoài bão chinh phục không gian và cái thiện chiến thắng cái ác.

Nhưng rồi sau Dũng sĩ Hesman, truyện tranh Việt dường như mờ dần. Những nỗ lực lẻ tẻ sau đó, dù có tâm huyết, vẫn chưa tạo ra được một dấu ấn văn hóa tương xứng. Trong khi đó, Nhật Bản tạo nên cả một ngành công nghiệp manga khổng lồ, Hàn Quốc phát triển webtoon như một trào lưu toàn cầu, thì chúng ta vẫn loay hoay với câu hỏi: Truyện tranh Việt đi về đâu?.

Có thể thấy, vấn đề không nằm ở tài năng. Một số điểm sáng về truyện tranh chứng minh chúng ta không thiếu người kể chuyện giỏi, vẽ đẹp.

Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta thiếu một hệ sinh thái hỗ trợ đủ mạnh để truyện tranh Việt phát triển dài hơi: thiếu vốn đầu tư, thiếu nền tảng phân phối hiện đại, thiếu sự bảo hộ bản quyền hiệu quả, và trên hết thiếu một tầm nhìn.

Trong khi đó, thị hiếu độc giả, đặc biệt là thế hệ trẻ, không ngừng thay đổi. Ngày nay, những clip ngắn vài chục giây trên TikTok, Reels đã trở thành "truyện kể" mới. Họ không cần lật từng trang sách, mà chỉ cần lướt là tiếp nhận cả núi thông tin.

Cháu gái tôi còn mê mẩn xem review truyện tranh, video chạy slide hình ảnh và lồng tiếng của "chị Gu Gồ", chỉ nghe và nhìn mà không cần đọc.

Trong môi trường đó, nếu truyện tranh không thay đổi, về cách kể, về hình thức phát hành, thậm chí về định dạng (số hóa, đa phương tiện, chuyển thể...) thì sẽ bị bỏ lại phía sau bởi bị lấn át bởi manga hay manhwa.

Tuy vậy, đây không phải là lúc để than vãn, mà là lúc để nhìn nhận cơ hội. Chính mạng xã hội, chính thói quen xem nhanh, lướt nhanh của người trẻ, lại mở ra hướng đi mới cho truyện tranh Việt. Tại sao không tận dụng nền tảng số để kể chuyện theo cách mới?

Tại sao không làm truyện ngắn dạng "reels", không xây dựng nhân vật thành biểu tượng văn hóa số, không kết hợp với game, phim hoạt hình, hoặc mô hình thương mại hóa nhân vật như các nước đã làm?

Một ngành công nghiệp sáng tạo không thể trông chờ mãi vào lòng yêu nghề của vài cá nhân. Nó cần được nuôi dưỡng bởi chính sách văn hóa dài hạn, được đầu tư như một phần của sức mạnh mềm, được tiếp cận với thị trường một cách hiện đại và chuyên nghiệp.

Truyện tranh Việt không thể lớn lên nếu cứ mãi gói gọn trong vài nhà xuất bản và vài họa sĩ độc lập.

Quang Dũng

 
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn