Nhiều người đột quỵ khi đang lái xe, liệu phòng tránh được không?

Liên tiếp có thông tin về những vụ tài xế đột quỵ khi đang lái xe, khiến nhiều người lo ngại. Vì sao tài xế dễ bị đột quỵ, phòng tránh được không?
Ít ai biết rằng nghề tài xế - đặc biệt là tài xế lái xe đường dài - tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ.
Ai dễ bị đột quỵ?
Đột quỵ, hay còn gọi là tai biến mạch máu não, xảy ra khi dòng máu đến một phần của não bị tắc nghẽn bởi cục máu đông, hoặc khi một mạch máu trong não bị vỡ. Trong cả hai trường hợp, một phần của não sẽ bị tổn thương hoặc chết. Đột quỵ có thể gây tổn thương não vĩnh viễn, tàn tật lâu dài hoặc thậm chí tử vong.
Các yếu tố nguy cơ đột quỵ:
Yếu tố không thể thay đổi
Tuổi cao: Nguy cơ tăng dần theo tuổi, đặc biệt sau 55 tuổi.
Giới tính: Nam giới có nguy cơ cao hơn; nữ tăng nguy cơ sau mãn kinh.
Chủng tộc/dân tộc: Người Mỹ gốc Phi, gốc Tây Ban Nha, và các nhóm thiểu số khác có nguy cơ cao hơn.
Tiền sử gia đình: Có người thân bị đột quỵ hoặc bệnh tim mạch.
Yếu tố có thể thay đổi
Tăng huyết áp (nguy cơ hàng đầu).
Rối loạn nhịp tim (đặc biệt rung nhĩ).
Tiểu đường (tăng nguy cơ xơ vữa).
Rối loạn lipid máu (cholesterol cao).
Hút thuốc lá (tăng hình thành huyết khối, xơ vữa).
Chế độ ăn không lành mạnh (nhiều mỡ, ít rau quả).
Thiếu vận động (tăng nguy cơ béo phì, bệnh tim).
Béo phì (liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ khác).
Lạm dụng rượu (gây tăng huyết áp và tổn hại tim mạch).
Yếu tố tâm lý - xã hội (stress, trầm cảm, mất ngủ).
Bệnh lý khác (viêm mạn tính, ung thư, bệnh mạn tính khác).
Tại Việt Nam, tỉ lệ đột quỵ được ghi nhận ở mức đáng báo động: thuộc hàng cao nhất ở khu vực Đông Nam Á, và xếp thứ 4 về tỉ lệ tử vong do đột quỵ trong số 11 quốc gia lân cận.
Theo dữ liệu Nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu (GBD) 2019, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh tim mạch tại Việt Nam, chiếm 135.999 ca tử vong.
Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy những người làm việc trong các ngành nghề sau có nguy cơ đột quỵ cao hơn:
Bảo vệ: nguy cơ tăng 2,35 lần.
Đầu bếp: nguy cơ tăng 1,51 lần.
Tài xế: nguy cơ tăng 1,30 lần.
Vì sao tài xế có nguy cơ đột quỵ cao?
Tài xế là nhóm nghề nghiệp phải làm việc trong môi trường căng thẳng, yêu cầu tập trung cao độ, thường xuyên làm việc theo giờ giấc bất thường và thiếu ngủ, tất cả đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Đặc biệt, tài xế đường dài thường phải đối mặt với hàng loạt yếu tố nguy cơ sau:
Thiếu vận động thể chất: Ngồi lái xe nhiều giờ liên tục khiến tuần hoàn máu kém.
Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh: Ăn nhanh, ăn mặn, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, dễ gây tăng huyết áp, rối loạn lipid máu.
Căng thẳng kéo dài và rối loạn giấc ngủ: Áp lực công việc, ngủ không đủ giấc ảnh hưởng đến tim mạch và hệ sức khỏe.
Hút thuốc lá, lạm dụng cà phê và rượu, bia: Các thói quen này làm tăng huyết áp, nguy cơ rối loạn nhịp tim và xơ vữa mạch máu.
Không kiểm tra sức khỏe định kỳ: Nhiều tài xế không được tầm soát huyết áp, đường huyết định kỳ... nên dễ bỏ sót các bệnh lý tiềm ẩn như tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch.
Dấu hiệu cảnh báo sớm đột quỵ cần biết
Dấu hiệu cảnh báo sớm đột quỵ
Tê hoặc yếu đột ngột ở mặt, tay hoặc chân, đặc biệt là ở một bên cơ thể.
Lú lẫn đột ngột, khó nói hoặc khó hiểu lời nói.
Rối loạn thị lực đột ngột ở một hoặc cả hai mắt.
Khó đi lại đột ngột, chóng mặt, mất thăng bằng hoặc phối hợp động tác kém.
Đau đầu dữ dội đột ngột mà không rõ nguyên nhân.
QUY TẮC F.A.S.T: Giúp nhận biết nhanh các triệu chứng đột quỵ
F = Face Drooping (Méo mặt): Một bên mặt có bị xệ xuống hoặc tê cứng không? Hãy yêu cầu người đó mỉm cười xem nụ cười có bị lệch không?
A = Arm Weakness (Yếu tay): Một bên tay có bị yếu hoặc tê không? Yêu cầu người đó giơ cả hai tay lên xem có tay nào bị rơi xuống không?
S = Speech Difficulty (Nói khó): Người đó có nói ngọng, ú ớ, khó hiểu không? Yêu cầu họ lặp lại một câu đơn giản - có lặp lại được không?
T = Time to call 115 (Thời điểm gọi cấp cứu): Gọi ngay 115, mỗi phút đều quý giá.
Người xung quanh cần làm gì nếu thấy tài xế có dấu hiệu đột quỵ?
NÊN LÀM
Gọi cấp cứu ngay lập tức.
Sử dụng quy tắc F.A.S.T.
Đặt bệnh nhân nằm nghiêng đầu sang một bên nếu có dấu hiệu nuốt kém.
Ghi nhớ thời điểm bắt đầu triệu chứng.
KHÔNG NÊN LÀM
Không cho bệnh nhân ăn, uống bất cứ thứ gì.
Không tự ý dùng thuốc (hạ huyết áp, aspirin, hay thuốc dân gian).
Không cố gắng đưa đi bệnh viện bằng phương tiện cá nhân nếu không thực sự cần thiết.
Không chặn miệng bệnh nhân nếu họ co giật.