Nhiều môi giới nhà đất phải hành nghề 'chui' vì không được thi chứng chỉ

Chị Lê Thu Trang và chồng hiện là môi giới nhà đất đang làm việc tại TP HCM. Cả hai đã hành nghề gần 4 năm nhưng vẫn chưa có chứng chỉ môi giới. Chị Trang nói mình đang làm "chui", nếu theo đúng quy định mới. Dù vậy, chị không thể bỏ nghề hay tìm việc khác vì đây là kế sinh nhai của gia đình.
Từ giữa năm ngoái khi có quy định yêu cầu môi giới phải có chứng chỉ hành nghề, chị và chồng đã đăng ký học tại một cơ sở và nộp đơn chờ thi lấy bằng. Tuy nhiên, chị vẫn chưa được thi vì không biết cơ sở nào tổ chức sát hạch, cấp bằng.
"Tôi đã hỏi thăm nhiều nơi nhưng vẫn không có câu trả lời, giờ dù học xong mà không thi cũng đâu có bằng cấp", chị Trang nói.
Anh Hùng, môi giới đang làm việc tại một sàn giao dịch ở quận Bình Thạnh, TP HCM, cũng tham gia một lớp học lấy chứng chỉ vào tháng 9/2024, khi công ty thông báo tổ chức. Chương trình học đã kết thúc từ cuối năm ngoái, đến nay chưa ai trong công ty được thi lấy chứng chỉ. Khi tìm hiểu, anh được lãnh đạo công ty cho biết hiện chưa liên hệ được với cơ quan có trách nhiệm tổ chức sát hạch và cấp chứng chỉ.
"Trong khi đó, công việc vẫn phải tiếp tục chứ không thể chờ có giấy phép mới làm được", anh Hùng chia sẻ.
Nói với VnExpress, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản với gần 800 môi giới cho biết ngay khi có quy định về chứng chỉ hành nghề, công ty đã lên danh sách cho 100% nhân viên đi học. Tuy nhiên, doanh nghiệp gặp khó khăn vì không rõ học và thi ở đâu. Từ cuối năm 2024 đến nay, mọi hoạt động đăng ký học và thi chứng chỉ đều bị đình trệ do không có cơ quan nào tổ chức.
Người này cho biết đã tự liên hệ nhiều sở, ngành địa phương để xin hướng dẫn, nhưng ngay cả các cơ quan chức năng cũng lúng túng trong khâu xử lý, khiến doanh nghiệp không biết xoay xở ra sao. Hiện nay, chính quyền vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, cũng chưa xác định rõ cơ quan hoặc đơn vị nào có trách nhiệm tổ chức đào tạo và thi cấp chứng chỉ môi giới.
"Doanh nghiệp muốn làm đúng quy định, nghiêm túc nhưng gặp quá nhiều khó khăn", người này nói thêm.
Đồng tình, đại diện một doanh nghiệp môi giới trụ sở tại quận 5, TP HCM nói gần 150 hồ sơ đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề môi giới của công ty vẫn chưa được duyệt vì không tìm được đơn vị tổ chức sát hạch. Hầu hết môi giới làm việc tại công ty đã hoàn thành khóa học nhưng chưa được cấp chứng chỉ, buộc phải làm việc trái quy định.
"Chúng tôi không rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi tại TP HCM", đại diện công ty nói.
Luật Kinh doanh bất động sản 2023 quy định, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải có chứng chỉ và phải hành nghề trong một sàn giao dịch bất động sản hoặc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản.
Tuy nhiên, một khảo sát mới đây từ Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam (VARS IRE) cho thấy bức tranh không mấy sáng sủa về tình hình cấp chứng chỉ môi giới bất động sản. Theo đó, cả nước hiện có hơn 300.000 môi giới đang hoạt động, nhưng 89% trong số đó chưa có chứng chỉ, đang sử dụng chứng chỉ hết hiệu lực. Điều này đồng nghĩa với việc có khoảng 260.000 môi giới đang hành nghề trái luật.
Ngoài ra, VARS IRE cho biết gần 52% môi giới chưa từng qua đào tạo chính quy, 24% đã qua đào tạo nhưng chưa được cấp chứng chỉ và 12,8% sở hữu chứng chỉ hết hạn. Chỉ khoảng 11% môi giới hiện nay có chứng chỉ hợp lệ. Điều này phản ánh sự "lệch chuẩn" nghiêm trọng trong ngành môi giới bất động sản, không chỉ gây ra vấn đề pháp lý mà còn ảnh hưởng đến tính minh bạch và chuyên nghiệp của toàn thị trường.
Báo cáo của Sở Xây dựng TP HCM cho thấy trong năm 2024, thành phố có 2.041 môi giới bất động sản đã được cấp chứng chỉ hành nghề. Con số này được đánh giá là khiêm tốn so với tổng số hàng chục nghìn môi giới đang hoạt động trên địa bàn.
Đánh giá nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết hơn một năm qua, nhiều đơn vị chức năng tổ chức các lớp đào tạo, nhưng không địa phương nào trên cả nước có thể tổ chức thi sát hạch. Hệ thống thi và cấp chứng chỉ được giao cho chính quyền các địa phương nhưng hiện nay chưa có nới nào tổ chức. Điều này dẫn đến môi giới phải hành nghề "chui", trái quy định của pháp luật.
"Nếu các địa phương tiếp tục chờ nhau hoặc lo ngại trách nhiệm, kỳ thi sát hạch sẽ mãi chỉ nằm trên giấy", ông Đính nhấn mạnh.
Tiến sĩ Trần Xuân Lượng, Phó viện trưởng Viện Nghiên VARS IRE, nhận xét thị trường đang tồn tại một nghịch lý đáng buồn là đội ngũ môi giới chưa được cấp chứng chỉ, doanh nghiệp chưa có nhân lực đạt chuẩn, nhưng lại không thể tổ chức thi. Trong khi đó, có đến 416 doanh nghiệp môi giới báo cáo thiếu hụt nhân sự đạt chuẩn, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp môi giới không thể tuyển đủ nhân sự hợp pháp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động giao dịch và quá trình phục hồi thị trường.
Nói về tình hình cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản thời gian qua, Sở Xây dựng TP HCM cho biết, hoạt động cấp chứng chỉ hành nghề môi giới đang chững lại do thay đổi cơ quan tổ chức theo Nghị định 96/2024 của Chính phủ.
Trước đây, theo Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Sở Xây dựng là đơn vị phụ trách tổ chức kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, hiện nay thẩm quyền này thuộc UBND cấp tỉnh. Để đảm bảo tính liên tục trong công tác quản lý, Sở Xây dựng đã kiến nghị UBND TP HCM ủy quyền để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời, Sở cũng đang xây dựng quy trình tổ chức thi và cấp chứng chỉ theo quy định mới.
Bên cạnh việc góp ý Bộ Xây dựng cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để UBND các tỉnh, thành phố có cơ sở triển khai kỳ thi theo đúng quy định pháp luật, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng kiến nghị cơ quan quản lý cho phép các đơn vị đào tạo đủ điều kiện được phối hợp tổ chức kỳ sát hạch. Đồng thời, Hội đề xuất xây dựng hệ thống thi trực tuyến hoặc liên tỉnh, giảm tải áp lực cho từng địa phương và đảm bảo tính công khai, minh bạch, sớm khôi phục dòng chảy nhân lực môi giới trên thị trường.
Phương Uyên