Nhảy đến nội dung

Nhiều bất cập trong giao khoán đất lâm nghiệp

TPO - Chính sách giao khoán đất lâm nghiệp đã thay đổi theo từng thời kỳ, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều bất cập trong thực tiễn đòi hỏi có những sửa đổi cho phù hợp.

TPO - Chính sách giao khoán đất lâm nghiệp đã thay đổi theo từng thời kỳ, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều bất cập trong thực tiễn đòi hỏi có những sửa đổi cho phù hợp.

Ngày 25/4, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, Vụ Kinh tế ngành - Ban Chính sách chiến lược Trung ương và tổ chức Forest Trends đồng tổ chức Hội thảo “Hiện trạng và đề xuất giải pháp giao khoán đất lâm nghiệp trong các công ty lâm nghiệp”.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quốc Trị cho biết chính sách giao khoán rừng đã mang lại những chuyển biến tích cực trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cải thiện cuộc sống của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Sau 30 năm thực hiện chính sách về giao khoán, các công ty lâm nghiệp toàn quốc đã thực hiện khoán trên 458.000 ha, tương đương khoảng 27% tổng diện tích được quản lý.

Tuy nhiên, quản lý đất đai và rừng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong việc sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả của các công ty nông nghiệp. Vì thế cần hoàn thiện thể chế, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, quản lý và sử dụng tài sản công để hỗ trợ công tác sắp xếp, đổi mới và phát triển các công ty nông nghiệp.

Nhiều bất cập trong giao khoán đất lâm nghiệp ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quốc Trị.

Đại diện Vụ Kinh tế ngành, Ban Chính sách, chiến lược Trung ương cho biết: Theo chủ trương của Đảng và Nhà nước: Chính sách giao khoán đất lâm nghiệp nhằm tạo động lực kinh tế, khuyến khích người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Các văn bản quan trọng như Nghị quyết 30, Kết luận 82, Nghị quyết 19, Luật Đất đai 2014... đều có những quy định liên quan đến việc giao khoán đất lâm nghiệp. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành việc giao, cho thuê đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện chưa được khả quan: Phần lớn diện tích đất được giao cho các tổ chức chưa được đo vẽ, lập bản đồ cụ thể. Việc giao đất cho hộ gia đình, cá nhân chủ yếu dừng lại ở giai đoạn xác định khu vực có thể bao do quỹ đất có quy mô diện tích lớn. Tổng diện tích đất đang được giao khoán là 411.000 ha, chiếm 22,2% tổng diện tích đất của các công ty lâm nghiệp.

Vị đại diện đề xuất, để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động của công ty lâm nghiệp cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về quyền sử dụng đất nông nghiệp cho người dân. Rà soát, đánh giá việc sử dụng đất lâm nghiệp, thu hồi những diện tích quản lý, sử dụng không hiệu quả. Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về đất đai, nhất là chính sách đất đai đối với công ty lâm nghiệp. Xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu đất nông nghiệp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

Nhiều bất cập trong giao khoán đất lâm nghiệp ảnh 2
Quang cảnh hội thảo.

Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam - chỉ ra rằng các quy định hiện hành về đối tượng nhận khoán, hạn mức, thời hạn khoán, cũng như quyền và trách nhiệm của các bên chưa thực sự phù hợp với thực tiễn.

Những bất cập này xuất phát từ nhiều nguyên nhân: Công tác tuyên truyền chính sách còn hạn chế, lực lượng bảo vệ rừng mỏng, hồ sơ đất đai chưa hoàn thiện, giám sát thiếu chặt chẽ, và các tranh chấp đất đai diễn ra phức tạp. Ngoài ra, việc xử lý vi phạm còn lúng túng, thiếu chế tài đủ mạnh, gây khó khăn trong quản lý hợp đồng khoán.

Để giải quyết những tồn tại, Bộ Chính trị đã chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện thể chế và các văn bản pháp luật về đất đai, quản lý tài sản công nhằm thúc đẩy sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp.

Ông Tiến đề xuất cần điều chỉnh cơ chế chính sách theo hướng linh hoạt hơn. Đối với diện tích đất đã giao hoặc cho thuê quyền quản lý cho các công ty lâm nghiệp, công ty nên được chủ động thực hiện các biện pháp kinh doanh theo quy định pháp luật. Về công tác khoán, Nhà nước cần ban hành khung chính sách chung, nhưng các chi tiết như phương thức khoán, nội dung hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên, phương thức chia lợi nhuận, cũng như xử lý vi phạm nên do công ty và hộ nhận khoán thỏa thuận, tuân theo quy định của Luật Dân sự. Điều này sẽ giúp giảm thiểu các bất cập trong thực tiễn và tăng tính tự chủ cho các bên liên quan.

Cơ quan quản lý cần tăng cường thanh, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, và xử lý các tranh chấp hợp đồng khoán, lấn chiếm đất, liên doanh liên kết sai quy định. Các công ty nông, lâm nghiệp cũng cần lập phương án quản lý, sử dụng đất khi trả về địa phương, đảm bảo giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với chính sách an sinh xã hội.

Ông Nguyễn Bá Ngãi - Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam - nhấn mạnh vai trò của Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các tỉnh trong việc đôn đốc, đơn giản hóa thủ tục hành chính để chuyển đất lâm nghiệp về địa phương quản lý. Các địa phương cần hoàn thành kiểm kê đất, thống kê người sử dụng, xây dựng phương án sử dụng đất, giải quyết dứt điểm tranh chấp, lấn chiếm, và xử lý các trường hợp cấp trùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đại diện Tổ chức Forest Trends nhìn nhận, việc giao khoán đất lâm nghiệp không chỉ mang lại lợi ích kinh tế - xã hội mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông lâm sản và thị trường tín chỉ carbon rừng. Tuy nhiên, để hiện thực hóa cơ hội này, các tồn tại trong sử dụng đất, đặc biệt là trong hình thức giao khoán, cần được giải quyết triệt để. Điều này bao gồm việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý, minh bạch hóa quyền lợi và trách nhiệm của các bên, đồng thời tăng cường quản lý để giảm thiểu vi phạm.

Thanh Huyền